Mặc dù các bluechip vẫn dẫn dắt thị trường, nhưng trong vùng giá khá cao cộng với việc có quá nhiều nhà đầu tư để ý, khả năng tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn từ nhóm cổ phiếu này là không lớn. Chính vì vậy, khi nhận định rằng thị trường đang trong giai đoạn giằng co, khó thể có một cú sốc điều chỉnh, một số nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” bắt đầu tìm cơ hội ở những cổ phiếu bị giảm giá kéo dài như DRH, TTF, JVC, KMR… Trong số đó, DRH (Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước) “rơi” từ đỉnh 78 ngàn đồng/cổ phiếu xuống còn 16.600 đồng/cổ phiếu chỉ sau 40 ngày, còn TTF (Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành) đi từ đỉnh 43.600 đồng/cổ phiếu xuống mức 8.100 đồng/cổ phiếu sau 25 phiên liên tiếp giảm sàn là đáng chú ý nhất.
Với những nhà đầu tư lớn, để “giải cứu” loại cổ phiếu đang lao dốc như vậy cũng không quá khó, họ chỉ cần đợi đến thời điểm phù hợp, tung tiền ra mua hết lệnh bán ngày hôm đó và đặt lệnh mua trần với số lượng lớn. Đó cũng là tín hiệu “đã đến lúc bắt đáy” dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ ăn theo với ý nghĩ “đánh nhanh thắng nhanh” để tìm kiếm lợi nhuận. TTF đang đi theo kịch bản này, với những phiên tăng trần liên tiếp kể từ khi chạm đáy (8.100 đồng) vào ngày 19-8, thậm chí trong tuần từ 22 đến 26-8 cổ phiếu này đã tăng đến 37,04%, trở thành quán quân trong bảng xếp hạng Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần. JVC (Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật), với bốn phiên tăng trần, tăng 19,23%, chỉ xếp sau TTF.
Ít ai có thể dự đoán được đà tăng/giảm của những cổ phiếu như vậy vì giá của chúng không dựa nhiều vào giá trị thực của cổ phiếu cũng như hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp mà phụ thuộc vào việc nhà đầu tư lớn “buông” hay nắm giữ, nhưng có điều chắc chắn là đà tăng của chúng thường không bền và sau những phiên tăng trần sẽ là những phiên “lau sàn”. Để là người chiến thắng trong trò chơi dự báo, nhà đầu tư cần phải có sự may mắn. Những ai mua được TTF ở vùng đáy đã có được mức lời “khủng” chỉ trong một tuần, tuy nhiên, với điều kiện là họ phải bán ra cổ phiếu kịp lúc.
Các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy họ không chỉ giỏi trong việc tìm mua những cổ phiếu tăng trưởng ổn định với mục tiêu dài hạn, mà còn giỏi trong việc mạnh dạn chốt lời khi những cổ phiếu này được giá. Trong tuần từ 22 đến 26-8, họ tiếp tục bán ròng khá mạnh và vẫn tập trung vào các cổ phiếu lớn, với tổng giá trị tương ứng 523,19 tỉ đồng. Trạng thái bán ròng liên tục của khối ngoại kể từ đầu tháng 8, nghĩa là trước kỳ tái cơ cấu của hai quỹ ETF, nên chắc chắn không phải là động thái của những quỹ này. Có thể xem đây là hoạt động tái cơ cấu danh mục của một nhóm nhà đầu tư nước ngoài hơn là xu hướng chung của khối ngoại. Nhiều người cho rằng nhóm này đang theo chiến thuật đầu tư của một số nhà đầu tư nội bấy lâu nay, đó là bán ra trước, rồi chờ cơ hội mua lại chính những loại cổ phiếu ấy với giá rẻ hơn khi hai quỹ ETF bán ra mạnh trong kỳ tái cơ cấu danh mục.
Dù có áp lực bán ròng từ khối ngoại, dòng tiền vẫn đang khá khả quan nhờ vào lực cầu khá tốt đến từ các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, khi áp lực bán ròng này cộng hưởng với đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF trong thời gian tới, không ai dám chắc VN-Index còn giữ được vùng giá cao như hiện nay. Và khi ấy, nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ lại có những phiên “đỏ rực”… Ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí, vật liệu xây dựng và bất động sản được cho là sẽ hút được dòng tiền đầu tư trong thời gian đó.
Ngọc Khang (DNSGCT)