Căn hộ diện tích nhỏ cho thuê dài hạn như của dự án Lê Thành Twin Towers (TP.HCM) là một trong những nỗ lực xoay xở của doanh nghiệp
Ảnh T. Tùng
Doanh nghiệp khó khăn, giúp đỡ thế nào?
Lâu nay nhiều người vẫn đổ lỗi cho các doanh nghiệp tham lợi nhuận cao nên tập trung vào phân khúc căn hộ cao cấp, diện tích lớn. Tuy nhiên, lỗi này không hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp, bởi một dự án muốn được phê duyệt phải phù hợp với quy hoạch của khu vực cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn về mật độ dân số, hạ tầng do cơ quan quản lý địa phương quy định. Chẳng hạn, một dự án được cơ quan quản lý quy định chừng đó hộ dân, mật độ thấp thì doanh nghiệp khó thể xây căn hộ diện tích nhỏ để bán bởi nếu xây căn hộ nhỏ sẽ khiến mật độ dân số khu vực đó tăng lên, sẽ bị cơ quan quản lý phạt.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tính đến cuối quý III-2012, tổng số căn hộ chào bán ra thị trường sơ cấp tại hai thành phố lớn nhất nước – Hà Nội và TP.HCM – là hơn hai trăm ngàn căn hộ nhưng thị trường chỉ hấp thụ chừng 5 – 7% tổng số đó mà thôi. Không ai ngạc nhiên khi các doanh nghiệp bất động sản thuộc nhóm các doanh nghiệp có mức giảm điểm mạnh nhất trên sàn chứng khoán, cũng như đạt hiệu quả kinh doanh thấp nhất. Đây thực sự là giai đoạn khó khăn nhất, các doanh nghiệp đang phải nỗ lực cầm cự. Ngay cả những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh cũng đang gặp khó khăn do sức cầu căn hộ rất yếu, nhiều dự án đang xây dựng bị buộc phải tạm dừng không chỉ vì thiếu vốn mà còn vì chủ đầu tư chờ nghe ngóng thị trường.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết ủy ban này vừa có một cuộc khảo sát tình hình tại một số địa phương, nhận thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng hiện tồn kho căn hộ, gạch ngói xi măng, sắt thép…, thậm chí bán giá rẻ cũng không ai mua. Hiện có gần trăm ngành nghề liên quan đến bất động sản, nên nếu như không có những biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản thì sẽ kéo theo cả các lĩnh vực khác và cả nền kinh tế.
Cho rằng yếu tố vốn rất quan trọng với thị trường, một lãnh đạo của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng để thị trường hồi phục, rất cần nguồn vốn dài hạn từ các ngân hàng dành cho bất động sản. Nhu cầu vốn cho các nhà đầu tư và người mua nhà có thời hạn dài trong khi ngân hàng hiện thiếu các nguồn vốn dài hạn, nên rất cần những công cụ tài chính để chuyển các khoản vốn tài trợ ngắn hạn thành vốn trung và dài hạn.
Thật vậy, lâu nay những chương trình cho vay ưu đãi dành cho các khách hàng mua căn hộ được ngân hàng “bảo trợ” thường mang tính động viên là chính. Mức lãi suất mới nghe thì hấp dẫn, dưới 10%/năm, thậm chí 0%, nhưng chỉ trong thời hạn ngắn 3-6 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường, mà lãi suất ấy thì cao ngất khiến người có nhu cầu thực mua nhà cũng phải e ngại. Nhiều doanh nghiệp bất động sản vì vậy đã kiến nghị Nhà nước nên có chính sách tín dụng cho những người mua nhà vay với mức lãi suất cố định khoảng 8 – 9%/năm trong vòng ba năm đầu, nhằm tạo tính thanh khoản cho thị trường, chứ “bơm tiền cứu doanh nghiệp” thời điểm này không phải là giải pháp hay.