Được gọi là “làng trong phố”, Đại Phiên từng sản xuất tới khoảng 60% toàn bộ tranh sơn dầu của toàn thế giới ngày nay. Vào thời hoàng kim của Đại Phiên, khi mà thị trấn thuộc thành phố Thâm Quyến này nổi tiếng như là một xưởng mỹ thuật, nó đã sản xuất với tốc độ cực nhanh và với số lượng cực nhiều bản sao các tác phẩm hội họa theo tiêu chuẩn mỹ thuật phương Tây. Những bức tranh chép này đã tìm được đường đi tới các phòng khách sạn, nhà trưng bày và cửa hàng đồ nội thất khắp mọi nơi trên trái đất!
Nếu như chính quyền tại Thâm Quyến nói riêng và Trung Quốc nói chung phớt lờ dịch vụ làm tranh chép và cả tranh giả của Đại Phiên trong quá khứ chưa xa thì nay tình hình đã khác. Một loạt yếu tố phản ánh sự phát triển kinh tế nhanh chóng tại Trung Quốc trong những thập niên vừa qua đã hội tụ để đe dọa sự ổn định lâu năm của Đại Phiên. Chính phủ tại Bắc Kinh đang từng bước cố gắng thay đổi hình ảnh của Đại Phiên, từ một thị trấn của tranh chép, tranh giả giá rẻ trở thành một trung tâm sáng tác của các họa sĩ chân chính, nơi tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thực sự để “lấp đầy” các ngôi nhà của giới trung lưu đang phát triển mau chóng ở Trung Quốc. Dù vậy, tương lai của những nghệ sĩ, nghệ nhân ở Đại Phiên vẫn không có gì là chắc chắn.
Xây dựng xưởng mỹ thuật thế giới
Hoàng Giang (Huang Jiang), một họa sĩ chuyên thầu vẽ tranh thương mại đã tạo dựng tên tuổi cho Đại Phiên. Chuyển dịch vụ đang ăn nên làm ra từ quê nhà Hongkong sang Đại Phiên từ năm 1989, Hoàng Giang đã tuyển mộ và huấn luyện những thợ vẽ đến từ nhiều tỉnh thành của Trung Quốc với mục đích đáp ứng nhu cầu rất lớn về tranh chép lúc bấy giờ. Tận dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng vững chắc hơn của lãnh thổ Hongkong, đặc biệt là về vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài, Hoàng Giang đã hình thành một dây chuyền sản xuất tranh chép tại Đại Phiên. Dịch vụ này của Hoàng Giang phát triển từ gần ba thập niên trước nhờ có được sự thuận lợi về nhiều mặt. Thâm Quyến lúc bấy giờ đã trở thành một đặc khu kinh tế (SEZ), thuật ngữ để chỉ một vùng đất đóng vai trò cải cách kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng tại Trung Quốc lúc đó, với những ưu tiên về thuế quan và khuyến khích kinh doanh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Dù vậy, vào năm 1989 Đại Phiên vẫn đứng ngoài lề khu vực đang sinh lợi lớn này.
Thế rồi Trung Quốc mở rộng SEZ đến năm 2010, lúc đó thì Đại Phiên đã trở thành một cửa ngõ của nền kinh tế xuất khẩu khổng lồ của đất nước Trung Quốc hiện đại. Công cuộc đô thị hóa chóng mặt tại nhiều vùng đất Trung Quốc giúp Thâm Quyến có được lao động di cư với giá rẻ. Chính quá trình công nghiệp hóa đó đã giúp hình thành tại Đại Phiên một xưởng mỹ thuật có quy mô toàn cầu. Vào thời cực thịnh của xưởng mỹ thuật Đại Phiên, thị trấn – làng quê này nêm cứng những xưởng vẽ có kích thước tựa một nhà máy, tất cả nhằm phục vụ cho dây chuyền sản xuất tranh chép của Hoàng Giang. Từng “công nhân” của dây chuyền này được tập trung vào công việc chuyên môn của mình: người vẽ chi tiết phông bức tranh, người vẽ cây cối, người vẽ nhân vật trong tranh, thậm chí có người chỉ vẽ mắt mũi nhân vật… Sau khi hoàn tất phần công việc của mình, họ chuyển bức tranh sang khâu công việc khác của dây chuyền sản xuất.
