Ông đã dành cho DNSGCT cuộc trao đổi về dòng vang Bồ Đào Nha ít được biết đến. Ông Vieira nói: Gia đình chúng tôi làm rượu vang từ thế kỷ XIX. Từ năm 1874, ông cố tôi đã kinh doanh rượu vang và ông nội tôi tiếp tục công việc này.
Ông lăng-xê nhãn hiệu Encosta. Đây là chai vang cổ điển thời ông nội tôi. Đến thời cha tôi thì xuất hiện chai Maximo’s. Mỗi thế hệ có một sản phẩm riêng và chúng tôi lưu giữ đặc điểm này vì đó là dấu ấn thế hệ. Chẳng hạn ở Bồ Đào Nha, những người sành rượu vang thì biết Maximo’s, riêng thị trường tiêu dùng bình thường và nhà hàng khách sạn thì biết Encosta.
Đây là dòng sản phẩm trung bình?
Đúng vậy. Nhưng chúng tôi cũng có vang hiếm mang tên Alveirao, chỉ sản xuất khoảng 2.000 chai/năm tùy vào chất lượng nho trong năm. Nếu là năm thu hoạch tốt, chúng tôi làm vang Maximo’s, chỉ khi thu hoạch đặc biệt tốt thì mới làm Alveirao từ những trái nho tuyển chọn. Trung bình khoảng 4-5 năm một lần chúng tôi mới sản xuất Alveirao và bán khoảng 100 euro/chai. Với Maximo’s, sản lượng mỗi năm là 20.000 chai cả trắng lẫn đỏ, và Encosta từ 30.000 – 40.000 chai. Ngoài ra, chúng tôi còn làm vang Cruz Da Fé dành cho gia đình, khoảng 500 chai trong năm năm. Theo tiếng Pháp, cái tên này có nghĩa là “Cây thánh giá lòng tin”. Vào thời ông cố tôi, dịch phylloxera tàn phá các vườn nho ở châu Âu nên ông đã dựng một cây thánh giá trong vùng để cầu xin ban phước. Cruz Da Fé được sản xuất theo cách truyền thống, tức không lọc; vang trắng ngày nay nhờ được lọc nên có màu rất trong, trong khi ở thế kỷ XIX thì chẳng có máy móc gì cả. Chúng tôi chỉ có thiết bị ép bằng tay; khi ép nho thì ép đến giọt cuối cùng và sử dụng hết nước ép để làm vang, không như thời nay là nhà sản xuất có thể chừa lại một phần. Chính vì vậy mà vang trắng Cruz Da Fé rất đậm đà, chỉ những người sưu tập vang mới tìm đến nó, hoặc thỉnh thoảng có công ty đặt hàng, như một ngân hàng ở Angola đã đặt 300 chai để tặng khách hàng.
Vang của ông làm từ những giống nho nào?
Với vang đỏ Maximo’s, đó là Touriga nacional, một giống nho đặc trưng của Bồ Đào Nha. Để giữ truyền thống, các nhà làm vang chúng tôi chỉ sử dụng các giống nho bản địa như periquita, arinto, fernao pires, malvasia fina… Với vang trắng, chúng tôi có một giống nho cùng họ với muscat nhưng có tên gọi khác nhau ở từng địa phương.
Là láng giềng của Tây Ban Nha, một cường quốc rượu vang thuộc Cựu thế giới, nhưng Bồ Đào Nha thường được biết đến dòng porto, một loại vang ngọt và nặng. Ông nghĩ sao về điều này?
Đó chẳng qua là hiệu quả tiếp thị. Từ thế kỷ XIX, các nhà sản xuất porto đã biết tập hợp lại để tìm cách xuất khẩu sản phẩm, trong khi các nhà làm vang chỉ sản xuất để tiêu thụ nội địa, họ chẳng cần làm tiếp thị. Cần biết rằng 90% sản lượng porto là dành cho xuất khẩu, chủ yếu sang Anh. Chính vì vậy mà ngày nay người ta biết đến porto mà không nói đến vang Bồ Đào Nha, trong khi không phải người dân Bồ Đào Nha nào cũng uống porto. Người Anh ở thế kỷ XIX uống porto thường là giới giàu có. Và Bồ Đào Nha đã làm ra loại vang đáp ứng nhu cầu của họ.
Theo ông, làm thế nào để vang Bồ Đào Nha được thế giới biết đến nhiều hơn?
