Đầu xuân mà thấy hoa mai rơi cánh, hoa đào chưa rộ, không ít ai trong chúng ta không nghi ngại là sang năm sẽ ít may mắn. Nghi ngại là một thái cực trái ngược với tin tưởng, và ở đây xin nói về cái sau, niềm tin.
Niềm tin trong con người bị dao động, khi họ không biết ngày mai sẽ ra sao. Tâm trạng ấy xuất hiện khi một người đang có quyền cao chức trọng hay nắm trong tay tiền rừng bạc bể; hoặc khi ở tù mà không bị tuyên án, chẳng biết ngày nào ra. Khi ấy, đương sự nghĩ đến thần thánh và cầu nguyện, hay đi xem bói toán để đề phòng. Đấy, người quyền thế hay cao sang chưa hẳn đã sướng! Và khi ấy họ cũng phải bám víu vào một niềm tin.
Niềm tin có thể chia làm ba thứ. Thứ nhất là tin vào thần thánh, tức là niềm tin tôn giáo; thứ hai là tin vào chính mình, hay tự tin và thứ ba là tin vào người khác. Phân cho rạch ròi và lấy chính mình (chủ thể) làm điểm trụ, rồi lấy một cái gì bên ngoài mình làm đối tượng thì là như thế; nhưng có vẻ như ba loại niềm tin kia có một gốc chung; cái nọ dẫn đến cái kia.
Niềm tin tôn giáo thúc đẩy chủ thể tin vào đối tượng là một đấng thiêng liêng (Trời, Phật, Chúa…), sống theo lời dạy của vị ấy và phó thác cuộc sống của mình cho vị ấy. Họ phải được dạy dỗ từ tấm bé, học qua gương người đi trước và tự mình đôi lúc cũng phải chịu thử thách.
Niềm tin ấy không nhằm giúp chủ thể giải quyết cuộc sống hiện tại nhưng là cuộc sống tương lai, ở thế giới bên kia, mà trong đời mình có lúc họ sẽ tự hỏi về nó. Tuy không nhắm vào hiện tại; nhưng nó giúp họ chấp nhận những khó khăn của hiện tại; vì tin rằng chúng là tạm bợ, đời sau mới là vĩnh cửu, là luân hồi.
Niềm tin tôn giáo có một sức mạnh vô song. Nó tạo cho chủ thể một nơi ẩn nấp trong hiện tại. Giống như câu thánh vịnh: “Dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”. Vâng, câu ấy đã giúp cho dân tộc Do Thái vượt qua mọi gian truân trong lịch sử của họ. Thậm chí hôm 9/11/2001, sau khi thành phố New York bị tấn công, tổng thống Bush đã đọc câu này trên truyền hình để trấn an dân chúng Mỹ.
Tin vào đấng thiêng liêng là tin vào “một điều tốt lành”. Đấng ấy luôn luôn tốt lành vì vô hình, vô ảnh. Một triết gia nào đó, một lãnh tụ nào bất kể, nếu có khả năng thuyết phục người khác (người nghe) về một điều nào đó mà họ chủ trương, hay một việc gì đó họ muốn làm rằng đó là “một điều tốt lành” thì trong đầu óc người nghe, điều kia, việc nọ trở thành “lý tưởng”.
Sở dĩ vậy, vì chúng ta tất cả đều mong muốn điều tốt lành cho mình và muốn có chúng để mình được hưởng. Vậy người muốn “làm điều tốt lành” là người có lý tưởng. Họ trở thành người tự tin; tin rằng mình bỏ sức làm một việc tốt lành cho chính mình, và cái gì tốt cho mình thì cũng tốt cho người khác; hoặc ngược lại thì cũng thế. Nói tự tin là vì có lý tưởng thì cũng chưa trọn vẹn; vì tự tin cũng có thể xuất phát từ những nguồn gốc khác: có cái do trời cho, có cái do người làm.
