Gần đây, một số chương trình truyền hình Mỹ về tình dục đã phải dẹp bỏ vì ế ẩm, chẳng hạn chương trình Coupling, Skin, Sex in Big City… vì thế hệ trẻ và trung niên ngày nay hình như không còn quan tâm, thích thú với những chuyện phòng the như trước, mặt khác, người ta cũng ghi nhận trong xã hội Mỹ hiện nay tình hình ly dị đã giảm rõ, số nữ có học vấn cao… chịu lấy chồng và khoái sinh con!
Quả thật là trái đất tròn. Mặt trời lặn bên này thì mọc bên kia! Đông phương trái lại, nay thì Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á… tình hình ly dị ngày càng tăng, giới trẻ khoái “sống thử”, nữ có học vấn thích… độc thân và tình trạng vô sinh ngày càng tăng, nay mai chắc lại lũ lượt chạy sang Âu Mỹ xin con nuôi. Sách báo phim ảnh phải sex mới ăn khách!
Cách đây mươi năm, tôi có dịp thấy dòng chữ “Real Romantic!” trên các xe bus chở sinh viên trước cổng trường Harvard, quảng cáo cho một cuốn phim mới, sắp phát hành. Thì ra đã hết cái thời người ta làm phim khai thác tình dục, nay người ta làm phim real romantic mới mong có khách.
Từ ba bốn thập niên nay, giới trẻ Âu Mỹ sống trong một môi trường hoàn toàn giải phóng tình dục, coi quan hệ tình dục như chuyện cơm bữa. Tại Mỹ, các thống kê cho thấy ở lứa tuổi 14, 15, tỷ lệ đã có quan hệ tình dục rất cao. Giới trẻ bị áp lực mạnh của bạn bè cùng lứa. Ai còn “gin” thì bị châm chọc, chê bai đủ thứ… đến nỗi muốn theo kịp nhóm bạn thì phải lao vào sex như mọi người… Thế rồi, không biết tại sao họ đâm ra ngán ngẩm chuyện sex đến tận cổ, họ nhớ tiếc và muốn thực hiện cách sống lãng mạn của cha ông thời xa xưa.
Tại các trường học, một phong trào “Giữ gìn trinh tiết cho đến tuổi kết hôn” được dấy lên, được giới trẻ hưởng ứng nhiệt liệt. Họ bắt đầu coi trọng “chữ trinh”, thực hiện việc “Ký hợp đồng trinh tiết” (The abstinence contract) cá nhân, đôi bạn hoặc tập thể.
Các tài liệu sách báo phim ảnh thay vì dạy cách làm tình như trước đây, thì bây giờ tập trung dạy tiết dục, nhịn, kiêng tình dục: “Sex can wait” (Sex có thể chờ), “Abstinence” (Kiêng nhịn), “Coping with Sexual Pressures” (Đối phó với áp lực tình dục) và thú vị là tài liệu hướng dẫn… “101 cách nói KHÔNG với sex!” (101 ways to say No to sex). Họ bắt đầu học cách sống thủy chung, có trách nhiệm với chuyện tình yêu (Tài liệu Sexual Responsibility).
Và một tài liệu đặc biệt khác hướng dẫn cách sống lãng mạn trong tình yêu kiểu của cha ông trước đây mà bây giờ họ sung sướng phát hiện lại: Đó là tài liệu “101 cách làm tình mà không giao hợp” (101 ways to make love without doin’ it- ERT, Santa Cruz, CA, 1991).
Trong tài liệu này, họ hướng dẫn cách làm tình (make love) kiểu mới, rất cụ thể, thí dụ: “Hãy nói cho người kia biết rằng bạn yêu họ”. (Hóa ra lâu nay họ quên phứt chuyện này, tưởng yêu là “làm” chớ không phải “nói”). “Đi xe đạp song song với nhau”. (Ai bảo đi xe đạp là khổ? Đi xe đạp sướng lắm chứ!). Làm nhớ tới nhà thơ Đỗ Trung Quân đạp xe tà tà theo đuôi một cô bé chở một chùm hoa phượng, rồi còn cắt cớ bày đặt hỏi này em chở mùa hè của tôi đi đâu, nghe thiệt là real romantic!
