- Chín hãng thông tấn châu Âu vừa kêu gọi các “ông lớn” internet trả tiền bản quyền cho việc sử dụng những nội dung tin tức để thu lợi nhuận lớn. Trong một yêu cầu được công bố trên tờ Le Monde của Pháp, các hãng thông tấn AFP (Pháp), DPA (Đức), Press Association (Anh), EFE (Tây Ban Nha), TT (Thụy Điển), Belga (Bỉ), APA (Áo), Ansa (Italy) và ANP (Hà Lan) nhấn mạnh Facebook đã trở thành công ty truyền thông lớn nhất trên thế giới cho dù cả Facebook và Google đều không có nổi một phòng biên tập tin tức, cũng như không có các phóng viên bất chấp nguy hiểm tính mạng để đưa tin tại Syria, hay các nhà biên tập kiểm duyệt và xác nhận những thông tin do các nhà báo cung cấp. Các hãng trên cũng nhấn mạnh sau nhu cầu kết nối với bạn bè và gia đình, việc cập nhật tin tức là lý do thứ hai thúc đẩy người dùng đăng nhập Facebook, qua đó giúp mạng xã hội lớn nhất hành tinh này tăng gấp ba lợi nhuận lên 10 tỉ USD hồi năm ngoái. Điều này cũng đồng nghĩa các công ty internet đã gặt hái lợi nhuận khổng lồ “từ công sức của người khác” khi “bỏ túi” khoảng 60 đến 70% doanh thu quảng cáo.
- Singapore ra mắt chương trình chia sẻ xe điện đầu tiên trên diện rộng. Người muốn lái xe chỉ cần đăng ký thành viên và trả phí mỗi phút di chuyển 0,24 USD. Dịch vụ này do Công ty BlueSG thuộc Tập đoàn Bollore (Pháp) vận hành trong khoảng 10 năm, nằm trong những sáng kiến giúp người có nhu cầu di chuyển tại Singapore có nhiều lựa chọn hơn, và cũng giúp giải quyết vấn đề số lượng xe quá lớn tại quốc gia có diện tích nhỏ này. BlueSG cho biết mạng lưới gồm 80 chiếc xe hơi điện, 30 trạm thiết bị cung cấp 120 điểm sạc điện bố trí khắp cả nước. Những chiếc xe này là loại hatchback hai cửa có thể chở bốn người, chạy bằng pin lithium metal polymer (Li-Po), với quãng đường tối đa 200km nếu đầy pin. Để sử dụng dịch vụ, người dùng có thể đăng ký qua ứng dụng điện thoại và có thể đến một trong những trạm sạc để dùng chiếc xe mình đã đăng ký, lái đi và đến khi kết thúc hành trình sẽ đậu nó lại ở trạm sạc gần nhất vị trí họ đến.
- Nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ Amazon đã đồng ý trả 100 triệu euro (tương đương 118 triệu USD) để dàn xếp cuộc điều tra liên quan đến hành vi gian lận thuế tại Italy. Cơ quan Thuế vụ Italy ngày 15-12 thông báo giới chức nước này đã tiến hành điều tra Amazon về việc trốn thuế trong giai đoạn 2011-2015. Vì vậy, thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc đóng lại hồ sơ trốn thuế này. Amazon đã thiết lập một cơ chế, trong đó khai các khoản lợi nhuận thu được tại Italy ở Luxembourg, nơi có mức thuế công ty thấp hơn nhiều. Giới chức Italy cho biết sẽ theo đuổi các biện pháp phòng ngừa với Amazon để đảm bảo hãng này trả đủ thuế theo doanh thu tại Italy.
- Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 12-12 tuyên bố sẽ ngừng cấp vốn cho các dự án thăm dò và khai thác dầu mỏ, khí đốt kể từ năm 2019, nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu dịch chuyển theo hướng năng lượng sạch. WB nhấn mạnh động thái trên sẽ góp phần hối thúc các quốc gia tuân thủ những cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà họ đã nhất trí trong Hiệp định Paris 2015 nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. WB nêu rõ trong những trường hợp ngoại lệ, ngân hàng này sẽ cân nhắc cấp vốn cho các dự án khai thác khí đốt tại các quốc gia nghèo nhất thế giới, nhằm đảm bảo người nghèo cũng được tiếp cận năng lượng. Tuy vậy, điều đó chỉ được thực hiện khi những dự án này đáp ứng được các cam kết trong Hiệp định Paris.