Thật vậy, nếu bạn có hỏi bất cứ phụ nữ nào rằng khi được người khác khen đẹp thì họ cảm thấy gì? Câu trả lời sẽ là: “Thấy tự tin”. Trong khi ấy, lại không ít thanh thiếu niên thấy tự tin khi có… dế xịn!
Loại tin cuối cùng là tin người khác. Về người khác thì có nhiều: bạn bè, vợ con và cả chính quyền. Tôi xin chọn lĩnh vực kinh doanh. Trong kinh doanh không ai chiến thắng ai; vì nếu một bên thắng, bên kia sẽ thua, thì chỉ còn một mình; vậy buôn bán với ai? Cho nên trong kinh doanh luôn luôn phải có đối tác. Do vậy, ngày nay người ta nói cả hai bên cùng thắng. Muốn thế, hai bên phải tin nhau. Tin nhau là yếu tố cốt tủy để kinh doanh thành công.
Về niềm tin trong kinh doanh đã có học giả nghiên cứu về “Sức mạnh của niềm tin trong mối liên hệ giữa nhà sản xuất và người buôn lẻ” (Nirmalya Kumar, “Managing of Value Chain”, Harvard Business Review, 2000).
Theo Kumar, khi làm ăn với nhau như đối tác, nhà sản xuất và người buôn lẻ có thể mang lại cho người tiêu dùng những giá trị cao nhất với chi phí thấp nhất; còn nếu một bên lợi dụng sức mạnh của mình – là A – để đòi bên kia – là B – phải chịu thiệt thòi, thì điều ấy sẽ trở lại ám ảnh bên A khi sức mạnh của họ bị thay đổi; hơn nữa khi A khai thác ưu thế của họ một cách có hệ thống thì cuối cùng nạn nhân B cũng sẽ tìm cách chống lại.
Do đó, hai bên phải tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau (trust). Tin tưởng lẫn nhau nghĩa là A tin rằng có thể dựa vào B vì B giữ lời. Đó là sự tùy thuộc lẫn nhau (dependability). Muốn vậy hai bên phải nói thật (honesty). Nhưng chỉ thế thì chưa đủ.
Lấy bạn làm thí dụ cho dễ hiểu. Nếu một người mua hàng của bạn nói rằng không thực hiện hợp đồng nghiêm chỉnh thì họ sẽ bắt bạn đền, và người ấy quyết tâm như thế. Đấy là một người nói thật và dựa vào được, nhưng chưa phải là một người mà bạn đặt niềm tin. Mấu chốt để phân biệt giữa một cái gì tin được hay không tin được là khả năng của cả hai bên tạo nên một nhịp cầu của niềm tin (leap of faith): hai người cùng tin rằng người này quan tâm đến lợi ích của người kia, và không ai sẽ ra tay mà không đếm xỉa gì đến tác hại của việc mình làm đối với người kia.
Sự tin tưởng người khác trong kinh doanh dường như nặng nề hơn so với khi tin người khác nói thật; bởi vì cái trước bao hàm một tài sản hữu hình, hay là một lợi ích nhìn thấy được. Muốn tạo ra sự tin tưởng trong kinh doanh, Kumar cho rằng phải có một sự phân chia công bằng được thực hiện theo một thể thức công bằng. Bàn tiếp những vấn đề ấy ở đây là… vô duyên phải không ạ?
Niềm tin tạo nên hy vọng và yêu thương. Đức Khổng Tử đã nói: “Người mà không có niềm tin thì không biết ra thế nào? Ấy chẳng khác gì xe lớn chẳng có đòn ngang thẳng; xe nhỏ chẳng có đòn ngang cong thì làm sao cho xe chạy được?”. Vâng tôi tin! Chứ còn như câu này: “Ai mà tin cậy ở một người đàn bà tức là tin cậy vào những tên trộm”. Ô hay! Cái ông Hésiode này, dớ dẩn quá! Và tôi không tin!