Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (NIESR), trong trường hợp Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, mà vẫn không đạt được thỏa thuận nào thì khả năng chi tiêu công của chính phủ Anh sẽ giảm sút đáng kể nếu so với kịch bản Brexit mềm mỏng.
NIESR cho biết, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond có thể tăng chi tiêu dịch vụ công lên trên mức 20 tỉ bảng Anh như đã cam kết với Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) nhưng chỉ trong trường hợp nước Anh duy trì được mối quan hệ gần gũi nhất với EU sau Brexit.
Nếu Brexit không đi tới thỏa thuận mềm mỏng hơn có thể sẽ triệt tiêu phần lớn khả năng chi tiêu bổ sung, đồng thời khiến vay mượn công gia tăng. Theo đó, đồng bảng Anh sẽ rớt giá trong khi lạm phát tăng và tăng trưởng kinh tế chững lại trong hai năm.
Theo phân tích của NIESR, kịch bản Brexit “cứng rắn” sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế Anh bị giảm khoảng 5,3% trong 10 năm. Kinh tế Anh chỉ đạt mức tăng khoảng 0,3% trong hai năm 2019 và 2020, so với mức tăng tiềm năng 1,9% và 1,6% trong trường hợp Brexit “mềm”. NIESR cho rằng sự khác biệt về kết quả đàm phán Brexit đối với chi tiêu công được đánh giá là có thể đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với chính trường Anh trong những tháng tới, cũng như đối với báo cáo ngân sách của chính phủ Anh sắp được công bố.
Trước mắt, Thủ tướng May cần phải đạt được một thỏa thuận với EU về Brexit. Triển vọng về khả năng chi tiêu lớn hơn khi gắn với Brexit có thể giúp Thủ tướng Theresa May giành được số phiếu cần thiết tại Quốc hội Anh, đặc biệt là từ các nghị sĩ Công đảng, khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua kế hoạch Brexit cuối cùng.