Thị trường ô tô Tháng 7 Âm lịch theo tâm linh được cho là khoảng thời gian không tốt cho việc tậu nhà, mua xe, nhưng do chỉ trùng vài ngày của tháng 7 Âm lịch nên thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 7 Dương lịch vẫn có được sức mua khá tốt, cho dù nếu xét kỹ về chi tiết thì đã xuất hiện vài dấu hiệu tiêu cực của mùa thấp điểm giữa năm như nhiều năm trước. Toyota vẫn là thương hiệu dẫn đầu về doanh số và cuộc bứt phá của Ford về thị phần trong tháng là những điểm đáng chú ý nhất.
Về tổng thể, mức tăng 2% so với tháng trước thể hiện qua sự tăng trưởng khá đều trên tất cả các phân khúc xe trên thị trường. Sự giằng co giữa hai loại hình CKD và CBU vẫn còn nóng khi lượng xe nhập khẩu trong tháng tiếp tục tăng (2.897 chiếc, tăng 24% so với tháng trước), trong khi tỷ lệ tăng của dòng xe CKD chỉ được 2%. Tính chung cả bảy tháng đầu năm, tăng trưởng của CBU và CKD lần lượt là 24% và 62%.
Bảy tháng đầu năm cũng đánh dấu mức tăng trưởng 32% ở phân khúc xe con và xe tải so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị phần của các hãng xe đã có sự thay đổi đáng kể. Sự thay nhau vượt lên trước của Thaco và Toyota đã tạo nên những kích thích đáng giá cho thị trường. Nếu hãng xe Nhật Bản tạo được đà vượt lên khi liên tiếp dẫn đầu trong danh sách bán hàng của tháng 6 và 7 thì Tập đoàn Thaco của Việt Nam cũng cố gắng giữ vững vị thế của mình bằng cách tấn công mạnh vào phân khúc xe con. Sau bảy tháng, Thaco tạm dẫn đầu khi đạt 31,9% thị phần so với 30,9% của Toyota. Nếu chỉ tính riêng trong tháng 7, ngoại trừ Toyota và Ford đang thể hiện khả năng bứt phá, ba cái tên còn lại trong top 5 là Thaco, Honda và GM đều bị giảm doanh số ít nhiều so với tháng trước, trong đó Honda giảm mạnh nhất (từ 4,7% xuống còn 4,0%).
Mặc dù đang có nhiều dự đoán tiêu cực về khả năng bán hàng, nhưng tháng 8 lại được xem là thích hợp để các hãng xe triển khai và đánh giá hiệu quả các hoạt động kinh doanh thông qua việc ra mắt mẫu xe mới cũng như các chương trình chăm sóc khách hàng nhằm kéo dần sức tiêu thụ của thị trường cho đến những tháng cao điểm cuối năm.
N.L