Mấy tuần nay, ông chủ thương hiệu kem Greenie Scoop Lý Huy Sáng đang tích cực luyện tập chuẩn bị cho cuộc đua Ironman 70.3 Việt Nam 2018 sẽ diễn ra đầu tháng 5 ở thành phố Đà Nẵng. Hơn 4 giờ sáng, anh đã cùng chiếc xe đạp chinh phục cung đường dài khoảng 25km từ quận 1, TP. Hồ Chí Minh đến thành phố mới Bình Dương, sau đó anh rẽ hướng chạy về khu Sông Bé Golf Resort để bơi hơn 1km trước khi đến làm việc ở Công ty TNHH Minh Long I. Buổi tối, anh sẽ tranh thủ chạy bộ vài vòng quanh công viên Tao Đàn gần nhà vào khoảng 9-10 giờ tối. Anh chia sẻ:
Công việc hằng ngày của tôi ở công ty khá bận rộn nên sắp xếp thời gian để luyện tập cả ba môn chạy bộ, bơi lội và đạp xe không dễ dàng. Tôi phải tranh thủ luyện tập một, hai môn mỗi ngày vì nay đã là giai đoạn nước rút.
Những người bận rộn thường tham gia theo đội ba người, chuyên tâm luyện tập một môn sẽ đỡ mất thời gian hơn?
Tôi đã tham gia thi đấu theo đội ba người tại giải Ironman 70.3 lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam năm 2015. Năm đó, tôi chỉ thi môn bơi, hai đồng đội khác thi chạy và đạp xe. Thấy các vận động viên khác thi đấu cả ba môn, tôi cũng muốn thử sức mình. Nhưng cũng có đôi chút lo lắng…
Anh lo lắng ở môn chạy bộ hay đạp xe?
Tôi lo lắng ở môn bơi nhất. Tôi học bơi từ nhỏ, nên trước đây khá tự tin. Nhưng gần đây, tôi phát hiện ra là mình bơi mất nhiều sức hơn những người khác do bị sai kỹ thuật. Bơi 1,9km là môn thi đầu tiên trong cuộc đua Ironman, nếu không hoàn thành môn này trong thời gian quy định, tôi sẽ không thể tham gia thi hai môn còn lại. Vì vậy, tôi đã tìm cho mình một huấn luyện viên để điều chỉnh kỹ thuật bơi, nhưng một khi đã ăn sâu vào thói quen, thay đổi quả là điều không dễ. Hy vọng rằng tôi có thể điều chỉnh kỹ thuật cho đúng trước ngày thi.
Được biết, anh mới tham gia Dalat Ultra Trail 2018 vào tháng 3 vừa qua, anh cảm nhận thế nào về đường chạy này?
Đây là một đường chạy thú vị và khá thoải mái, vì thời tiết mát mẻ và đường chạy không khắc nghiệt như ở Sa Pa. Cảnh ở Đà Lạt lại khá nên thơ, nhất là chạy qua những đồi thông thơ mộng, nên người chạy cũng thư giãn ít nhiều. Tôi hoàn thành cung đường 21km khá nhẹ nhàng, hôm sau lại chạy tiếp cung đường 10km theo lời rủ rê của bạn bè mà không thấy mệt. Còn nhớ năm trước, sau khi hoàn thành 21km giải Vietnam Mountain Marathon ở Sa Pa, tôi phải mất đến mấy ngày mới hồi phục thể lực. Không những thế, tôi còn bị chấn thương ở đầu gối, không thể chạy nổi mấy tháng sau đó.
Có thể thấy anh khá tích cực tham gia những cuộc thi, mọi người đều nghĩ rằng thể thao thì tốt cho sức khỏe nhưng tham gia các cuộc thi lại mất nhiều thời gian, anh nghĩ sao?
Đăng ký các cuộc thi là mục tiêu để luyện tập kỷ luật và nghiêm túc hơn. Ai cũng biết luyện tập thể thao là cần thiết cho sức khỏe, nhưng nếu không có động lực, chúng ta thường có nhiều lý do để biện minh cho việc luyện tập không điều độ. Hơn nữa, nếu không đăng ký thi, bạn sẽ không cố gắng để đạt thành tích cao hơn. Có một huấn luyện viên thể thao Olympic nổi tiếng từng viết trên mạng xã hội rằng nếu muốn tập thể thao hiệu quả, bạn hãy đăng ký một cuộc thi nào đó và thông báo đến càng nhiều bạn bè càng tốt. Khi đó, bạn buộc phải luyện tập nghiêm túc, nếu không muốn bị mất mặt!
