Ngay sau khi thỏa hiệp được ký hôm 14-7 vừa qua, Mỹ đã đề nghị tăng cường năng lực quân sự cho các đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông như Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Bahrain và Oman, nhằm đối phó với nguy cơ Iran có thể gia tăng lực lượng một khi Liên Hiệp Quốc và Mỹ dỡ bỏ dần các biện pháp cấm vận về mặt vũ trang. Cả sáu quốc gia trên là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), với chủ yếu là người Hồi giáo thuộc dòng Sunni chống lại người theo dòng Shi-ite ở Iran. Theo một thông cáo báo chí, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang xem xét việc tăng thêm cho đồng minh Israel khoản viện trợ không hoàn lại 3 tỉ USD mỗi năm để mua các loại vũ khí của Mỹ. Điều này được các nhà bình luận gọi là “cái giá của sự an ủi” dành cho Israel, sau khi nước này lên án thỏa hiệp hạt nhân với Iran ngày 14-7-2015 là “một sai lầm lịch sử”.
Theo tiến sĩ Natalie J. Goldring, thuộc Chương trình Nghiên cứu An ninh Trường Đại học Georgetown (Mỹ), mặc dù thỏa hiệp trên góp phần vào các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng chúng cũng đồng thời làm gia tăng sự phổ biến các loại vũ khí quy ước trong vùng đến mức báo động. Vấn đề đặt ra là sự gia tăng du nhập vũ khí quy ước tại Trung Đông có thực sự trở thành mối đe dọa từ Iran không, vì theo tinh thần thỏa hiệp 14-7, việc chuyển giao cho Iran các loại vũ khí quy ước quan trọng, các loại tên lửa, hệ thống tên lửa, vẫn còn bị tiếp tục chế tài trong nhiều năm nữa. Mặt khác, theo tờThe New York Times, ngân sách quân sự của Iran chỉ chiếm hơn 1/10 ngân sách quân sự của các quốc gia của người Sunni và Israel. Nói cụ thể hơn, chi phí quân sự hằng năm của Iran khoảng 15 tỉ USD, trong khi của các nước Ả Rập vùng Vịnh (của người Sunni) lên tới 130 tỉ USD. Chỉ riêng Israel, nước này đã chi 16 tỉ USD về quân sự hằng năm, chưa kể khoản 3 tỉ USD do Mỹ cấp cho. Xét về chất lượng khí tài quân sự, các loại vũ khí do phương Tây cung cấp cho Israel và các nước vùng Vịnh hiện đại hơn rất nhiều so với vũ khí cũ kỹ của quân đội Iran. Trong khi không quân Israel và UAE đang sử dụng loại máy bay chiến đấu F-16s, không quân Ả Rập Saudi sử dụng máy bay F-15s và Eurofighter Typhoon, không quân Kuwait sử dụng máy bay Boeing F/A-18C… thì máy bay hiện đại nhất của Iran chỉ là loại MiG-29 của Nga mua từ đầu thập niên 1990, cùng các loại máy bay kiểu cũ của Mỹ như F-14s, F-4s, F-5s… Sự cảnh giác sớm và có phần không thực tế của Israel và các nước vùng Vịnh phần lớn thuộc về người Hồi giáo dòng Sunni. Thỏa hiệp hạt nhân 14-7, sẽ mang phần lợi về cho chính quyền ông Obama, vừa củng cố một khối đồng minh mạnh mẽ, vừa mang lại cho ngân sách Mỹ những khoản lợi nhuận khổng lồ. Mặt khác, viễn cảnh một cuộc đối đầu phức tạp với Iran không còn nữa, người Mỹ có thể thở phào như vừa trút một gánh nặng.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)