Tìm lại niềm tin trên thị trường chứng khoán

Trong khi nhiều diễn giả đặt trọng tâm vào vấn đề lớn là “Hướng đầu tư vào các công ty có sức mạnh căn bản, minh bạch, kỷ cương và chất lượng quản lý” thì như một thói quen lâu nay, nhiều nhà đầu tư lại quan tâm đến các dự đoán về sự lên hay xuống của chỉ số, ảnh hưởng qua lại của giá vàng, USD, giá dầu… đến thị trường chứng khoán, và đặc biệt nhất là kiếm tiền bằng cách lướt sóng. Sau nhiều thất vọng trước những diễn biến xấu kéo dài của thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã cho rằng “sàn đánh bạc” này nên dẹp bỏ. Có đúng như vậy không và làm thế nào để phục hồi niềm tin là điều mong tìm thấy được trong “ngày hội này”.

Qua rồi thời huy hoàng

Việc các nhà đầu tư quay lưng với thị trường chứng khoán thì ai cũng thấy và như giám đốc một công ty môi giới chứng khoán cho biết, con số khách hàng của anh không tiến hành giao dịch trong thời gian gần đây lên tới 90%. Việc nằm im hay thoát ra tạm thời đó đều khiến cho các nhà quản lý, công ty niêm yết, doanh nghiệp… rất lo lắng. Mất thanh khoản là chuyện nguy hiểm không chỉ riêng cho thị trường chứng khoán mà nó là biểu hiện rõ nét cho việc mất lòng tin và sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào một thị trường không còn khả năng sinh lợi. Nếu chỉ nhìn vào chỉ số VN-Index dao động khoảng từ 350 hoặc có lúc bật lên 450 rồi trở xuống mức trên dưới 400 điểm thì chưa thể thấy được cái cốt lõi vấn đề. Nó nằm ở chỗ có đến 60% cổ phiếu giao dịch trên sàn có giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, chiếm 40% trong số này có giá dưới 7.000 đồng/cổ phiếu. Và cũng không ít những cổ phiếu từng có thời huy hoàng nay chỉ còn vài ba nghìn đồng. Có doanh nghiệp buồn bã nói “chúng tôi đâu có thua lỗ đến mức cổ phiếu chỉ đáng giá vài ly trà đá như thế”.

Nguyên nhân thì có nhiều và cũng nhiều lần được phân tích trên các diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng do không được cải thiện kịp thời cộng thêm ảnh hưởng của suy thoái kinh tế càng tăng thêm cảnh vắng vẻ. Các chuyên gia cho rằng sau 12 năm đi vào hoạt động (từ 28-7-2000 đến nay) thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ì ạch, chậm chạp, chưa tạo được sân chơi công bằng, sòng phẳng cho người tham gia như thường thấy ở thị trường các nước khác. Thực ra, theo đại diện của các quỹ đầu tư nước ngoài thì luật lệ của chúng ta không tệ, quy định, quy chế cũng chặt chẽ nhưng cái chưa ổn là giám sát việc thực thi và xử phạt chưa đến nơi, đến chốn. Ở nước ngoài, bên cạnh các cơ quan quản lý hay chức năng có các tổ chức, các nhà phân tích độc lập cũng như các nhà đầu tư cá nhân cùng tham gia giám sát nên mọi thứ phải minh bạch.

Trong thời gian qua đã có một số các đơn vị bị cơ quan chức năng xử phạt. Các công ty niêm yết, tư vấn vì lợi riêng mà rời bỏ nguyên tắc trung gian, dùng tiền của nhà đầu tư để tự doanh rồi mất vốn, đẻ nợ. Có công ty bắt tay với doanh nghiệp thổi phồng các con số trong báo cáo tài chính, tạo sốt ảo…; doanh nghiệp thì chậm hoặc không báo cáo, giao dịch nội gián, tạo tin đồn gây hại cho nhà đầu tư… Ngay bản thân các nhà đầu tư với nhau cũng vì cái lợi mà lừa lọc nhau. Nhưng khi những hành vi này chưa được nêu đích danh, gọi đúng tội trạng và xử trọng điểm làm gương thì vai trò giám sát, chế tài của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn còn mờ nhạt. Nghe nói dự kiến mức phạt cho những giao dịch mờ ám rồi đây sẽ lên đến hàng tỉ đồng, nhưng nếu không bóc hết những lợi nhuận bất chính hay tịch thu tài sản làm gương thì khó mà răn đe.

