Bằng những hướng đi đúng đắn về đầu tư sản xuất, kinh doanh và phát triển thương hiệu, Samsung đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các thương hiệu hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, Samsung trở thành nhà sản xuất công nghệ cao có những bước đột phá chưa từng có trong lĩnh vực xuất khẩu.
Năm 2013 là mốc son đánh dấu 18 năm hình thành và phát triển của Samsung tại thị trường Việt Nam, cũng là thời điểm ông Kim Cheol Gi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Công ty Điện tử Samsung (SAVINA). Nhân sự kiện này, ông Kim Cheol Gi đã có cuộc trao đổi ngắn với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần về thành công vừa qua và định hướng phát triển trong thời gian tới của Samsung tại Việt Nam.
Xin chúc mừng ông với vị trí Tân Tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung, xin được chia sẻ niềm vui với ông khi Samsung đã vượt lên một bậc, đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng Top 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới do Interbrand xếp hạng. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc này?
Tôi cảm thấy rất vui với vai trò mới của mình tại Việt Nam, một trong những thị trường năng động nhất trong khu vực. Tôi cũng rất tự hào khi Samsung có những bước tiến vượt bậc về thương hiệu như hiện nay.
Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra từ đầu thiên niên kỷ này là lọt vào Top 15 thương hiệu toàn cầu vào năm 2020. Nhưng nhờ những định hướng phát triển đúng đắn mà chỉ đến năm ngoái, thương hiệu Samsung đã lọt vào danh sách 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới do Interbrand công bố.
Và cũng như bạn vừa nhắc tới, theo bản báo cáo mới nhất của năm 2013, thương hiệu Samsung đang đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng, tăng một bậc so với năm 2012. Có thể nói, đây là thành quả của một quá trình dài với những nỗ lực không ngừng của tất cả nhân viên Samsung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Chỉ trong vòng ba năm kể từ 2010, thương hiệu Samsung đã có bước nhảy vọt từ vị trí 19 lên tới 8 trong bảng xếp hạng, có mức tăng trưởng 20% và trị giá thương hiệu là 39.610 tỉ đôla Mỹ. Theo ông, đâu là yếu tố làm nên thành công vượt bậc này?
Thành công của Samsung được làm nên từ nhiều nhân tố. Đầu tiên là chất lượng sản phẩm – tiêu chí mà ban lãnh đạo của tập đoàn luôn đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung tới việc gia tăng danh tiếng của thương hiệu trên quy mô toàn cầu.
Cuộc cách mạng của công nghệ số và công nghệ di động, mà trong đó Samsung đóng vai trò vô cùng quan trọng, đã mang lại những lợi thế cạnh tranh cho chúng tôi, đóng góp tích cực vào sự thành công vang dội của Samsung.
Đồng thời, lợi thế về thiết kế của sản phẩm cũng khiến cho các sản phẩm của Samsung có những bước tiến vượt bậc hơn so với đối thủ cạnh tranh. Và chúng tôi hoàn toàn tin rằng những sản phẩm tuyệt hảo cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ những nội dung phong phú.
Chính bởi vậy, những năm gần đây, Samsung đã đầu tư lớn cho mảng phát triển cũng như nội địa hóa các nội dung số để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.
Phải chăng việc đầu tư phát triển về nội dung số cho điện thoại đã giúp Samsung trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về điện thoại di động và chiếm lĩnh thị phần lớn tại thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam?
Đúng nhưng chưa đủ. Các thiết bị di động của Samsung đã mang lại sự hài lòng cho người tiêu dùng không chỉ bởi công nghệ di động hàng đầu, nội dung phong phú mà còn nhờ thiết kế hợp thời trang.
Ngoài ra, một trong những yếu tố không kém phần quan trọng là điện thoại di động của Samsung rất đa dạng về các dòng sản phẩm, tính năng cũng như giá cả. Mọi người dễ dàng lựa chọn một chiếc điện thoại phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình.
Samsung đã có mặt ở Việt Nam 18 năm với những thành công về thị phần không chỉở sản phẩm điện thoại thông minh mà còn ở nhiều phân khúc khác như Smart TV, thiết bị màn hình phẳng (LCD, LED…). Nhiều phân tích cho rằng Samsung có được những thành công đó là nhờ chú trọng về dịch vụ và phát triển kênh phân phối, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Những thập niên trước, thuật ngữ “kênh phân phối” ở Việt Nam thường được hiểu là các đại lý lớn. Ngày nay, thị trường đã chuyển sang một hệ thống phân phối đa dạng và chuyên nghiệp hơn nhiều.