Anh có làm như thế khi đăng ký thi không?
Tôi thì tham gia các giải thể thao để thử thách bản năng sinh tồn của mình. Thực tế, việc hoàn thành một giải chạy, hay một cuộc đua Ironman là không dễ dàng chút nào. Có những lúc người chạy cảm thấy kiệt sức đến không bước đi nổi, thì sức mạnh ý chí chính là yếu tố quan trọng giúp đưa họ tiến đến vạch đích. Qua những cuộc thi khắc nghiệt như thế, tôi nhận ra con người mình có khả năng sinh tồn khá lớn. Người có thể vượt qua được những cuộc thi thể thao “hành xác” thì cũng sẽ không dễ dàng bỏ cuộc trước những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
Hơn nữa, thể thao là đam mê của tôi. Từ nhỏ, tôi đã tham gia vào đội tuyển thi đấu của trường. Những năm du học ở nước ngoài, tôi cũng tham gia các môn thể thao như: đánh cầu, trượt tuyết… Về Việt Nam trong giai đoạn tập trung phát triển Công ty Minh Long I, tôi hầu như không còn thời gian để chơi thể thao nữa. Thời gian đó, tôi hay cảm thấy cạn kiệt năng lượng vào cuối ngày. “Có lẽ mình đã làm việc quá sức và đối mặt với nhiều stress trong ngày”, tôi nghĩ vậy. Về sau, khi trở lại chạy bộ, bơi lội, tôi không còn cảm giác muốn nằm dài sau một ngày làm việc vất vả. Những ngày ngủ không đủ giấc, tôi cũng không còn “gà gật” như trước. Thể thao thật sự cho tôi cảm giác sung sức, sảng khoái mỗi ngày. Chính vì vậy mà tôi khuyến khích nhân viên tập thể thao. Tôi cũng tổ chức các giải chạy theo mỗi quý để giúp họ có động lực luyện tập siêng năng hơn.
Các vận động viên tham gia thi Ironman thường theo một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, anh theo chế độ ăn chay liệu có đảm bảo không?
Việc ăn chay hầu như không ảnh hưởng đến cân nặng hay năng suất luyện tập của tôi. Ăn chay hay bất cứ chế độ ăn uống nào, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo cân bằng giữa năng lượng thu vào và năng lượng tiêu hao. Theo một bác sĩ Đông y người Ấn Độ thì chế độ ăn chay còn giúp chữa bệnh nan y và phòng ngừa bệnh tật. Ăn chay cũng tốt cho người tập yoga như tôi.
Thật bất ngờ, anh vừa tập những môn thể thao vận động, lại vừa tập yoga sao?
Tôi đến với yoga là cái duyên. Ngày trước, tôi thường bị tê cứng hai chân mỗi khi ngồi làm việc lâu, tôi nghĩ đơn giản nguyên nhân là do máu không thể lưu thông xuống chân. Một dịp, tôi gặp thầy yoga người Ấn Độ, ông đã giải thích cho tôi nghe về vai trò của cột sống đối với các cơ quan trong cơ thể, trong đó có đôi chân. Sau khi tập các động tác hỗ trợ cột sống do thầy hướng dẫn, tôi không còn bị cảm giác tê chân khi ngồi làm việc nữa. Những bài tập này cũng giúp tôi ngủ ngon hơn.
Sau đó, tôi từng bị liệt giây thần kinh số VII khi đang chấm thi giải “Chiếc thìa vàng” tại TP. Hồ Chí Minh. Hậu quả là mặt tôi bị tê cứng, miệng méo, mắt nhắm không kín. Từ bác sĩ ở Việt Nam đến bác sĩ Singapore đều nói rằng phải mất hơn hai năm thì cơ mặt mới trở lại bình thường. Tôi tìm đến một bác sĩ châm cứu thì kết quả cũng không khá hơn. May mắn thay, thầy yoga mà tôi đang theo học đã giúp tôi chữa bệnh chỉ trong một tuần luyện tập liên tục. Sau đó, yoga cũng giúp cho khá nhiều người quen của tôi bị liệt dây thần kinh số VII trở lại bình thường, có những trường hợp thậm chí còn nặng hơn tôi. Hầu hết mọi người được chữa bệnh xong đều theo học yoga. Tôi tin rằng yoga sẽ làm nên điều kỳ diệu đối với nhiều căn bệnh nan y, nếu bạn cố gắng luyện tập một cách kiên trì và sống lạc quan.
Cảm ơn anh về những chia sẻ trên.