Trong hai thập niên vừa qua, Tập đoàn ThyssenKrupp đã mang lại các năng lực chuyên môn về thiết kế và xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp của Việt Nam.
Công ty đã triển khai khá nhiều hợp đồng tổng thầu EPC cho các dự án trọng điểm như: đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, dự án Nhà máy Amon Nitrat MICCO, 13 nhà máy sản xuất hóa chất và xi măng trên toàn quốc và mới đây nhất là dự án mở rộng nhà máy sản xuất phân bón tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (Bà Rịa – Vũng Tàu) của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Vốn đã là một tập đoàn công nghệ kỹ thuật hàng đầu thế giới, ThyssenKrupp lại vừa kết hợp với các đơn vị cung cấp kỹ thuật cho nhà máy ở Việt Nam gồm Polysius, ThyssenKrupp Uhde và ThyssenKrupp Fördertechnik. Lý giải cho sự kiện này, ông Stephan Prützmann, Tổng giám đốc ThyssenKrupp Industrial Solutions Việt Nam cho biết:
Nhanh nhạy nắm bắt cơ hội thị trường mang lại chính là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Việt Nam đang trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn sau khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và bước tiến trong tiến trình hội nhập WTO. Từ đó, chúng tôi nhận ra nhiều cơ hội mới để có thể kết hợp hai mảng kỹ thuật Resource Technology và Process Technology.
Với sự am hiểu sâu sắc thị trường trong nước, khả năng cung cấp các giải pháp thiết kế kỹ thuật hàng đầu thế giới cùng năng lực quản lý dự án của đội ngũ nhân viên, chúng tôi tự tin về khả năng mang lại những dự án chất lượng và hiệu quả cao cho khách hàng.
Việc sáp nhập này hứa hẹn mang lại những lợi ích gì cho khách hàng Việt Nam, thưa ông?
Chiến lược sáp nhập sẽ tạo điều kiện cho ThyssenKrupp Industrial Solutions hợp tác với khách hàng nhằm mang đến những giá trị lâu dài cho thị trường trong nước và khu vực trong giai đoạn phát triển mới, hỗ trợ tầm nhìn và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Việc kết hợp các ưu thế trong lĩnh vực EPC và công nghệ từ hai đơn vị Process và Resource Technology giúp chúng tôi có khả năng cung cấp danh mục dịch vụ toàn diện từ thiết kế kỹ thuật, xây dựng đến quản lý dự án cho các ngành hóa chất, dầu khí, xi măng, khai khoáng và vật liệu công nghiệp.
Ngoài ra, việc sáp nhập sẽ là cơ hội để đội ngũ nhân viên tại Việt Nam kết nối chặt chẽ hơn nữa vào mạng lưới ThyssenKrupp toàn cầu, áp dụng các thành tựu tốt nhất và phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn thế giới, nhằm mang đến cho khách hàng các giải pháp ngày càng hiệu quả và có giá trị lớn hơn.
Sau sự kiện hợp nhất này, hẳn công ty đã có định hướng về chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam. Ông có thể chia sẻ đôi nét về chiến lược này không?
Bên cạnh việc đầu tư phát triển dịch vụ sau bán hàng và nâng cao năng lực quản lý dự án, chúng tôi sẽ chú trọng phát triển nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật, tối ưu hóa các hoạt động cung ứng trong nước và quản lý chất lượng, cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật hoàn chỉnh cho toàn bộ vòng đời hoạt động của nhà máy.
Việc tổ chức các chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế cho các kỹ sư tài năng trong nước, giúp họ nâng cao chuyên môn là điều không thể thiếu. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển các kênh cung ứng tại chỗ nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng trên toàn cầu.
Chúng tôi cũng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật sau lắp đặt vận hành, trong đó có dịch vụ bảo trì, xử lý sự cố và tối ưu hóa thiết bị công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và tính ổn định của nhà máy.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên.