Cuộc đời sẽ thuận buồm, xuôi gió nếu cô không gặp Đỗ Bình (Công Danh). Dường như có một lực cản nào đó từ đâu trong xa xăm đã ngăn cô gần gũi hơn với người chồng sắp cưới. Thẩm Quốc Thân thấy Liên còn ngần ngừ vì những cảm giác mơ hồ kia đã cho rằng cô thật vớ vẩn. Khi Liên và Đỗ Bình cầm trên tay con thuyền gốm, một món đồ cổ mà Thân vừa kiếm được thì dường như họ khám phá ra chính họ trong quá khứ xa xăm. Trên con thuyền cổ xưa ấy họ từng yêu nhau… Ở đó Quỳnh Liên là Miên Lan còn Đỗ Bình là Nhã Bình. Một bi kịch kiểu Romeo và Juliette đã xảy ra và người gây ra bi kịch cho đôi trẻ là Cao Tự Thiên chính là Thẩm Quốc Thân.
Nếu kịch chỉ dừng ở câu chuyện tình ngang trái của các đôi trái gái trong quá khứ và họ gặp lại nhau trong hiện tại, thì Tái sinh lại giống như nội dung vài phim cổ trang Hàn Quốc gần đây. Kịch lôi cuốn sự theo dõi của khán giả bởi thế giới tâm linh và bằng hành xử của con người hôm nay. Thân sẽ là con người bình thường, nếu như anh ta biết cách cư xử hơn khi biết Liên đã đưa cho Đỗ Bình chiếc thuyền cổ. Nhưng sự tiếc của và thái độ lỗ mãng của anh ta đã làm Liên kinh sợ. Bản chất của con người ngày hôm nay có phải đã được ấn định từ kiếp trước? Hệ quả của việc tu nhân tích đức được đặt ra. Nếu kiếp trước tôi ở ác thì kiếp sau phải gánh chịu. Đứng trước nguy cơ mất Liên, Thân nổi điên, cái ác trong anh ta trỗi dậy. Cuộc đuổi bắt giành giật tình yêu tay ba dường như lặp lại từ chuyện năm xưa nhưng ở cấp độ lớn hơn. Thế giới tâm linh luôn ẩn náu và đan xen trong cuộc sống hiện tại. Nó giới hạn dục vọng của con người. Nếu người quá tham vọng, sống ác thì ắt phải có nghiệp chướng. Hạnh phúc chính là hạnh ngộ của tình yêu và lòng thiện. Sự thua thiệt hôm nay sẽ được đền bù vào ngày mai.
Một kịch bản như vậy nếu dựng theo bài ca như các thể loại ca kịch hẳn dễ dựng và dễ xem hơn. Một vở kịch nói xen giữa quá khứ và hiện tại. Những màn đẫm tình, bi ai của câu chuyện xưa hiện lẫn cuộc sống thực dụng, tình và tiền ở thì hiện tại diễn ra với tiết tấu nhanh, ngôn ngữ thoại hai thời đại khá khác nhau, khiến cho kịch khó tránh khỏi sự tương phản gay gắt. Đạo diễn Ái Như đã dựng khá nhuyễn hai thủ pháp ước lệ và tâm lý, hành động. Cách diễn nhân vật Thân của Thành Hội và Hà (em của Thân – Ái Như) đã khéo lồng sự hài hước vào sự xấu tính để làm giảm độ chênh vênh gay gắt đó. Thói xấu của con người, chỉ là cá tính của từng người cụ thể. Con người làm điều ác khi anh ta bị ném vào hoàn cảnh, tâm lý riêng biệt. Trong kịch, cảnh đan xen quá khứ và hiện tại ở cùng một không gian, bối cảnh tạo cho người xem nhiều cung bậc ngắm nhìn và lạ về cảm xúc. Bộ ba diễn viên đầy kinh nghiệm: Ái Như, Thành Hội, Tuyết Thu không chỉ chuyển tải được sự phức tạp về từng trạng thái, từng biến chuyển tâm lý mà còn lôi cuốn khán giả bằng chính tài hài hước sẵn có của mình. Để vở diễn chỉnh chu, đạo diễn Ái Như đã mời họa sĩ Sĩ Hoàng thiết kế trang phục. Trang phục xưa làm cho nhân vật xưa bay bổng lộng lẫy, còn trang phục của nhân vật hiện tại lại ấn tượng, làm nổi rõ tính cách nhân vật, hình ảnh những diễn viên thân quen bỗng ngộ hơn rất nhiều. Sự hạn chế là phần đầu câu chuyện diễn ra chậm quá khiến tiết tấu của kịch đôi lúc hơi bị chùng, nguội.
Vở Tái sinh đi vào thế giới tâm linh như muốn đặt con người sống ngày hôm nay phải nghĩ đến hậu vận ngày mai, có như vậy mỗi người mới tự cản bớt tội lỗi và bớt làm điều ác.
Việt Nga