Ngủ trong những chiếc hộp công nghệ, chạy bộ trong hồ nước hay di chuyển thực tế ảo…, tập luyện thời đại ngày nay không chỉ là ra sức đổ mồ hôi dưới cái nắng gay gắt…
Mùa hè 2014, huấn luyện viên Louis Van Gaal đến với câu lạc bộ bóng đá hàng đầu thế giới Manchester United và mang theo một loạt thay đổi đáng chú ý ngay từ những ngày làm việc đầu tiên, mà đáng chú ý nhất là những chiếc “hộp ngủ” công nghệ.
Tối ưu hóa giấc ngủ
“Sleep pod” là một hệ thống giường ngủ công nghệ đặc biệt nằm trong hạng mục thiết bị được chiến lược gia người Hà Lan yêu cầu ban lãnh đạo đội bóng trang bị cho sân tập Carrington, với mục đích tối ưu hóa giấc ngủ cho cầu thủ. Họ sẽ ngủ ngon giấc nhất có thể, đủ giờ và đúng cách, thoát khỏi những vấn đề trằn trọc, khó ngủ mà người bình thường hay gặp.
Với các VĐV, giấc ngủ ngon đặc biệt quan trọng. Trái với suy nghĩ thông thường rằng những người khỏe mạnh sẽ ngủ ít hơn người ốm yếu, các VĐV càng ưu tú, càng có lối chơi nặng về thể lực càng phải ngủ nhiều. Ngôi sao bóng rổ LeBron James cho biết anh ngủ trung bình 12 giờ mỗi ngày, nhiều gần gấp đôi so với con số 7 giờ trung bình của người Mỹ.
Vì sao giấc ngủ lại quan trọng đến vậy? Có rất nhiều lý do phức tạp mà khoa học ngày nay vẫn còn đang nghiên cứu. Nhưng cơ bản là hệ thống thần kinh, cơ bắp, xương khớp… cần khoảng thời gian để tái tạo, sửa chữa và phát triển sau những buổi tập luyện mệt mỏi. Giấc ngủ là thời gian diễn ra quá trình đó.
Với những môn thể thao thi đấu dựa trên thành tích, chỉ số rõ ràng như điền kinh, bơi lội, việc sử dụng thiết bị tối ưu hóa giấc ngủ như hộp ngủ công nghệ từ lâu đã không còn xa lạ. Nhưng bóng đá còn là một cuộc chơi chiến thuật và HLV Van Gaal đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Những chiếc “hộp ngủ” của ông dần dà trở thành một tiêu chuẩn trong hệ thống tập luyện của các CLB Premier League.
Giả lập để tránh chấn thương và rèn luyện tầm nhìn
Công nghệ thực tế ảo (VR) không chỉ là để chơi trò chơi điện tử, mà đang trở thành hình thức tập luyện ngày càng phổ biến ở nhiều môn thể thao như bóng bầu dục hay khúc côn cầu – những môn thường gặp các va chạm nguy hiểm.
Với một chiếc mũ cảm biến đặc biệt, người sử dụng VR có thể cảm nhận đầy đủ tất cả hiệu ứng giả lập do hệ thống dựng lên – bao gồm hình ảnh các đối thủ di chuyển, âm thanh trên sân đấu, khán đài và cả cảm giác đầy sức ép từ những bước chạy. VR mang đến những buổi tập hay cuộc đấu như thật dù không cần va chạm thể chất thực sự. Hiện nó được áp dụng chủ yếu cho các VĐV đang trong giai đoạn hồi phục chấn thương.
Một hình thức tập luyện tối ưu nữa cho thấy thể thao càng ngày càng không chỉ là cuộc đấu của cơ bắp, mà còn là sự rèn giũa khả năng quan sát. Vốn từng được xem là thiên phú ở những môn đối kháng như bóng đá, quần vợt, bóng chày…, ngày nay kỹ năng này được coi là một yếu tố quan trọng mà các VĐV không chỉ có thể mà còn phải rèn luyện để tiến bộ hơn.
Về cơ bản, huấn luyện kỹ năng quan sát (vision training) nhằm cải thiện phản xạ, các chức năng nhận thức và độ chính xác thị giác. Có nhiều hình thức, nhưng phổ biến nhất là sử dụng một màn hình có độ phân giải cao, VĐV sẽ thử phản xạ của mình bằng cách chạm vào những điểm sáng hiện ra nhanh nhất có thể.
Ngoài ra, VĐV còn có thể rèn luyện khả năng theo dõi (dõi theo liên tục một vật thể di chuyển), nhận thức ngoại vi (nhìn mọi thứ từ khóe mắt), tốc độ lấy nét (thay đổi trọng tâm khi theo dõi từ vật thể này sang vật thể khác) và sự phối hợp giữa mắt với các bộ phận khác trên cơ thể. Huấn luyện kỹ năng quan sát còn đặc biệt được dùng để phục hồi chức năng nhận thức cho các VĐV bị dính chấn thương nặng ở đầu, ảnh hưởng não bộ.
Tập boxing… dưới nước
Chạy bộ, đạp xe hoặc tập các bài aerobic dưới nước ngày nay đã trở thành hình thức tập luyện đại chúng, chứ không còn của riêng giới VĐV chuyên nghiệp nữa. Lực đẩy của nước làm giảm 90% thể trọng ở độ sâu ngang vai, tạo thêm cơ hội rèn luyện sức khỏe cho những người bị viêm khớp, béo phì, đau lưng, làm những loại nghề nghiệp ít vận động, phụ nữ trước và sau sinh, người cần phục hồi sau chấn thương, người lớn tuổi…
Với các VĐV chuyên nghiệp, tập chạy bộ dưới nước càng lợi hại bởi nó làm giảm nguy cơ chấn thương khi trọng lượng cơ thể giảm bớt. Ngoài ra, chạy bộ dưới nước còn làm tăng sức mạnh và khối lượng cơ. Một nghiên cứu của Đại học Texas A&M chỉ ra rằng chạy bộ bằng máy đặt dưới nước sẽ làm tăng khối lượng cơ bắp hơn là chạy bình thường trên cạn.
Ngày nay, thậm chí các môn võ thuật và boxing cũng có thể tập luyện dưới nước, dù hình thức này còn mới lạ và hiếm gặp, tùy thuộc vào triết lý của từng HLV. Barry Robinson – HLV boxing thuộc hệ thống giải đấu UFC (Ultimate Fighting Championship) – cho biết anh thường bắt VĐV di chuyển dưới mặt nước, với mực nước cao đến giữa bắp chân hoặc đầu gối để tập các bài di chuyển khi tấn công.
“Lực cản của nước sẽ khiến bạn khó di chuyển hơn. Khi tập luyện, chúng ta thấy việc di chuyển, tấn công đối phương thật dễ dàng. Nhưng khi vào trận và chịu đòn mới thấy đôi lúc không nhấc chân lên được. Tôi muốn các VĐV của mình phải rèn được đôi chân mạnh mẽ. Tập dưới nước cũng tốt cho xương khớp, bạn có thể thấy rất nhiều người tập chạy bộ dưới nước”, Robinson nói.