Rất ít có cơ may làm được điều đó vì sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của dòng vang Tân thế giới, như Chilê, Argentina, California, Washington… Nay Brazil cũng sản xuất rượu vang, thậm chí có vườn nho thu hoạch hai mùa trong năm nhờ khí hậu tiểu vùng thích hợp. Do vậy, rượu vang Bồ Đào Nha càng khó được biết đến. Ở châu Âu thì rất đơn giản.Người Bồ Đào Nha bao giờ cũng nghĩ trong đầu phải uống vang họ làm ra. Tương tự với Tây Ban Nha, Pháp, Ý. Trong trường hợp bên ngoài biên giới, đó là hiệu quả của tiếp thị.Chẳng hạn ở châu Á, người mới uống vang luôn đòi hỏi chai rượu có một château Bordeaux nào đó, vì vậy càng khó cạnh tranh trong điều kiện như thế.Riêng ở Nhật và Singapore, tôi thấy người uống vang có một trình độ thưởng thức nhất định.Họ thích tìm giống nho mới lạ để nếm thử và so sánh với những giống nho đã quá quen thuộc. Nói tóm lại là tìm những khác biệt trong bất kỳ sản phẩm nào đó chứ không chạy theo thương hiệu.
Ông chỉ mới khởi đầu với thị trường Việt Nam?
Đúng vậy, với những sản phẩm vừa giới thiệu. Đơn giản vì tôi còn là chủ một doanh nghiệp đặt trụ sở ở Singapore và có đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, Thượng Hải và Tokyo. Cũng như các công ty khác, mỗi năm chúng tôi cần mua 500-600 chai vang để tặng khách hàng.Và tôi nghĩ tại sao mình không mua loại vang mà mình biết rõ, hơn nữa đó lại là của chính gia đình? Ban đầu mục tiêu chỉ là vậy. Sau đó thì tôi còn có bạn bè, khách hàng từng đến thăm lò vang của tôi và cũng muốn mua sản phẩm.
Ông dành bao nhiêu chai cho thị trường?
Chúng tôi nhờ nhập về 1.200 chai, cũng không nhiều lắm vì chỉ với buổi giới thiệu vừa qua đã dùng hết 40 chai. Sản phẩm bán ở Warehouse và Annam Gourmet.Riêng công ty của tôi mua lại cũng khá nhiều.Trong vòng sáu tháng tôi nghĩ sẽ phải cho nhập đợt mới.
Đâu là đặc điểm mùi vị sản phẩm mà ông sẽ giải thích với người tiêu dùng để thuyết phục họ đến với vang Bồ Đào Nha?
Đối với người chưa biết giống nho của Bồ Đào Nha, tôi sẽ bảo rằng đó là loại vang có cá tính. Nó không giống như cabernet sauvignon, merlot, syrah… mà mọi người ta thường biết. Nó khá nặng, có độ chát tốt… Nhưng chỉ đánh giá như vậy thì tôi e rằng chủ quan vì cảm nhận của mỗi người rất khác nhau. Với tôi loại vang này có thể là nặng, nhưng bạn lại cho rằng không. Trong một sự kiện phục vụ cùng lúc 200 người tại khách sạn ở Hongkong chẳng hạn, liệu có ai tìm hiểu đặc điểm của rượu vang đang thưởng thức? Nếu được hỏi, họ sẽ chỉ bảo rằng nó ngon vì đó là cabernet sauvignon chẳng hạn vì có cùng mùi vị của giống nho, bất kể sản xuất ở đâu trên thế giới. Riêng tôi mong muốn sản phẩm của mình được nhắc đến trong môi trường công việc, giữa bạn bè đồng nghiệp. Khi uống, người ta sẽ ngạc nhiên khi phát hiện cá tính của sản phẩm.
Ở châu Âu các nhà làm vang thích tôn trọng đặc điểm tự nhiên của giống nho trong mùa vụ, trong khi Tân thế giới thường chú trọng đến sản phẩm cuối cùng đồng nhất, chẳng hạn đã là cabernet thì phải có đặc điểm mùi vị giống nhau. Ở Bồ Đào Nha thì như thế nào?
Không hẳn vậy. Cũng là chai Encosta hoặc Maximo’s nhưng tùy niên vụ mà có đặc điểm khác.Nhưng chúng tôi thích sự khác biệt này.Ngày nào đó mà cha tôi làm ra chai vang năm sau giống như năm trước về mùi vị thì hẳn mọi người sẽ ngán. Tất nhiên phương pháp sản xuất là như nhau, nhưng chúng tôi thích để cho trái nho thu hoạch năm đó tự quyết định mùi vị của sản phẩm. Hơn nữa, chúng tôi sản xuất hữu cơ và đã được chứng nhận ECOCERT. Vườn nho không sử dụng bất cứ hóa chất nào nên có rất nhiều hoa và cỏ dại. Nếu có làm cỏ thì cũng cắt bằng tay hoặc máy, hoàn toàn không dùng thuốc diệt cỏ.
Ông có nhận được phản hồi từ buổi thử rượu vừa rồi?
Rất nhiều và rất tích cực. Tôi thích để mọi người tự mình khám phá đặc điểm của rượu vang, thay vì nói với họ chai vang đó có những đặc điểm này nọ. Những người từng uống vang Bồ Đào Nha mà tôi gặp trong những chuyến công du chỉ đơn giản nhận xét rằng có sự khác biệt. Điều đó cho thấy gia đình tôi đã làm tốt công việc của mình.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.