Trong làn sóng tác động của Covid-19 lần 2, có đến 180 cửa hàng của Tập đoàn Thế Giới Di Động (TGDĐ) bị đóng cửa hoặc hoạt động khó khăn trong một khoảng thời gian ngắn bởi nằm trong khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Thế nhưng, ở một sự diễn tiến khác, mô hình cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ vừa mới được triển khai trong thời gian đã có kết quả tich cực giúp cho “ông lớn” bán lẻ này bù đắp được sự thâm hụt về tăng trưởng.
Tập đoàn TGDĐ vừa công bố báo cáo doanh thu tháng 8 đạt 8.662 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 326 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh của tập đoàn bán lẻ này đi ngang so với tháng 7 và tăng trưởng 9% doanh thu, 14% lợi nhuận so với tháng 8-2019. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng trong thời gian tới được kỳ vọng nhi vào các chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh nhỏ và siêu nhỏ
Bách Hóa Xanh phá kỷ lục doanh thu tháng
Dưới tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 2, hơn 180 cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh. Những cửa hàng này phải đóng cửa (nằm trong các khu vực bị phong tỏa) hoặc bị giới hạn về số lượng khách được phép phục vụ bên trong.
Trong bối cảnh đó, Bách Hóa Xanh giữ vai trò quan trọng khi đóng góp gần 2.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 23% tổng doanh thu của công ty. Đây là kỷ lục mới về doanh thu trong một tháng của chuỗi. Trong tháng 8, chuỗi bán lẻ này tiếp tục điều chỉnh tốc độ mở mới để tập trung tăng doanh số của các cửa hàng hiện hữu. Nhờ đó, doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng tăng nhẹ lên hơn 1,2 tỉ đồng.
Chuỗi Thegioididong.com chỉ tăng thêm 34 cửa hàng trong tháng qua. Trước đó, Bách Hóa Xanh mở mới bình quân 100 cửa hàng/tháng trong quí 2, số cửa hàng đến cuối tháng 8 là 1.595.
Bách Hóa Xanh đồng thời cho biết đã tăng gấp đôi số lượng cửa hàng có diện tích sàn 500m2 từ 12 lên 25 điểm trong tháng 8. Đây là những cửa hàng có doanh số bình quân 4 tỉ đồng/tháng. Tại 6/25 siêu thị này, nhà thuốc An Khang được sắp xếp ở ngay bên cạnh để tận dụng lưu lượng hơn 1.000 lượt khách mua sắm mỗi ngày.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, TGDĐ đạt doanh thu thuần hợp nhất 72.970 tỉ đồng và lãi ròng 2.679 tỉ đồng. So với cùng kỳ 2019, tập đoàn vẫn tăng trưởng 6% về doanh thu nhưng lợi nhuận giảm 1%. Còn so với kế hoạch năm nay, nhà bán lẻ này hoàn thành 78% chỉ tiêu lợi nhuận sau 2/3 thời gian.
Theo cơ cấu doanh thu, Điện Máy Xanh vẫn là chuỗi đóng góp lớn nhất với tỷ trọng 56%. Dự báo cho quý 3-2020, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết theo chu kỳ kinh doanh thì đây là mùa thấp điểm nhất đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Bên cạnh đó, làn sóng Covid-19 lần thứ 2 cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của người dân. Trong bối cảnh này, Công ty đang có các giải pháp tăng cường sức mua chuỗi Điện Máy Xanh.
Kỳ vọng vào các “hạt nhân” siêu nhỏ
Chưa lâu sau khi khai tử chuỗi cửa hàng điện thoại siêu rẻ, TGDĐ lại tiếp tục thử nghiệm với các mô hình mới. Trong tháng 7 vừa qua, mô hình Điện Máy Xanh siêu nhỏ với diện tích khoảng 120-150m2 được cho ra mắt và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Đây có thể là giải pháp tăng cường sức mua của chuỗi này được lãnh đạo doanh nghiệp nhắc đến ở trên.
Điện Máy Xanh siêu nhỏ chuyên cung cấp khoảng 60% danh mục các sản phẩm điện thoại – điện máy cơ bản hướng đến phục vụ khách hàng ở khu vực nông thôn, đi sâu vào những tuyến huyện – xã chưa có sự xuất hiện cửa các cửa hàng điện máy hiện đại.
Tính đến hiện tại, các cửa hàng siêu nhỏ (super-mini) đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) ghi nhận kết quả bán hàng tương đối. Cụ thể, 17 cửa hàng Điện Máy Xanh siêu nhỏ đầu tiên tại Tiền Giang ghi nhận doanh thu/cửa hàng trung bình hàng tháng đạt khoảng 1,1 tỉ đồng, so với mức 4,1 tỉ đồng của các cửa hàng nhỏ (mini) với diện tích 300-350m2 và mức 8,5 tỉ đồng của các cửa hàng tiêu chuẩn ở diện tích 800-1.200m2 trong cùng tỉnh thành.
Báo cáo của Chứng khoán Bản Việt cho thấy, các cửa hàng Điện Máy Xanh siêu nhỏ đã ghi nhận biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 23% so với mức khoảng 21% của các cửa hàng TGDĐ và Điện Máy Xanh hiện hữu. Biên lợi nhuận gộp tích cực này được củng cố bởi đóng góp doanh thu cao hơn của nhóm hàng gia dụng (20%-25% so với mức khoảng 15% của các mô hình khác của chuỗi điện máy này).
Mặc dù các chỉ số đều rất khả quan, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc (CEO) của TGDĐ cho biết, doanh thu thậm chí còn có thể tăng và chi phí còn có thể cắt giảm hơn nữa để đẩy lợi nhuận tăng lên.
Cụ thể, mặc dù diện tích cửa hàng super-mini bằng một nửa của cửa hàng mini nhưng giá thuê mặt bằng shop siêu nhỏ chỉ bằng 1/4. Chi phí xây dựng có thể tiết kiệm được nhờ tận dụng nhà có sẵn khi thuê, các nhân viên cũng được chuẩn hóa theo mô hình All-in-One (gia tăng năng suất, một nhân viên làm tất cả các tác vụ, sử dụng tối đa tác nghiệp qua smartphone).
Từ tháng 9 trở đi, mô hình cửa hàng điện máy super-mini sẽ được đẩy nhanh tiến độ mở rộng, khai thác nhu cầu thị trường chưa được đáp ứng tại các tuyến huyện, xã, thị trấn vùng sâu vùng xa. Đây là một quân bài quan trọng của tập đoàn này khi kết quả kinh doanh của nhóm sản phẩm điện tử, điện thoại vẫn tăng trưởng âm dù tình hình trong tháng 8 khả quan hơn khi các nhà sản xuất ra mắt sản phẩm mới.