Báo cáo của các diễn giả cũng cho thấy những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam còn kéo dài đến 2013. Những vấn đề như lạm phát rồi giảm phát, chính sách tiền tệ, lãi suất, tính ổn định của hệ thống ngân hàng là điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất hiện nay. Những tin tức xấu từ bản thân hệ thống ngân hàng, nợ xấu từ các doanh nghiệp nhà nước, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, nợ công, bên cạnh hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hành chính kém… đã khiến nhiều đoàn đầu tư nước ngoài đến rồi đi. Không phải dòng tiền đầu tư quốc tế đã hết, nhưng hiện tại, họ có quá nhiều chọn lựa, nhất là khi thị trường tại Myanmar, Indonesia mở ra nhiều cơ hội tốt hơn các năm trước. Điều này đe dọa trực tiếp tới việc thu hút đầu tư của Việt Nam và cụ thể một vài dự án lớn đã rút đi sau khi đã xây dựng cơ ngơi. Lãnh đạo nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, họ cũng đang lo lắng vì sắp tới kỳ đại hội cổ đông, các quỹ này còn ở lại hay rút đi là tùy thuộc các cổ đông. Tuy các nhà đầu tư nước ngoài không “lướt sóng” ngắn hạn như cổ đông Việt, thậm chí không bị chi phối bởi các biến động cụ thể, nhưng nếu chúng ta không có chính sách vĩ mô sáng sủa, ổn định lâu dài, tạo động lực tăng trưởng thì khó giữ chân họ. Có một ví dụ vẫn được các chuyên gia nhắc lại nhiều lần là Quỹ Dragon Capital bị mất 100 triệu USD trong một ngày khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD lên hơn 9% vào cuối năm 2011.

Nhà đầu tư phải thực sự là ông chủ

Trả lời câu hỏi là các nhà đầu tư có tiếp tục cuộc chơi trong bối cảnh này không và kỳ vọng vẫn còn nhiều diễn giả cho là vẫn có, vì bản đồ đầu tư ngày càng rõ ràng hơn. Dù nằm yên, ít giao dịch nhưng các nhà đầu tư trong nước không đóng hẳn các tài khoản. Còn khối ngoại vẫn tích cực mua trong năm nay và có thời điểm đã giúp thị trường tăng điểm. Nhưng nhà đầu tư sẽ dè dặt hơn với cổ phiếu ngân hàng, bất động sản hoặc các công ty kinh doanh đa ngành, đầu tư dàn trải trong khi mặn mà với các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, doanh nghiệp tập trung hoạt động của mình trong lĩnh vực chuyên sâu. Ông Phạm Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SSI cho biết, hiện vẫn có các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản có sản phẩm tốt đến thăm dò thị trường Việt Nam để tổ chức sản xuất, lập công ty phân phối vì cho rằng đây vẫn là thị trường có tiềm năng. Các công ty quản lý quỹ quốc tế cũng có đến nhưng họ ngại nhất tỷ giá đồng Việt Nam bất ổn khi nợ xấu lớn, Nhà nước lại chưa có phương án giải quyết hiệu quả hay công bố gói kích thích kinh tế cụ thể như thế nào.

