Xu hướng sáp nhập các ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra do NHNN sẽ ngày càng nâng cao chuẩn mực hoạt động (như tiêu chuẩn Basel II), các tỷ lệ thanh khoản và bảo đảm an toàn vốn.
Phân hóa tỷ lệ chia cổ tức
Trong mùa họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, có khá nhiều NHTMCP công bố tỷ lệ chi trả cổ tức cao. Điển hình như HD Bank dự kiến chia cổ tức ở mức 35%, gồm 15% tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu thưởng. Một ngân hàng cổ phần khác cũng chi mức cổ tức “khủng” tại ĐHCĐ thường niên 2018 là VIB khi các cổ đông đã thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng lên tới 36%. Cụ thể, VIB sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt 5% và cổ phiếu thưởng 31%. VP Bank cũng là cái tên rất đáng chú ý khi công bố tổng cộng mức cổ tức các cổ đông nhận được sẽ là 31,25%.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, cũng có một số ngân hàng vì các lý do khác nhau cũng quyết định không chia cổ tức. Techcombank là một trong những NHTMCP đạt mức lợi nhuận trước thuế cao nhất trong hệ thống năm vừa qua với hơn 8.000 tỉ đồng nhưng cũng quyết định không chia cổ tức mà để dành số tiền này để tăng vốn chủ sở hữu. Đây là năm thứ 8 ngân hàng này không thực hiện trả cổ tức cho cổ đông. Năm 2017, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỉ đồng, cổ đông kỳ vọng sẽ có cổ tức nhưng ngân hàng này cho biết do phải xử lý hết các khoản lỗ lũy kế từ các năm trước, lợi nhuận không còn nhiều nên không chia cổ tức. Trong khi đó, Sacombank cho biết ngân hàng cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập nên dự kiến trong năm 2018, cổ đông cũng không kỳ vọng có cổ tức.
Trong khi đó, khối NHTM Nhà nước đang chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối như Vietcombank, BIDV, VietinBank, việc chi trả cổ tức năm nay vẫn đang để ngỏ hoặc chỉ ở mức khiêm tốn (quanh 10%). Vì đặc điểm mô hình Nhà nước còn chi phối tỷ lệ sở hữu, cổ tức liên quan đến ngân sách, nên việc chi trả bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu khó tự quyết.
Hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động
Xu hướng sáp nhập các ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra do NHNN sẽ ngày càng nâng cao chuẩn mực hoạt động (như tiêu chuẩn Basel II), các tỷ lệ thanh khoản và bảo đảm an toàn vốn. Do đó, các ngân hàng nhỏ hoặc hoạt động kém hiệu quả sẽ cần phải sáp nhập với các ngân hàng lớn để có thể tồn tại được. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của NHNN trong việc giảm số lượng các ngân hàng nội và tăng quy mô sức mạnh của các ngân hàng nội để có thể cạnh tranh được trong khu vực.
Trong cuộc họp đại hội cổ đông vừa qua, cổ đông HDBank và PGBank đã đồng ý sáp nhập với nhau. Theo đề án, việc sáp nhập sẽ được hai ngân hàng triển khai trong tháng 4, tháng 7 sẽ tiến hành hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 1:0,621 và tháng 8-2018 sẽ hoàn tất việc sáp nhập. Một ngân hàng khác là Lienvietpostbank cũng cho biết ngoài việc tăng vốn, ngân hàng đang nghiên cứu phương án kết hợp với tái cơ cấu cổ đông, trong đó có đối tác nước ngoài, nghiên cứu M&A, tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo phê duyệt của NHNN.
Không chỉ dừng lại ở việc nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ, các ngân hàng lớn cũng có kế hoạch đón nhận, thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài để sớm hoàn thành lộ trình tăng vốn. BIDV hiện đang có kế hoạch bán 15% cổ phần cho Ngân hàng KEB Hana, Hàn Quốc. Trong khi đó, phương án bán 10% vốn cho đối tác ngoại của VCB cũng đã được Chính phủ đồng ý. Techcombank cũng đang đàm phán với Quỹ GIC của Singapore và Dragon Capital để bán cổ phần cho đợt IPO sắp tới.