Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá thanh khoản của hệ thống nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng đã được tăng cường và cải thiện đáng kể, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi. Hiện các tổ chức tín dụng đã dư thừa vốn khả dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước. Thanh khoản dồi dào, chi phí vốn thấp, lạm phát giảm, nên dòng vốn từ các ngân hàng đang đổ vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Dù lãi suất của các loại tài sản này không cao, chỉ nhỉnh hơn lãi suất tiền gửi, nhưng bù lại tính thanh khoản cao và không có rủi ro nên được các ngân hàng ưa chuộng.
Sự dư thừa vốn khả dụng của các ngân hàng còn được thể hiện ở chỗ nhiều gói cho vay lãi suất “dễ chịu” được các ngân hàng tung ra nhằm lôi kéo khách vay mới. Nhiều ngân hàng thương mại liên tục đưa ra các chương trình cho vay cá nhân mua nhà lãi suất chỉ từ 13% – 15%/năm, trong 3-12 tháng đầu lãi suất ưu đãi chỉ 9 – 10%/năm hoặc thấp hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn còn vết gợn khi một bộ phận khách vay cũ của các ngân hàng còn phải chịu lãi suất cao. Kể từ 15-7, thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho các khoản vay cũ về dưới 15%/năm, đến nay dư nợ với lãi suất cao vẫn chiếm đến 20%. Giải thích lý do vì sao nhóm khách hàng này vẫn phải chịu mức lãi cao hơn hẳn khách hàng mới ở cùng lĩnh vực, nhóm đối tượng, các ngân hàng cho biết nguồn vốn cho các khoản vay này được huy động khi lãi suất cao nên chưa thể kéo lãi suất cho vay về bằng với những khoản vay mới. Lý do nghe có vẻ thuyết phục, nhưng nhiều người cho rằng thực chất vì ngân hàng đang nắm đằng chuôi, giữ lãi suất cao lâu chừng nào thì ngân hàng càng có lợi chừng đó, nên ngân hàng không việc gì phải sốt sắng như khi họ chiêu dụ khách hàng mới.
Thanh khoản tốt của hệ thống ngân hàng cũng giúp việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên dễ dàng hơn. Ngân hàng Nhà nước về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, khả năng chi trả của các ngân hàng này được cải thiện, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống được đẩy lùi. Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gồm ba giai đoạn: củng cố thanh khoản hệ thống ngân hàng mà trọng tâm là thanh khoản một số ngân hàng có vấn đề; lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn tài Chính tiền tệ quốc gia, đến nay giai đoạn đầu đã đạt được kết quả khả quan, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng được củng cố, một số ngân hàng nhỏ nguy cơ mất khả năng thanh toán nay đã hoạt động ổn định trở lại. Hoạt động thị trường liên ngân hàng đã được chấn chỉnh theo hướng minh bạch hơn. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh từ mức trên 20% xuống còn 10 – 12%, tùy thuộc vào kỳ hạn… Kết quả này tạo tiền đề cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nếu mọi chuyện diễn biến thuận lợi thì năm 2013 sẽ là năm trọng tâm của chương trình này và kết thúc vào năm 2015.
Minh Hằng