Theo một báo cáo do Cục Ma túy và Tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) vừa công bố, người nhập cư lậu đang trở thành một nguồn lợi béo bở trị giá 2 tỉ USD dành cho các băng nhóm tội phạm sử dụng Đông Nam Á như một nguồn cung cấp và thu nhận người lao động bất hợp pháp. Tổ chức này đã phân tích tình trạng người nhập cư lậu ở 28 quốc gia, từ Trung Đông tới khu vực Thái Bình Dương và phát hiện ra rằng mạng lưới tội phạm đang khai thác chỗ hở giữa nhu cầu sử dụng người lao động với nguồn cung cấp người nhập cư để đưa họ đến đất nước họ mong muốn. Trong lúc nhiều người nhập cư tìm được đời sống khá hơn tại một xứ sở mới với mức phí tổn có thể lên đến vài mươi ngàn USD/người, thì có không ít người nhập cư lậu rơi vào tay các mạng lưới buôn người. Phương tiện làm ăn của chúng là thuyền, mỗi chiếc chở được khoảng 300 người với giá đầu tư từ 20 ngàn USD trở lên. Chúng đưa họ vào những khu rừng nằm giữa biên giới Thái Lan – Malaysia, cầm giữ họ cho đến khi thân nhân họ bỏ ra từ 2.000 đến 3.000 USD/người để chuộc họ. Đó là khoản tiền không nhỏ so với đồng lương ít ỏi họ có thể nhận được tại một hãng xưởng ở Malaysia. Những người không có tiền chuộc sẽ bị giam nhốt trong rừng lâu dài và không ai biết được số phận của họ sẽ ra sao. Trong các cuộc hành quân vào rừng già ở khu vực này, cảnh sát Thái Lan khai quật được nhiều hài cốt của những người nhập cư bất hợp pháp. Có thể họ bỏ mạng vì bị tra tấn, hành hạ, bị bỏ đói khát, bệnh tật, hoặc suy sụp tinh thần trong lúc chờ tiền chuộc từ gia đình. Cách làm ăn này thành công đến độ bọn buôn người mở rộng ranh giới hoạt động ra đến Bangladesh, nơi có sẵn một mạng lưới những kẻ môi giới lao động được tổ chức khá hoàn chỉnh. Theo Jeremy Doulas, đại diện khu vực Đông Nam Á của UNODC, hoạt động của các nhóm buôn người xuyên biên giới tại nhiều nước châu Á đã phát triển nhanh chóng với một mức độ chưa từng thấy, một phần do quá trình xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và việc mở cửa biên giới tại nhiều nơi. Từ châu lục đông dân cư này, chúng vươn vòi bạch tuộc tới Úc, New Zealand, Canada và Mỹ. Một trong những thủ đoạn của bọn tội phạm là sử dụng các tài liệu giả và nạn nhân của chúng sẽ phải đối mặt với những nguy cơ không lường hết được.
Để góp phần ngăn chặn tệ nạn này, UNODC kêu gọi chính quyền các nước châu Á kết hợp việc chống nạn buôn người với việc thi hành Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia do Liên Hiệp Quốc ban hành. Tăng cường khả năng thu thập và phân tích các dữ liệu, cải tiến luật pháp và các chính sách hiện hành, bảo vệ hữu hiệu quyền của người nhập cư và thường xuyên hành quân lục soát các khu vực rừng rậm xuyên biên giới là những biện pháp cần thiết nhất để triệt tiêu nạn buôn người.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)