Vào giữa thập niên 2000, ngành công nghiệp chép tranh ở Đại Phiên bùng nổ, đến lúc này thì các hoạt động thương mại hỗ trợ xuất hiện: các quán cà phê “sành điệu”, các “cửa hàng gallery” (với mặt tiền là nơi các “nghệ sĩ” vô danh “sáng tác”, cũng là địa chỉ giao dịch bán hàng cả sỉ lẫn lẻ) để mời gọi du khách bốn phương đến với Thâm Quyến đang là một điểm đến hấp dẫn, sau khi họ đã thăm thú Hongkong chỉ cách đó 30km. Đến cuối thập niên 2000, Đại Phiên vẫn là một câu chuyện thành công trong sự phát triển của Thâm Quyến, và khi World Expo 2010 được tổ chức tại Thượng Hải thì gian hàng của Thâm Quyến được trang trí bằng một bức tranh ghép từ 999 tấm pa-nô, được vẽ bởi hơn 500 nghệ nhân tranh chép của Đại Phiên, thể hiện hình ảnh nàng Mona Lisa trong kiệt tác cùng tên của Leonardo da Vinci và được gọi là Lisa Đại Phiên. Sau khi kết thúc World Expo Thượng Hải, bức tranh ghép này được trưng bày tại sân bay Thâm Quyến.
Cũng vào giai đoạn đó, Đại Phiên bắt đầu nhận ra sự bão hòa của nhu cầu thế giới về tranh chép với giá cực rẻ. Mặt khác, giới trung lưu ra đời từ công cuộc cải cách, hiện đại hóa kinh tế của Trung Quốc cũng không còn mặn mà với những “kiệt tác” châu Âu của Đại Phiên, thay vào đó họ muốn thưởng thức các tác phẩm hội họa “chính hiệu”. Sự đổi thay thị hiếu đó khiến nhiều nhà đầu tư bản xứ có tham vọng thay đổi hình ảnh của “thủ đô tranh chép thế giới”, biến nó thành một tổ hợp sáng tác, một nơi của nghệ thuật và văn hóa đích thực.
Ở ngã tư đường đổi thay
Chưa rõ diện mạo tương lai của Đại Phiên ra sao, song thị trấn này vẫn đang ngổn ngang với cái di sản của mấy thập niên làm dịch vụ tranh chép, tranh nhái. Đến Đại Phiên hôm nay, du khách vẫn thấy nhan nhản những cửa hàng treo tranh chép phong cảnh đồng quê thơ mộng của các họa sĩ cổ điển châu Âu, những phiên bản tranh Van Gogh đủ loại, những chân dung Trump, Putin được vẽ theo kiểu hiện thực – nhiếp ảnh (photorealist)… vẫn có sức hấp dẫn du khách không rủng rỉnh túi tiền, sẵn sàng mua về lấp kín các bức tường căn nhà hay căn hộ của họ. Thậm chí họ chỉ cần bỏ ra khoảng 10 tệ (tương đương 1,5 USD) là có thể mua được những tranh in khổ nhỏ!
Khá hơn một chút thì đến với những studio hay các cửa hàng mỹ thuật được các họa sĩ thuê để vẽ theo yêu cầu của khách, từ tranh Picasso đến Pop art. Họ cũng nhận đặt hàng qua online từ các gallery. Ở một trong những studio như thế, bốn họa sĩ (những người được đào tạo về chuyên môn hẳn hoi) đang ngồi trước giá vẽ tỉ mẩn từng chút một các bức tranh họ vẽ từ hình ảnh trên iPad. Với công việc này, mỗi người có thể kiếm được khoảng 1.500 USD mỗi tháng. Cũng đã có những gallery bài bản hơn ở Đại Phiên hôm nay, nơi trưng bày tranh của một họa sĩ nào đó, cũng là chủ nhân gallery. Gallery Ease là một ví dụ. Nó ra đời năm 2006, chủ nhân là Ethan Lau, họa sĩ cũng là thầy giáo dạy vẽ đến từ thành phố Hoàng Cương của tỉnh Hồ Bắc. Từ người chuyên chép tranh, Lau đã chuyển hẳn sang sáng tác và cho biết khách hàng thường xuyên của anh là các nhà thiết kế, khách sạn và câu lạc bộ cùng nhiều tư nhân; họ thích các bức tranh khổ lớn vẽ bằng mực nho của anh, được Lau lấy cảm hứng từ thư pháp Trung Hoa. Một bức tranh như thế có giá khoảng 1.500 USD. Ở phía đông thị trấn cũng đã có Bảo tàng mỹ thuật Đại Phiên, khánh thành từ năm 2007, trưng bày chủ yếu tác phẩm mỹ thuật hiện đại và đương đại Trung Quốc.
Dù đã có những chuyển động tích cực thì tranh chép các bậc thầy hội họa phương Tây từ Rembrandt đến Modigliani vẫn là nguồn thu chính của Đại Phiên. Năm 2015, con số này là 630 triệu USD, không nhỏ đối với quy mô một thị trấn. Làm thế nào để doanh thu này đến từ các họa sĩ sáng tác chân chính quả là một bài toán khó giải!
- Lê Bản