Từng là người hướng dẫn (mentor) cũng như là nhà đầu tư của nhiều dự án khởi nghiệp ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Phòng thương mại Việt Nam Singapore (VietCham Singapore) đã đưa ra khá nhiều nhận định khách quan về giới khởi nghiệp trong nước. Theo ông, giới khởi nghiệp trong nước rất đông, nhưng vẫn giống như một “cái chợ”! Ông cho biết:
Ở Việt Nam bây giờ đâu đâu cũng có lớp dạy khởi nghiệp, người người đi học làm CEO. Dần dần, chúng ta sẽ có một khối lượng người có danh hiệu CEO nhưng lại không khởi nghiệp hiệu quả.
Tiếp xúc với các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi thấy vui khi thấy ngọn lửa đam mê vẫn “cháy” mạnh mẽ trong lòng thanh niên Việt Nam. Nhưng ngọn lửa này cần phải tập trung mới đem lại sức mạnh. Muốn lập nghiệp thì phải biết biến đam mê thành năng lượng và trí tuệ cần được đào sâu chứ không chỉ học mấy khóa đào tạo CEO tự phát và đọc vài cuốn sách MBA tự học là có thể làm được.
Sách về khởi nghiệp trên thị trường hiện nay rất phong phú, liệu có thể cho các bạn trẻ nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp?
Sách nhiều là điều kiện tốt, nhưng điều này có giúp ích được cho giới trẻ hay không thì còn tùy thuộc vào các bạn. Nhiều củi có thể đốt thành đống lửa, nhưng người không biết nhóm lửa thì chỉ tạo ra khói mù, quanh quẩn rồi nước mắt lại giàn giụa! Sách cũng vậy, các bạn trẻ phải biết cách chọn và đọc với phương pháp luận cùng cái nhìn phản biện sâu sắc thì mới hiệu quả. Còn nếu không thì chỉ “đa thư, loạn mục” mà thôi.
Còn các khóa đào tạo CEO, dạy khởi nghiệp tại Việt Nam thì hiệu quả đến đâu?
Hiệu quả đến đâu thì cần có những nghiên cứu, khảo sát, nhưng điều dễ thấy là “căn bệnh” hình thức ngày càng rõ nét, đặc biệt là việc cấp chứng nhận, chứng chỉ, rồi tự phong tặng danh hiệu cho nhau, chẳng khác nào một số chứng nhận, cúp vàng doanh nghiệp tiêu biểu, thương hiệu nổi bật… khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay.
Ngược lại, cũng có những nhóm nhỏ không hề dạy về khởi nghiệp nhưng lại làm những việc có ý nghĩa, chẳng hạn như nhóm Catalyst X Women Venture. Họ kết nối những người hướng dẫn (mentor) là những doanh nhân trẻ thành công từ khởi nghiệp mà lên với các nhóm khởi nghiệp được lựa chọn.
Các mentor hoàn toàn không thu phí mà chỉ tự nguyện song hành, giúp đỡ cho nhóm khởi nghiệp cho đến khi đạt được những kết quả nhất định. Đây gọi là “cầm tay khởi nghiệp”. “Bằng cấp” ở đây chỉ được tính bằng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như số công ăn việc làm được tạo ra. Tôi cho rằng đây là cách làm vừa hiệu quả, thực tế lại rất nhân văn. Và học từ các mentor thành công chính là một cách học nhanh và hiệu quả nhất cho người khởi nghiệp.
Nhưng mentor thường là những doanh nhân bận rộn, không có nhiều thời gian cho việc giúp đỡ các thế hệ sau, đôi khi lại không cùng thế hệ nên khó chia sẻ…
Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ nên tìm những doanh nhân mới qua giai đoạn khởi nghiệp khoảng vài ba năm và doanh nghiệp của họ đã bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững. Những mentor này gần gũi hơn về thế hệ, tư tưởng nên cũng dễ trao đổi với giới trẻ hơn. Một số người mới thành công và hay giúp đỡ các nhóm khởi nghiệp trẻ như Võ Thúy Hà – CEO của TriStar Carthering Co.; Nguyễn Việt Hùng – người sáng lập CorlorMe; Vũ Nguyệt Ánh – Founder Rudicaf; Ngô Xuân Huy – CEO của Money Lovers… họ là những người chân thành, khiêm nhường và giàu tâm huyết dù còn rất trẻ.