Trong những yêu cầu để nhà đầu tư quay lại với thị trường chứng khoán Việt Nam thì minh bạch thông tin là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Ông Nguyễn Thế Lữ, Chủ tịch Quỹ SAM đã lên tiếng nhiều lần vấn đề này vì các nhà đầu tư nước ngoài tập trung sự quan tâm của họ vào những người điều hành công ty hơn là giá lên xuống của cổ phiếu. Do vậy, khả năng lãnh đạo, công bố thông tin kịp thời, rõ ràng là điều mà nhà đầu tư nước ngoài soi xét rất kỹ. Vậy mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn này. Hội đồng quản trị thường là họ hàng, người quen biết, không chia sẻ thông tin về quản trị, cổ phiếu, cổ phần, nhân thân ban lãnh đạo có vấn đề nên doanh nghiệp khó thu hút vốn bên ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa quen chọn các công ty kiểm toán độc lập có uy tín nên cũng thường bị nghi ngờ chuyện minh bạch.

Với các nhà đầu tư trong nước, tâm lý chạy theo số đông, nghe lời rỉ tai, đồn thổi… ảnh hưởng đến quyết định đầu tư còn chiếm tỷ lệ cao do một phần xuất phát từ sự thiếu rõ ràng từ các báo cáo tài chính. Về điều này, ông Lê Gia Huấn, Giám đốc Euroland (Thụy Điển) cho rằng các nhà đầu tư trong nước “là chủ mà chưa phải là chủ”. Ông nêu ví dụ là ông Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa có một quỹ đầu tư nhỏ tại Mỹ khoảng 700 triệu USD vậy mà có đến hơn 20 diễn đàn của các cổ đông thảo luận, xem xét ban giám đốc làm ăn như thế nào để quyết định giữ hay rút vốn. Để được như vậy thì doanh nghiệp cần minh bạch thông tin với nhà đầu tư, tạo điều kiện để họ giám sát và cả hỗ trợ trong những mối quan hệ kinh doanh. Khái niệm IR (Internal Relation – Quan hệ cổ đông) phải được dùng rộng rãi như PR (Quan hệ công chúng) cách đây hàng chục năm mà lúc đầu cũng bị nghi ngờ là quảng cáo. Tại Thụy Điển, thông qua diễn đàn mạng, website, báo cáo, roadshow, các cuộc gặp gỡ định kỳ… đã tạo được sự quan tâm thật sự của cá nhân nhà đầu tư với các doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư. Thông tin đầy đủ, rõ ràng cũng tránh được sự xung đột, quyền lợi bất đồng giữa cổ đông nhỏ và lớn, mặc cảm tự ti của cổ đông nhỏ, lẻ. Nhiều cổ đông tự trách mình xui xẻo khi cổ phiếu mất giá, chứ không tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp, phân tích số liệu từ thông tin thị trường cũng không thích đầu tư trung gian thông các quỹ, dù bài bản hơn nhiều… Theo các chuyên gia, đến khi nào các cổ đông Việt biết nắm quyền lực bằng lá phiếu trong đại hội, biết liên kết lại và dùng áp lực tài chính buộc doanh nghiệp công khai niêm yết hay sa thải CEO sau một vài quý làm ăn không hiệu quả, thì đó mới thực sự là người chủ.

Theo phân tích và dự báo thì tình hình kinh tế thế giới thời gian tới vẫn chưa khả quan. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đều gặp khó từ nội tại, các nước là thị trường xuất khẩu quen thuộc của Việt Nam cũng đang phải sử dụng nhiều gói kích thích kinh tế thì chắc chắn thị trường chứng khoán Việt Nam khó tăng trưởng trở lại như mong muốn. Điều này buộc thị trường chứng khoán Việt Nam phải tự thay đổi nhiều mặt, kể cả nghiên cứu cơ chế hoạt động, phương thức giao dịch đã trở thành thông lệ quốc tế, nhưng hiện nay ta chưa áp dụng hoặc cấm. Anh Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới giao dịch Chứng khoán Ngân hàng MHB thẳng thắn nói: “Khi các nhà đầu tư khối ngoại đang hoạt động yên tâm ở lại thì thị trường chứng khoán Việt Nam mới có cơ hồi phục”.

Kim Phi

Exit mobile version