Có một người đàn ông đến từ đất nước mặt trời mọc đã cất công học nghề gốm Việt để rồi sau đó gắn đời mình với công việc dạy làm gốm Việt tại TP.HCM hơn 14 năm nay. Đó là ông Mamoru Tomizawa (47 tuổi), chủ nhiệm Overland Club, một câu lạc bộ dạy nghề đồng thời là lớp học giới thiệu về văn hóa Việt Nam.
Trong lớp học làm gốm của ông, học viên có thể phát huy hết khả năng sáng tạo để làm ra các sản phẩm gốm độc đáo cho riêng mình. Ông chia sẻ: “Làm gốm để luyện cho chúng ta đôi bàn tay khéo léo và giúp tinh thần tươi vui hơn, đó là nguyên nhân khiến ông ngày càng gắn bó với môn nghệ thuật này”.
Trước khi đến Việt Nam năm 1995, chàng thanh niên Tomizawa làm việc cho một công ty vận tải ở Kobe, Nhật Bản. Một trận động đất khủng khiếp đã xảy ra tại ngôi làng của ông, khiến hơn 6.000 người thiệt mạng và nhiều người khác lâm vào cảnh vô gia cư. Tomizawa may mắn sống sót sau trận động đất sau một nỗi đau quá lớn. “Tôi bỗng nhận thấy cuộc sống của mình thật ngắn ngủi và mong manh nên quyết định sẽ làm một điều gì đó khác lạ và có ý nghĩa”.
Ông Tomizawa quyết định đến Việt Nam, một nước đang được sự chú ý của các nhà đầu tư Nhật Bản vào thời điểm đó. Đến làng gốm Bát Tràng, ông bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của sản phẩm này và đôi tay tài hoa của các nghệ nhân.
Ông cho biết: “Làm ra những tác phẩm nghệ thuật bằng chính đôi bàn tay của mình mang lại cho tôi một cảm xúc mới mẻ và hấp dẫn khó tả. Và thật kỳ diệu, khi hòa mình vào gốm, những đau khổ và mất mát từ trận động đất trước đây dường như tan biến một cách nhẹ nhàng”.
Sau đó, ông ở lại làng gốm Bát Tràng để bắt đầu theo đuổi niềm đam mê về gốm Việt. Không chỉ học từ những nghệ nhân gốm giàu kinh nghiệm, ông còn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo thêm những cách thức mới nên tiến bộ rất nhanh.
Ông thấy ở Nhật, việc làm gốm tương đối phổ biến như một loại hình giải trí nhưng nhiều người Việt Nam lại chưa biết đến bộ môn nghệ thuật này. Vì vậy, Overland Club ra đời ở TP. Hồ Chí Minh vào năm 2001 để mọi người biết đến gốm hơn.
Lớp gốm của ông đến nay có khoảng 5.000 học viên. Lúc đầu, hầu hết học viên là người nước ngoài nhưng đến nay, 70% học sinh lớp gốm là người Việt và không ít trong số này là trẻ em. Khóa học gốm cơ bản dành cho những người mới bắt đầu làm quen với gốm gồm 10 tiết học, học phí là 3,6 triệu đồng.
Học viên không có nhiều thời gian có thể tham gia lớp “giải trí và thực hành” trong 1,5 giờ, học phí từ 90 đến 100 ngàn đồng. Ông Tomizawa cho biết: “So với gốm Trung Quốc khá nghiêm ngặt về tính đối xứng và màu sắc thì gốm Bát Tràng tương đối tự do trong ý tưởng, giúp mọi người thỏa sức sáng tạo trên tác phẩm của mình”.
Ngoài dạy làm gốm, ông còn nhận khoảng 100 đơn đặt hàng gốm mỗi tháng. Vốn là người yêu cầu cao trong công việc nên ông thường làm hai, ba sản phẩm khác nhau cho mỗi đơn hàng. Sau đó, ông sẽ chọn sản phẩm ưng ý nhất cho các đơn hàng.
Do nhu cầu học làm gốm ngày càng nhiều nên ông Tomizawa dự định sẽ mở thêm một lớp học gốm nữa cũng ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh. “Tôi hy vọng có thể tổ chức nhiều lớp học làm gốm ở tất cả các nước trên thế giới mà trước hết là ở Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ trong thời gian tới. Đó cũng là lý do vì sao tôi đặt tên câu lạc bộ gốm của mình là Overland Club”, ông Tomizawa nói.