Lễ trao Giải thưởng Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, như thường lệ được tổ chức vào đúng ngày giỗ của ông, ngày 24-3. Trong số những người được giải thưởng năm nay có một gương mặt khá đặc biệt, đó là tiến sĩ Sử học, nhà Việt Nam học Pavel Vladimirovich Pozner.
Đặc biệt là bởi trong số những nhà Việt Nam học rất ít ỏi ở Nga, tên tuổi của ông còn khá xa lạ với nhiều người. Đặc biệt là bởi những tác phẩm và công trình nghiên cứu của ông đối với lịch sử Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua, đến tận giờ vẫn rất ít người Việt Nam được tiếp cận, biết đến – dù nó đã được giới thiệu khá rộng trong giới chuyên môn ở Pháp và Liên bang Nga: “Lịch sử Việt Nam cổ đại trong những biên niên sử Việt Nam thời trung đại – những vấn đề nghiên cứu nguồn”; “Lịch sử Việt Nam thời cổ và trung đại sơ kỳ”. Đây là hai luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ của ông đã được in thành sách và dịch sang tiếng Pháp và tiếng Nga.
Không chỉ có vậy, ông còn có một đóng góp to lớn nữa trong việc giới thiệu lịch sử cổ đại của Việt Nam ở Liên bang Nga, đó là dịch, giới thiệu và chú giải rất công phu bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (song ngữ Hán – Nga, gồm Quyển đầu và Tiền biên, quyển 1-5). Đây là công trình ông rất tâm đắc và bắt tay vào làm từ năm 1980, nhưng đến năm 2004 mới xuất bản được.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng những vấn đề mà ông nghiên cứu “giúp chúng ta hiểu Việt Nam từ nguyên sơ, trong những giai đoạn khởi đầu hình thành dân tộc, cũng là quyết định nhất trong hình thành tính cách dân tộc; và là hiểu thật chính xác bằng kiểm định nghiêm khắc các tư liệu và cách ghi chép theo lối biên niên của các tư liệu xưa… Một lối tiếp cận đối tượng mẫu mực”. Và còn điều đặc biệt nữa, ông là người say mê điện ảnh, thích học tiếng Nhật Bản, nhưng cuối cùng lại “sống chết” với lịch sử Việt Nam.
Ông từng thú nhận là thời kỳ học phổ thông, ông đã học rất kém?
Đúng vậy, đơn giản chỉ là vì tôi không cảm thấy hứng thú với những điều được dạy trong nhà trường nên trở thành lười biếng và học dốt. Kết quả là đã thi trượt đại học. Sau đó, vì muốn tôi “nên người” nên cha tôi quyết định cho tôi gia nhập quân ngũ.
Vậy, con đường nào dẫn ông vào đại học sau này?
Sau ba năm phục vụ trong quân đội, tôi trở về nhà và chuẩn bị thi vào đại học. Niềm ước ao lớn nhất của tôi từ nhỏ tới lúc đó là trở thành nhà đạo diễn điện ảnh, giống cha tôi. Nhưng không hiểu sao tôi lại suy nghĩ là trước khi học nghề này mình phải có một nghề khác để hiểu cuộc sống hơn, do vậy tôi đã không thi vào Trường Điện ảnh mà chọn Đại học Tổng hợp Lomonosov – một trường danh giá nhất về các môn học nhân văn.
Và con đường nào dẫn ông đến với Việt Nam học?
Kết quả là tôi được học ở Đại học các ngôn ngữ phương Đông (nay là Học viện các nước Á – Phi) thuộc Trường Lomonosov. Tuy nhiên, khi vào trường, tôi chưa nghĩ về Việt Nam vì trong tôi hầu như chưa biết gì về đất nước các bạn cả, ngoài các cuộc chiến tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam…
Thứ tiếng mà tôi muốn học là Nhật Bản, dù tôi cũng chỉ biết về nước này nhờ xe hơi, máy ghi âm, tivi, phim truyện, nhất là phim lịch sử về giới võ sĩ. Tuy nhiên, muốn học tiếng Nhật thì khi thi vào trường phải thi tiếng Anh, nhưng tôi lại thi tiếng Pháp. Người ta nói với tôi rằng, nếu học tiếng Việt thì sau năm thứ hai, có thành tích xuất sắc thì sẽ được học thêm tiếng Nhật như một ngoại ngữ phương Đông thứ hai. Thế là tôi chọn tiếng Việt.
Từ chỗ là một học trò dốt ở bậc phổ thông trung học, biến thành một sinh viên đại học mà “trước tôi, cũng như sau tôi, không có một người giải ngũ nào học giỏi như tôi” – như ông đã “dám nghĩ” – hẳn là phải có lý do gì đặc biệt?
Tôi đã nói là thời học phổ thông, tôi học kém vì không cảm thấy hứng thú với những điều được dạy trong trường, đúng không? Thế có nghĩa là ở trường đại học, tôi đã tìm được sự hứng thú của mình.
Người truyền hứng thú ấy cho tôi là giáo sư Dega Vitalievich Deopic, người thầy dạy lịch sử cổ và trung đại của Việt Nam cho chúng tôi ở ngay năm thứ nhất và thứ hai. Thầy là giáo viên vô cùng xuất sắc. Ông đã lôi cuốn sinh viên vào thế giới của lịch sử Việt Nam. Ông chính là người khiến tôi từ bỏ ý muốn học tiếng Nhật khi hết năm thứ hai. Giáo vụ hỏi tôi có muốn tiếp tục học tiếng Nhật không, tôi trả lời: “Không. Em muốn học tiếng Hán”. Và có lẽ cũng chính thầy là người giúp tôi quyết định đến với ngành ViệtNamhọc.
