Sự kiên nhẫn tiếp tục bị thử thách
Vào phiên đóng cửa của năm 2011, điểm số của VN-Index là 351,55 điểm. Về điểm số, VN-Index không đến nỗi hao hụt trong năm 2012. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index của sàn HNX đã rơi vào vùng thấp trong lịch sử của chỉ số này. Tâm lý thận trọng luôn bao phủ thị trường. Thanh khoản của thị trường trong năm có những bước trồi sụt đáng lo ngại. Những tháng đầu năm 2012, khối lượng giao dịch trên sàn HoSE khoảng 80-100 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng/ngày, tương đương 800-1.000 tỉ đồng/phiên. Nhưng cũng có thời điểm, giao dịch chỉ quanh 20 triệu cổ phiếu/ngày, tương đương 100-200 tỉ đồng/phiên. Gần như trong toàn bộ tháng 11-2012, giá trị giao dịch khớp lệnh cổ phiếu trên cả hai sàn chỉ quanh quẩn ở con số vài trăm tỉ đồng, không bằng giá trị giao dịch của một cổ phiếu blue-chip hoặc một cổ phiếu đầu cơ khi thị trường còn sôi động.
Nhà đầu tư chứng khoán vẫn phải đối mặt với khó khăn của thị trường trong năm mới 2013
Suốt cả năm, câu hỏi ám ảnh thị trường là dòng tiền đang ở đâu khi mà thị trường bất động sản và vàng không còn là đối thủ cạnh tranh với chứng khoán. Cổ phiếu chưa bao giờ rẻ đến thế (!) vậy mà người mua vẫn thờơ. Trên toàn thị trường hiện có tới gần 70% cổ phiếu được giao dịch dưới mệnh giá. Nếu như năm trước người ta còn ví cổ phiếu rẻ như gói bim – bim cho con trẻ, thì năm nay giá nhiều cổ phiếu chỉ còn bằng mớ rau thơm đúng vụ. La liệt trên sàn là những cổ phiếu “mini” với giá thị trường chỉ 1-2 nghìn đồng/cổ phiếu.
Thị trường đã tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư. Không chỉ trồi sụt theo hướng đi xuống, thị trường chứng khoán còn phải hứng chịu những cú sốc nặng nề và quá đà bởi thông tin về những nhân vật liên quan đến các ngân hàng, doanh nghiệp lớn. Cú sốc mang tên “bầu Kiên” đã khiến cho thị trường chứng khoán “mất phanh” bốn phiên liên tiếp bất chấp những trấn an từ phía cơ quan quản lý. Đây là đợt giảm điểm mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2008. Không như những đợt giảm điểm mạnh của các năm trước, thị trường đã không có được những “cú hồi” mạnh để giúp nhà đầu tư nguôi ngoai. Mọi nỗ lực bắt đáy đều trở nên vô vọng khi sự thận trọng là yếu tố duy nhất trở nên dư thừa trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, thị trường còn trở nên chai lỳ, không phản ứng trước những thông tin khả quan của kinh tế, tiền tệ.
Xếp hàng chờ “cứu”
Theo thống kê đến ngày 12-12-2012 của Bloomberg, tổng số tiền mà các doanh nghiệp Việt Nam huy động được từ việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2012 chỉ đạt 0,01 tỉ USD (tương đương 208 tỉ đồng). Thị trường chứng khoán sụt giảm không chỉ khiến nhà đầu tư thua lỗ, doanh nghiệp không thể huy động vốn thông qua kênh dẫn vốn này, mà còn khiến việc thoái vốn của các doanh nghiệp, tập đoàn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mặc dù vậy, sức ép về thời gian trong việc thực hiện tái cấu trúc sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận bán cổ phiếu với mức giá không như mong muốn. Theo Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, nhiều tập đoàn như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí… sẽ phải tìm cách thoái vốn ở những khoản mục đầu tư ngoài ngành.
Trong bối cảnh nợ xấu – cục máu đông của nền kinh tế – còn chưa được giải quyết, tồn kho hàng hóa, đặc biệt là tồn kho trong bất động sản đang chờ đợi các giải pháp thì có lẽ chứng khoán sẽ còn phải xếp hàng, chờ đợi đến lượt được “cứu”. Tuy nhiên, rất may cho chứng khoán đó là tâm lý đầu tư có những lý lẽ riêng. Nhiều động thái từ phía Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đang thể hiện quyết tâm cứu thị trường bất động sản. Dù không được hỗ trợ một cách trực tiếp nhưng nếu như thị trường bất động sản có những động thái tích cực thì chứng khoán sẽ hưởng lợi không ít. Các ngành nghề sẽ được chú ý khi bất động sản có dấu hiệu khởi sắc đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng… và cả ngân hàng.
Cùng với việc để ý đến thông tin, kỳ nghỉ lễ dài dịp Tết Dương lịch là một vấn đề cần được tính đến trong những ngày cuối năm. Không thể bỏ qua khả năng giới đầu tư sẽ chọn phương án chốt tài khoản, đề phòng những rủi ro có thể phát sinh trong thời gian nghỉ lễ, hay đơn giản hơn là để có được tâm lý thư thái sau một năm kinh doanh mệt nhọc. Đặc biệt, khi thị trường có sóng chính sách cho bất động sản trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm, thì việc chốt lời lại càng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Song Hà
Ảnh Thanh Hải