Trước đó, Liên đoàn Cầu lông quốc tế đã trục xuất các vận động viên cố ý thua trong các trận đấu tại Olympic 2012 để có được một vị thế tốt hơn trong vòng đấu sau. Riêng lời tự thú đã sử dụng thuốc kích thích (doping) của vận động viên đua xe đạp lừng danh Lance Armstrong từng bảy lần liên tiếp đoạt chức vô địch Tour de France như một quả bom nổ tung, làm sụp đổ một thần tượng đã nhiều năm liền ngự trị trong lòng người yêu thể thao.
Một hội nghị của Europol về thuốc trong phạm vi EU
Ngày nay, hơn lúc nào hết, loại bỏ tham nhũng và các hình thức tiêu cực khác trong thể thao trở thành một nhiệm vụ nặng nề của nhiều thành phần trong xã hội, từ bộ máy quản lý thể thao đến các liên đoàn, nhà tổ chức sự kiện, câu lạc bộ và các đội thể thao. Các tổ chức quan trọng như Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn sự nhũng lạm tiền bạc trong thể thao, Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) tiến những bước dài trong việc đối phó với nạn sử dụng thuốc kích thích, tăng lực bất hợp pháp. Thế nhưng, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn, và gần đây, người ta đề cập nhiều đến khái niệm “đạo đức theo hướng thị trường” (market-driven morality) như một lối thoát cho vấn đề điều hành thể thao trên thế giới. Theo khái niệm này, các nhà tài trợ và các đối tác thương mại khác khi không thỏa mãn với những kết quả hoạt động của các nhà quản lý thể thao, có thể sử dụng quyền lực tài chính và ảnh hưởng về thể thao để tạo ra những chuyển biến nhanh hơn.
Tham nhũng trong thể thao có thể có những tác động nghiêm trọng lên các công ty và thương hiệu của họ, dẫn đến nguy cơ người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm do họ làm ra. Chính vì thế, trong thời gian qua, nhiều chuyển biến được ghi nhận trong mối quan hệ giữa các nhà tài trợ và thể thao. Trước tiên là việc Ngân hàng ING (Hà Lan) chấm dứt việc tài trợ toán vận động viên đua xe Thể thức I của hãng Renault sau khi xác định có sự dàn xếp tại giải đua xe Singapore Grand Prix. Nhà sản xuất quần áo thể thao Skins tiến hành một chiến dịch đối phó với hiện tượng doping trong thể thao có thể làm tổn hại cho thương hiệu của họ. Hãng hàng không Emirates Airlines buộc Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cung cấp bằng chứng đã trừ tận gốc nạn tham nhũng trước khi quyết định tài trợ cho World Cup 2014.
Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, tác nhân gây ra nhiều vấn đề phức tạp lại chính là các nhà tài trợ. Những khoản tiền khổng lồ do họ bỏ ra khiến cho các nhà quản lý thể thao và vận động viên luôn đặt mình trong tư thế phải chiến thắng bằng mọi giá để làm rạng rỡ thương hiệu của nhà tài trợ. Doping, dàn xếp tỷ số, hối lộ để kết quả trận đấu diễn ra đúng như sắp xếp là những mặt tiêu cực mà đôi khi người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của nhà tài trợ. Ngày nay, không ít nhà tài trợ luôn đi sâu vào nội tình đơn vị thể thao để kiểm soát và lái tập thể vận động viên suy nghĩ, hành động theo đúng các tiêu chí do họ đặt ra. Nguy cơ để vuột một nguồn tài trợ quan trọng sẽ buộc các đơn vị thể thao lái hoạt động của mình theo cách do nhà tài trợ định đoạt. Mối quan hệ chồng chéo giữa tài trợ và thể thao có thể khiến mọi việc hoặc diễn tiến theo một chiều hướng tốt đẹp hoặc đẩy cả hai lún sâu vào những việc làm tiêu cực, phi thể thao và có hại cho quyền lợi chung của cả cộng đồng.
Lê Cẩn tổng hợp