Được biết, anh đang tham gia kêu gọi vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ của Việt Nam. Anh có nhận xét gì về nhóm khởi nghiệp này?
Tôi cho rằng trình độ về công nghệ thông tin của các kỹ sư Việt Nam rất giỏi. Và các ý tưởng của họ cũng không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Cách đây vài ngày, tôi có dịp trò chuyện với một nhóm các bạn trẻ người Việt đang “thai nghén” dự án “Quản lý bệnh án và nguồn gốc thuốc toàn cầu bằng blockchain”.
Khi nghe các bạn trình bày, tôi vô cùng ngạc nhiên và vui mừng. Đây là một dự án vô cùng khả thi và khi thành hiện thực, không chỉ mang về nhiều triệu đôla cho Việt Nam mà còn là một cống hiến to lớn cho nhân loại. Với những ý tưởng như thế, việc kêu gọi đầu tư từ quốc tế thông qua các hoạt động phát hành tiền tệ số (ICO) không phải là quá khó khăn.
Kêu gọi đầu tư thông qua tiền tệ số vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, ông có thể chia sẻ nhiều hơn về cách gọi vốn này?
Huy động vốn thông qua phát hành tiền tệ số là một trong những cách để doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ quốc tế. Chẳng hạn như Kyber Network do tiến sĩ trẻ Lưu Thế Lợi và các cộng sự thành lập, đã huy động được số vốn lên đến 52 triệu USD từ hàng chục ngàn nhà đầu tư trên khắp thế giới. Lưu Thế Lợi là tiến sĩ về Blockchain đầu tiên của Việt Nam tại ĐH Quốc gia Singapore, là một điển hình đáng tự hào cho giới công nghệ Việt Nam cũng là tấm gương cho hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ bước vào con đường gọi vốn quốc tế thông qua phát hành tiền tệ số từ Singapore, Mỹ và Thụy Sĩ…
Tiền kỹ thuật số là xu thế toàn cầu, có thể thay đổi trật tự thế giới, tạo ra một thế giới dân chủ, công bằng và minh bạch từ tính phi tập trung, thay vì tập trung quyền lực vào một nhóm lợi ích nào đó. Mới đây, chính phủ Hàn Quốc vừa tuyên bố không cấm giao dịch tiền tệ số. Trung Quốc đã thành lập Sàn giao dịch tiền tệ số Binance, ra đồng Neo để cạnh tranh với ETH.
Chính phủ Venezuala cũng đã ra mắt tiền điện tử quốc gia là đồng Petro. Chính phủ Singapore đầu tư vào dự án Ubin nhằm số hóa đồng tiền quốc gia đồng thời cho phép máy ATM Bitcoin được lưu hành. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta lại thờ ơ với tiền tệ số và để cho một số lượng tiền tệ số không nhỏ trôi nổi trên “thị trường chợ đen”, hậu quả là giá giao dịch tiền tệ số của chúng ta thường cao hơn giá sàn thế giới từ 15 – 30% mà vẫn luôn không có đủ để bán…
Lẽ ra luật pháp Việt Nam cần có cái nhìn thông thoáng hơn về tiền tệ số đồng thời có thể học tập những kinh nghiệm quản lý tiền tệ số hiệu quả từ Singapore và nhiều nước khác. Vì rõ ràng, các loại đồng tiền số mang lại những lợi ích đáng kể về mặt tiết kiệm chi phí giao dịch.
Và blockchain là công nghệ xương sống tạo ra loại tiền kỹ thuật số hiện nay, đồng thời là nền tảng quan trọng cho hàng loạt ứng dụng quan trọng khác dự kiến thay đổi đáng kể cách thức giao dịch của nền kinh tế hiện nay, như gọi vốn, thanh toán toàn cầu, kinh doanh hàng hóa, các loại hợp đồng điện tử… Tôi cho rằng nếu Việt Nam có được một sàn giao dịch như Binance của Trung Quốc, cùng với nguồn lực IT dồi dào hiện nay thì việc tham gia lãnh đạo thị trường tài chính thế giới trong mười năm tới không phải là một ước mơ xa vời!
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.