Điều gì trong lịch sử của Việt Nam thu hút ông đến vậy và tại sao ông lại chọn thời kỳ cổ đại để nghiên cứu?
Lịch sử Việt Nam có từ rất lâu đời và điều đặc biệt là nó luôn gắn với những cuộc chiến chống xâm lược từ phương Bắc, ngay từ triều đại Thục Phán, An Dương Vương… Sự phát triển và đa dạng của các vương triều khác nhau đều là kết quả của các cuộc chiến ấy. Tuy là một nước nhỏ bé, nhưng Việt Nam vẫn luôn khẳng định được sự tự chủ của mình trước một quốc gia lớn mạnh hơn nhiều lần.
Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng rất nhiều về lịch sử, văn hóa của Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn là một dân tộc có lịch sử riêng, văn hóa riêng với những dấu ấn rõ nét. Đó là điều đầu tiên thu hút tôi. Điều thứ hai là vì thời kỳ này, vẫn còn rất ít người nghiên cứu.
Trong buổi nhận Giải thưởng Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh của mình, ông có nói: “Tôi chỉ coi mình thực sự xứng đáng nhận được giải thưởng này sau khi bộ Lịch sử Việt Nam ra đời, ông có thể nói rõ hơn về bộ sách này?
Đây là dự án biên soạn do tôi đưa ra ý tưởng và đã được Viện Hàn lâm khoa học và Viện Đông phương học Nga đồng ý, và tôi là chủ biên. Tất nhiên, đây là một công việc đòi hỏi nhiều công sức, một mình tôi sẽ không làm nổi. Chúng tôi có 21 người, gồm người Pháp, Việt Nam và Nga, trong đó có năm người chính thức chịu trách nhiệm.
Bộ sách gồm sáu tập, chia thành các giai đoạn: Từ thế kỷ thứ I – thế kỷ thứ X; tiếp theo là từ thế kỷ XI – XVI; từ thế kỷ XVII – thế kỷ XVIII; cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XX; từ thế kỷ XX – năm 1975 và từ 1975 đến năm 2010. Chúng tôi dự định đầu năm 2013 sẽ phát hành bản tiếng Nga, sau đó, khoảng năm 2017 sẽ có phiên bản tiếng Anh.
Ấn phẩm này sẽ được in trên loại giấy tốt, có nhiều ảnh, tranh minh họa, sơ đồ và bản đồ. Có cả bảng kê các tước vị, tên gọi đặc biệt và thuật ngữ viết bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ và dịch ra tiếng Nga…
Để có một ấn phẩm đẹp và quý giá như vậy, liệu các ông có gặp khó khăn gì về tài chính?
Không. Đây sẽ là ấn phẩm đắt tiền, được bán với giá 500 euro/bộ. Chúng tôi in khoảng 1.000 bộ, để lại 250 bộ dành biếu tác giả, cộng tác viên, bạn bè… Như vậy, tiền bán sách vẫn có thể bù được vào khoản tiền đã đầu tư, 300.000 euro.
Tại sao ông lại có ý tưởng biên soạn lại toàn bộ tiến trình lịch sử của Việt Nam, trong khi chúng tôi vẫn có đội ngũ những người viết sử?
Thứ nhất, những nhà Việt Nam học như tôi hiện ở Nga còn rất ít. Những người trẻ thì không quan tâm, hoặc giả cũng sẽ có người học tiếng Việt, biết tiếng Việt và có hiểu biết ít nhiều về văn hóa Việt Nam, nhưng họ sẽ không phải là những nhà khoa học mà chỉ là những người có nghề nghiệp gắn liền với Việt Nam như kinh doanh, ngoại giao…
Do vậy, khi thế hệ của chúng tôi mất đi sẽ không có ai quan tâm đến lịch sử của Việt Nam nữa. Mà theo quan điểm riêng của tôi, văn hóa lịch sử quốc gia nào cũng là tài sản của nhân loại, tôi tự thấy mình cần và có điều kiện để cố gắng góp phần giữ gìn tài sản chung ấy.
Thứ hai, lịch sử mỗi quốc gia cũng cần có những góc nhìn khác nhau, những góc nhìn từ bên ngoài, bởi muốn hay không muốn, nó đều bị (hoặc có) ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Quan trọng là những góc nhìn khác ấy phải trung thực và nhân văn.
Ông đã có dự định gì nữa chưa, sau khi bộ Lịch sử Việt Nam được xuất bản vào năm sau?
Ồ chưa, tôi không dự tính trước quá xa công việc của mình. Tôi chỉ có thể nói chắc chắn rằng, sau khi xuất bản bộ sách ở Nga vào năm 2013, tôi sẽ dành khoảng bốn năm để dịch sang tiếng Anh.
Ông không có ý định dịch sang tiếng Việt sao?
Quả thật, tôi không nghĩ đến việc dịch bộ sách này sang tiếng Việt. Có lẽ tốt hơn là để cho người Việt dịch, nếu ai đó thực sự quan tâm và nghĩ rằng sẽ có ích cho nhiều người.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.