Theo ước tính mới đây của một tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ, thuốc giả hiện chiếm lĩnh đến 10% thị trường thuốc thế giới với tổng trị giá khoảng 75 tỉ USD.
Mỗi năm, hàng ngàn người bị thiệt mạng do dùng phải thuốc giả. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong số một triệu người bị thiệt mạng vì bệnh sốt rét, có đến 200.000 người chết do uống phải thuốc kém chất lượng.
Ông Eric Przyswa, một chuyên gia y tế đồng thời cũng là tác giả của báo cáo “Thuốc men giả mạo và các tổ chức tội phạm”, giải thích rằng những kẽ hở của hệ thống hay các cuộc khủng hoảng vệ sinh y tế nhất thời đã tạo cơ hội cho những kẻ buôn lậu tuồn thuốc giả ra thị trường. Các loại thuốc giả đó có thể dễ dàng tìm thấy trên internet, thị trường chợ đen và thậm chí cả trong những cơ sở phân phối chính thức.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, các quốc gia nghèo là đích ngắm hàng đầu của bọn buôn lậu, như tại một số quốc gia châu Phi, Đông Nam Á hay châu Mỹ Latinh với tỷ lệ dao động trong khoảng 30 – 70%. Tuy nhiên, ông lưu ý là các quốc gia giàu có cũng không tránh được tình trạng này. Hoa Kỳ là một trong những mục tiêu hàng đầu của bọn buôn lậu.
Ông Bernard Leroy, cựu chuyên gia chống buôn lậu thuốc phiện hiện đang điều hành “Viện Nghiên cứu chống làm giả thuốc” do hãng dược phẩm Pháp Sanofi thành lập, so sánh nạn làm thuốc giả với buôn thuốc phiện như sau: “Cứ 1.000 USD đầu tư, buôn thuốc phiện thu lợi 20.000 USD, buôn thuốc lá thu được 43.000 USD nhưng nếu buôn tân dược, món lợi thu được có thể lên đến 200.000 USD, thậm chí 500.000 USD. Trong khi đó, các trừng phạt pháp lý thì lại không nặng”.
T.V