Rồi “Đi với nhau dưới ánh trăng”. (Thì ra lâu nay họ có để ý trăng đèn chi đâu!). Làm nhớ tới Xuân Diệu: “Trong vườn đêm ấy trăng nhiều quá – Ánh sáng tuôn đầy các lối đi – Tôi với người yêu đi nhè nhẹ – Im lìm không dám nói năng chi!). Chẳng những đi suông dưới trăng mà còn không dám hó hé lấy một lời vì sợ ánh trăng sẽ tan đi thôi! Thiệt là lãng mạn hết cỡ!
Rồi họ còn dạy sao nữa? Nào: “Hãy đưa mắt nhìn nhau!”. Để làm gì? “Để cùng chia sẻ ý nghĩ với nhau!”. Trời, bây giờ mới khám phá ra chuyện đó! Lâu nay, nhìn nhau là để “OK” thôi, bây giờ “nhìn nhau mà không nói”, cứ y như bên… ta hồi xưa vậy, có real romantic không chứ? “Viết những lời yêu thương giấu ở một nơi mà người kia có thể tìm đọc”. Tuyệt! Nhưng còn thua mình. Mình còn viết những bài thơ tình “Cứ giấu hoài trong cặp/ Giữa giờ chơi mang đến lại mang về” (Đỗ Trung Quân)!
À, đây nữa, cũng lại nhìn nhau: “Hãy nhìn nhau đắm đuối”. Tưởng gì, một nhà thơ mình từ xưa đã viết… “Mắt em là một dòng sông/ Hồn anh bơi lặn trong lòng mắt em”. Không đắm đuối là gì, một khi vừa bơi lại vừa lặn như vậy? Rồi “Tặng hoa, làm thơ cho nhau, nghe nhạc với nhau, tán tỉnh nhau, nói lời yêu thương bên tai nhau (cũng hơi nhột)…”. Rồi “Cười với nhau về một chuyện gì đó”. À, cái này làm ta lại nhớ tới Lưu Trọng Lư: “Nói chuyện thế gian cười ngặt nghẽo”… Rồi nữa “Đọc sách với nhau, nấu ăn cho nhau, cùng ngắm mặt trời lặn, cùng ngắm bình minh lên… Nghĩ tới nhau, tìm hiểu vì sao người kia buồn…”.
Đại khái “101 ways to make love without doin’ it” mới được phát hiện lại, được đưa ra hướng dẫn cho các bạn trẻ ở Mỹ những năm gần đây. Dĩ nhiên là các bạn trẻ rất hoan nghênh vì quá mới mẻ, quá lý thú, giúp cho tình yêu của họ được thăng hoa, trở thành thiêng liêng, mà lâu nay họ tưởng là chuyện trần tục! Nếu mà họ phát hiện thêm các kiểu “real romantic” của bên ta ngày xưa chắc họ sẽ phải hết sức khâm phục và sẽ dạy 1001 cách “làm tình” tuyệt chiêu hơn nữa.
Thí dụ đón trước cổng trường; làm đuôi; leo lên cây khắc tên tùm lum; giấu thư tình dưới hộc bàn, cắt đứt dây chuông (Lan và Điệp), “giết người trong mộng” (Làm sao giết được người trong mộng/ Để trả thù duyên kiếp phụ phàng, Hàn Mặc Tử). Lén hôn lên… áo phơi ngoài giậu (Bướm trắng, Nhất Linh) và siêu nữa là “Xếp tàn y lại để dành hơi” (Tự Đức) mới thật là real romantic!
Có người nghĩ rằng chắc là do bệnh AIDS hoành hành dữ quá nên giới trẻ Âu Mỹ ngày nay buộc phải trở lại thời kỳ yêu đương lãng mạn của cha ông. Tôi chắc không phải vậy! Bạn đồng ý không?
Hẹn thư sau. Thân mến.