Đang có quá nhiều sự thay đổi trên thị trường ôtô Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2019. Cú ngã ngựa của dòng xe bán tải, cuộc đua chưa có hồi kết giữa ba doanh nghiệp lắp ráp nội địa Toyota, Thaco và Hyundai, và giá xe không còn là yếu tố quyết định doanh số đang tạo nên một kính vạn hoa trong quý đầu của năm nay.
Trong khi sự sụt giảm doanh số của dòng bán tải tháng vừa qua được lý giải là do tăng lệ phí trước bạ từ 2% đến 6% kể từ đầu tháng 4 thì giới quan sát đã chứng minh, thực ra dòng xe này đã giảm số lượng bán ra từ năm 2018 do nhiều nguyên nhân khác nhau, vốn cũng là những đặc điểm cho thấy sự thất thường của thị trường xe Việt Nam hiện nay; phí trước bạ tăng cũng chỉ là một giọt nước làm tràn ly.
Kết thúc tháng 4, doanh số xe bán tải chỉ đạt 1.190 chiếc, giảm 800 chiếc so với tháng 3. Sau hai năm 2016 và 2017 tạo đột phá về doanh số, từ năm 2018 phân khúc bán tải bắt đầu chậm lại khi chỉ đạt tổng doanh số cả năm 18.500 xe, thấp hơn 5.800 xe so với 2017 và 4.500 xe so với năm 2016.
Có sáu mẫu đang chia sẻ thị phần trên phân khúc bán tải: Ford Ranger, Mazda BT-50, Nissan Navara, Toyota Hilux, Mitsubishi Triton và Cheverolet Colorado, trong đó Ford Ranger luôn giữ vị trí dẫn đầu.
Trước kia, dòng bán tải nhận được nhiều ưu ái từ người tiêu dùng là nhờ giá bán hấp dẫn hơn nhiều so với các mẫu xe đô thị khác, cộng với tiện nghi không thua kém lại có khoang chở hàng lý tưởng.
Với sự trỗi dậy của phân khúc xe đô thị cỡ nhỏ có ưu thế về kích thước, lại thêm tiện nghi cao cấp, công nghệ hiện đại nhưng giá bán cũng rất cạnh tranh là nguyên nhân khiến dòng bán tải mất lợi thế trên thị trường.
Trong thời gian tới, sẽ càng thêm khó khăn cho dòng xe này khi liên Bộ Công thương – Tài chính vừa đề xuất Chính phủ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (35% – 60% thay vì 15% – 25%) đối với xe bán tải, ngang với dòng xe du lịch dưới chín chỗ.
Chật vật trong cuộc cạnh tranh, thương hiệu xe hơi quốc dân dường như cũng chực chờ vuột mất khỏi tay Toyota tại thị trường Việt Nam khi có đến hai công ty liên doanh sản xuất trong nước đang tăng tốc quyết liệt để soán danh hiệu này của Toyota.
Sở hữu nhiều thương hiệu xe với thị phần cao, Thaco đã từng rượt đuổi ngoạn mục về doanh số với Toyota trong một thời gian dài trên bảng thống kê của VAMA.
Nhưng thực tế cho thấy, cả Kia và Mazda gộp lại cũng không là đối thủ ngang tài với Toyota. Tuy nhiên với Hyundai, cuộc tăng tốc ngoạn mục đã thành công trước khi liên doanh này công khai doanh số.
Đầu tiên là mẫu xe chiến lược Kia Morning của Thaco từ vị thế luôn giữ ba vị trí đầu top best-seller hằng tháng bỗng chốc tụt hạng thảm hại và có lúc phải rời khỏi top vì sự cạnh tranh của Hyundai.
Toyota Vios cũng không thể giữ ngôi vương trước sự tấn công quyết liệt của Hyundai Grand i10 và Hyundai Accent. Toyota Wigo cũng là một đối thủ nặng ký trên cùng phân khúc với Hyundai Grand i10, nhưng do là xe nhập khẩu nên chưa thể cạnh tranh sòng phẳng, một phần do nguồn hàng không ổn định.
Bên cạnh đó, VinFast cũng đang đẩy nhanh tiến độ đưa mẫu xe Fadil cùng phân khúc ra thị trường lần đầu tiên. Cuộc đua giữa các công ty lớn này sẽ quyết định tình hình thị trường trong thời gian tới.
Thị trường ôtô Việt Nam bốn tháng đầu năm còn chứng kiến sự vắng lặng ở phân khúc xe siêu sang và siêu xe. Nếu như trong các năm trước, mỗi năm có ít nhất hơn 10 siêu xe hay xe siêu sang được nhập về Việt Nam thì từ năm 2018 không có thêm những loại xe đó trên đường phố. Thuế cộng với chính sách tăng phí liên tục đối với siêu xe và xe siêu sang đã làm cho nhiều đại gia chùn tay mua sắm.
Trong bối cảnh thị trường có quá nhiều thay đổi, có lẽ lời khuyên tốt nhất dành cho người có nhu cầu sắm xe lúc này là “thích thì nhích thôi”.
Cuộc đua doanh số giữa các thương hiệu, cùng cuộc cạnh tranh bất phân thắng bại giữa xe nhập khẩu và lắp ráp nội địa sẽ dẫn đến những bất ngờ trong thời gian tới.