Nhờ sự hỗ trợ chặt chẽ của Samsung về cơ sở hạ tầng, đào tạo, dịch vụ trước và sau bán hàng, các đại lý đã chuyển đổi thành các nhà phân phối lớn về thiết bị điện tử và điện thoại di động. Từ đó, những nhà phân phối trong nước cùng nhau phát triển để duy trì một hệ thống phân phối vững chắc hơn và hạn chế tối thiểu các xung đột lợi ích.
Các dịch vụ khách hàng của Samsung đã phát triển đồng thời với các kênh phân phối. Ban đầu, dịch vụ chỉ là một sự đảm bảo cơ bản về dịch vụ hậu mãi. Nhưng đến nay, dịch vụ khách hàng đã có những bước phát triển để phù hợp với nhu cầu như trước bán hàng, chăm sóc khách hàng thường xuyên… Nhưng cần khẳng định một cách chung nhất rằng, tất cả thành công của Samsung hiện nay không thể có được nếu thiếu yếu tố “con người”, nhất là trong những cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ông có thể nói rõ hơn về tầm quan trọng của “con người” đối với thành công của Samsung?
“Con người” là một trong năm giá trị phát triển cốt lõi của Samsung. Chúng tôi chỉ phát triển khi nhân viên phát triển. Vì vậy, trong bất kỳ thị trường nào của Samsung, từ sản xuất đến kinh doanh, ban lãnh đạo của Samsung luôn đặt “con người” là chìa khóa thành công của tập đoàn, ở Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Nhìn lại hành trình phát triển trong 18 năm qua tại Việt Nam của Samsung, bạn có thể thấy rõ giai đoạn khó khăn nhất là lúc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực diễn ra khi Samsung chỉ mới thành lập được hai năm.
Ngay lúc đó, SAVINA đã công bố chiến dịch TK50 – cắt giảm 50% chi phí hoạt động, chỉ dựa vào sự nỗ lực của nhân viên để đưa công ty ra khỏi khó khăn. Cả đội ngũ tiếp thị lẫn bán hàng đã phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn nhất nhưng chúng tôi vẫn giữ vững niềm lạc quan và nỗ lực hết mình trong công việc.
Kết quả thật xứng đáng, chúng tôi không những vượt qua khủng hoảng mà còn xây dựng được hệ thống phân phối vững mạnh; thương hiệu Samsung ngày một gần gũi hơn với khách hàng.
Gần đây, Samsung đã đầu tư một khu tổ hợp sản xuất ở KCN Yên Phong – Bắc Ninh, chuyên sản xuất điện thoại thông minh, và một khu sản xuất ở Thái Nguyên sẽ hoạt động vào cuối năm 2013. Vì sao Samsung lại quyết định đầu tư mạnh cho sản xuất tại thời điểm này, thưa ông?
Xin nói thêm rằng Samsung đang trong quá trình hình thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội. Trung tâm R&D này sử dụng khoảng 1.000 nhân viên trong năm 2014, sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ hợp sản xuất Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên để tập trung vào kiểm tra sản phẩm, kiểm tra các ứng dụng và phát triển ứng dụng.
Đối với Samsung nói riêng và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói chung, Việt Nam luôn là môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong tiến trình toàn cầu hóa, chiến lược của Samsung là tập trung sản xuất nhằm đạt hiệu quả về quản lý và tiết kiệm nhiều chi phí hơn. Đầu tư vào các khu sản xuất là chiến lược lâu dài về hiệu quả kinh doanh cũng như nguồn cung cấp sản phẩm cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một câu hỏi cuối, ông có thể chia sẻ sứ mệnh và tầm nhìn của mình khi được bổ nhiệm là Tổng giám đốc của Samsung tại Việt Nam?
Định hướng của Samsung trong thời gian tới là trở thành thương hiệu được yêu thích nhất tại Việt Nam và thương hiệu được ưa chuộng nhất bởi người dùng trong nước. Để đạt được điều này, Samsung cần phải có những sản phẩm tốt hơn, những chương trình nội dung số hấp dẫn hơn để sản phẩm ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng. Người Việt Nam có thể tự hào rằng tất cả sản phẩm công nghệ hàng đầu của Samsung đã được sản xuất tại Việt Nam.
Cùng với định hướng phát triển nội dung số, tôi tin rằng trong tương lai, những sản phẩm nội dung số tốt nhất của Samsung trên toàn cầu sẽ được phát triển từ chính các bạn trẻ Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!