Thỏa thuận sơ bộ giữa chính phủ Anh và Bruxelles về Brexit đạt được giữa tuần qua dù có bước tiến lớn, nhưng không cho thấy nước Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) tránh được một cuộc chia tay trong hỗn loạn.
Trong khi đó, chính phủ Anh cũng đang phân hóa: sáng 15-11 Quốc vụ khanh Shailesh Vara phụ trách Bắc Ireland đã từ chức để phản đối thỏa thuận, tiếp theo là Bộ trưởng chuyên trách Brexit, ông Dominic Raab cũng từ chức. Ngay sau đó Bộ trưởng Lao động và Hưu trí, bà Esther McVey cũng theo con đường này. Hiện đã có nỗ lực của phe chống đối Thủ tướng Theresa May trong đảng Bảo thủ muốn bỏ phiếu bất tín nhiệm để hạ bệ bà.
Tuy thế, đầu giờ chiều ngày 15-11, đài BBC xác nhận rằng Ủy ban 1922, cơ quan của đảng Bảo thủ lo về nội chính, chưa nhận đủ 48 phiếu nghị sĩ để có thể bắt đầu thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm với thủ tướng đương nhiệm. Ông Jacob Rees-Mogg, một nhân vật hàng đầu của phái Brexit cho biết đã gửi thư mời các nghị sĩ của đảng Bảo thủ góp thêm phiếu để bày tỏ sự bất tín nhiệm với bà May. Theo ông, số phận của bà May “sẽ được quyết định nhanh chóng”.
Nếu phe chống bà May có đủ 48 nghị sĩ của đảng Bảo thủ trong Hạ viện đồng ý mở cuộc bỏ phiếu thì tất cả các nghị sĩ của đảng này có thể bỏ phiếu kín về bà. Nếu họ bất tín nhiệm, bà Theresa May sẽ mất chức lãnh đạo đảng Bảo thủ và như thế phải rời phủ thủ tướng. Ngược lại, nếu các nghị sĩ Bảo thủ vẫn đồng ý giữ bà là thủ tướng Anh, bà May không bị đe dọa bởi một cuộc bỏ phiếu tiếp theo trong vòng 12 tháng. Trong bối cảnh bị lên án từ mọi phía, thỏa thuận sơ bộ hiện nay của Thủ tướng May dường như chính là điểm cân bằng hết sức mong manh.
Theo báo Le Monde, thủ tướng Anh đang chơi ván cờ được ăn cả ngã về không: hoặc đạt thỏa thuận, hoặc rơi vào hỗn loạn. Thỏa thuận của Thủ tướng May đã nhận được đèn xanh của chính phủ Anh sau năm giờ thương lượng. Giới truyền thông cho rằng đây là một bước tiến lớn theo đúng hướng: một sự chia tay êm dịu, tránh được những rối ren của một sự chia tách không hợp đồng. Tuy nhiên, Quốc hội Anh còn phải có ý kiến, và không thể loại trừ điều gì, thậm chí một cú đảo chính chống lại bà Theresa May.
Hiện nay phe cứng rắn trong vấn đề Brexit cho rằng không thể chấp nhận được việc London tiếp tục bị chi phối bởi các quy định về thị trường được EU quyết định. Trong khi đó, phe ủng hộ Anh ở lại EU tiếp tục lên án việc “từ bỏ một cuộc hôn nhân sáng suốt” để đổi lấy “một liên minh ít có lợi hơn”.
Về phía EU, người phụ trách đàm phán Michel Barnier hôm cuối tuần tỏ ra rất lạc quan về các bước tiến mang tính quyết định vừa đạt được. Một thỏa hiệp lớn giữa Anh và Bruxelles là thị trường Bắc Ireland vẫn ở trong liên minh thuế quan và thị trường duy nhất. Ngoài ra, giữa Anh và EU sẽ không có biên giới trên bộ, nếu không có giải pháp nào khác sau đó. Tuy nhiên, lãnh đạo đàm phán của EU báo trước là còn rất nhiều việc phải làm.
- Xem thêm: Brexit vẫn sẽ diễn ra vào tháng 3-2019
Thỏa thuận Brexit vừa đạt được giữa Anh và EU phải vượt qua Quốc hội Anh là cửa ải đầu tiên, vốn là bất trắc lớn nhất hiện nay. Tối 13-11, một lãnh đạo của đảng Bảo thủ, ông Julian Smith, cho biết tự tin về thỏa thuận Brexit sẽ được Quốc hội Anh thông qua. Tuy nhiên, nhiều thành viên của đảng này cho biết sẽ bỏ phiếu chống. Trong số những người phản đối, có cả thành phần ủng hộ Brexit cứng rắn không chấp nhận điều mà họ cho là nước Anh sẽ là một “quốc gia chư hầu của EU”, cũng như những người muốn Anh ở lại với châu Âu.
Nếu dự thảo thỏa thuận được Anh thông qua, đến lượt Nghị viện châu Âu bỏ phiếu. Về cơ bản, đa số các nghị sĩ châu Âu sẽ chấp thuận kết quả đàm phán của Bruxelles. Tuy nhiên, về mặt chi tiết, sau khi dự thảo thỏa thuận 500 trang này được chính phủ Anh chấp thuận, văn bản sẽ còn phải được chính quyền 27 nước châu Âu xem xét kỹ lưỡng đến từng dấu phẩy.
Hai năm sau cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ Brexit, xã hội Anh giờ đây đã chia rẽ sâu sắc.
– Tổng hợp