Dự thảo luật Thuế tài sản vẫn còn là điểm nóng trong dư luận xã hội với quá nhiều ý kiến ngược chiều của chuyên gia và người dân trên các phương tiện truyền thông.
Vào cuối tuần qua, trong buổi làm việc với Tổ tư vấn Kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm về dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính trình và nhận định: “Câu hỏi lớn cần đặt ra là làm sao sử dụng nhà đất tốt hơn, cần điều chỉnh đúng đối tượng như đối với người giàu, người có hai nhà trở lên và mức khởi điểm nào phù hợp với tình hình Việt Nam”.
Trao đổi với các thành viên Tổ tư vấn chiều 20-4, ngoài ý kiến nói trên, người đứng đầu chính phủ cũng lưu ý, với Luật Thuế tài sản “thời điểm thực hiện Luật như thế nào cho phù hợp cũng cần phải được nghiên cứu kỹ”.
Trước đó, ngay sau khi dự thảo của Bộ Tài chính được công bố, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: việc Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản là thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chưa phải là xây dựng dự án Luật.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định” – Phó thủ tướng cho hay.
Trước nhiều luồng dư luận xã hội khác nhau về dự án Luật Thuế tài sản, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính công khai quy trình xây dựng luật nói trên, đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói chung, dự thảo Luật Thuế tài sản nói riêng tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, cơ quan này đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.
Nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng, ôtô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền… sẽ bị đánh thuế. Mức thuế suất dự kiến ở mức 0,3 hoặc 0,4%.
Trả lời báo chí về dự luật này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận những đề xuất trên chỉ là bước đầu trong quá trình hoàn thành hồ sơ xây dựng dự án.
Ông khẳng định Luật nhằm điều tiết với các nhóm đối tượng thu nhập cao, chống đầu cơ nhà đất, đảm bảo những người có nhà đất phải đưa vào khai thác và sử dụng. Được như vậy sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu sở hữu nhà của người nghèo, người thu nhập thấp, đảm bảo sự minh bạch trong quản lý tài sản.
Một trong những yếu tố gây ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn là những khu nhà cao tầng mọc lên như nấm do yếu kém về mặt quy hoạch.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa có ý kiến liên quan việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong đó có một điểm mới là chỉ đạo không xây thêm nhà cao tầng khu trung tâm ở hai thành phố này.
Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan như: Công an, Tư pháp, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và UBND các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh xây dựng dự thảo về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại hai thành phố này thay thế cho giải pháp được đề ra cách đây 10 năm, trình Chính phủ trước ngày 30-6 tới.
Theo Thủ tướng, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, các bộ ngành phải lưu ý các giải pháp không tiếp tục phát triển chung cư căn hộ nhà cao tầng ở khu vực trung tâm; phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư và lực lượng lao động, giảm tải cho các thành phố về áp lực công ăn việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hòa giao thông, quản lý phương tiện giao thông và người tham gia giao thông; sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phong trào tự quản… cũng như chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Trước đó, trong văn bản chỉ đạo về điều chỉnh cục bộ quy hoạch thủ đô Hà Nội đến 2030, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng tại các khu vực ngoại ô thành phố, góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân.
Trước đây trong một báo cáo về việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước cho rằng có tình trạng điều chỉnh quy hoạch của một số dự án không căn cứ vào định hướng quy hoạch chung, đa số tăng, vượt quá số tầng và chiều cao, tăng diện tích sàn chia nhỏ căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích căn hộ công cộng, cây xanh khiến làm tăng mật độ, dân số. Điều này ảnh hưởng lớn tới hệ thống hạ tầng đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục, làm giảm chất lượng sống dân cư.
Hiện nay, tình trạng quá tải giao thông, ùn tắc, tụ tập đông người… gây mất trật tự an ninh xã hội, thường xuyên xảy ra. Đứng trước tình hình này, các nhà quản lý thường đề cập đến bất hợp lý trong quy hoạch liên quan đến mật độ dân cư ở hai thành phố này.
Do điều kiện lịch sử trong quá trình phát triển dân số và kinh tế xã hội của thủ đô Hà Nội, mật độ dân số thường rất cao ở các quận nội thành. Nhiều quận/huyện có mật độ dân số tập trung đông, ở trên mức độ mất an ninh về mật độ dân số (trên 8.000 người/km²). Đặc biệt, dân số các đơn vị này ngày càng phát triển với xu thế ngày một đông dân hơn (xây thêm nhà cao tầng), đồng nghĩa với mức độ an toàn ngày càng giảm.
Trong khi đó TP. Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là một thành phố phát triển năng động nhất nước, do vậy số đơn vị quận/huyện có mật độ dân số mất an toàn cũng nhiều hơn ở thủ đô Hà Nội. Mặc dù vậy, TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chương trình nhằm giãn dân, tránh tập trung ở các khu đông dân trước đây nên tình hình đã được cải thiện rõ rệt. Có 8/14 quận có mật độ dân số trên mức mất an toàn nay đã được cải thiện theo chiều hướng giảm. Điều này cho thấy sự khẳng định rõ rệt tác động của chính sách dân số về lĩnh vực phân bổ dân số, đồng thời cũng là vấn đề dân số đã được lồng ghép giải quyết trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.