Theo các chuyên gia quản trị nguồn lực, 90 ngày đầu tiên là một giai đoạn rất quan trọng đối với các nhân viên mới được tuyển dụng.
Nếu biết cách định hướng cho họ và có sự theo dõi, hỗ trợ kịp thời, sếp trực tiếp có thể giúp họ gặt hái nhiều thành công trong 90 ngày đó và gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp. Dưới đây là những điều mà các sếp trực tiếp nên làm.
Trước khi nhân viên mới bắt đầu ngày làm việc đầu tiên
Nhiệt tình chào đón nhân viên mới trong những ngày đầu gia nhập công ty là điều rất cần thiết. Trước khi các nhân viên mới nhận việc, sếp quản lý trực tiếp nên thông báo về sự kiện này và giới thiệu họ với các phòng ban liên quan.
- Xem thêm: Sếp cần nói gì với nhân viên mới?
Sếp trực tiếp cũng nên định hướng và cung cấp các giấy tờ cần thiết cho nhân viên mới. Khu vực làm việc của nhân viên mới phải được trang bị sẵn sàng những phương tiện làm việc như điện thoại, máy tính và mật mã để truy cập các hệ thống cần thiết. Nếu được chuẩn bị chu đáo trước khi nhận việc, nhân viên mới sẽ đỡ bị bỡ ngỡ và nhiệt tình hơn trong công việc.
Trong ngày làm việc đầu tiên
Dẫn nhân viên mới đi qua một số phòng ban có quan hệ mật thiết để giới thiệu người ấy. Sau đó, sếp hướng dẫn nhân viên mới vào công việc được giao, theo dõi cách thao tác của nhân viên mới để biết được người ấy có cần được hướng dẫn kỹ càng không.
Vào cuối ngày, sếp nên ngồi lại với nhân viên mới để tìm hiểu xem liệu ngày đầu làm việc đã trôi qua tốt đẹp hay không. Hành động đơn giản này cho thấy sếp thật sự quan tâm đến nhân viên và muốn lắng nghe ý kiến của họ. Nếu doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thì có thể trao cho nhân viên mới một vài sản phẩm mẫu để dùng thử. Mục đích là giúp nhân viên mới có một số thông tin để chia sẻ với những người thân khi trở về nhà sau ngày làm việc đầu tiên.
Đặt ra mục tiêu
Ngay từ những ngày đầu, sếp cần phải đặt ra các mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn cho các nhân viên mới. Nên giao cho nhân viên mới một dự án nhỏ để họ có thể tham gia ngay vào công việc và cảm nhận được sự đóng góp của mình. Đồng thời, sếp cũng nên trao đổi về những kế hoạch lớn hơn để thu hút sự quan tâm của các nhân viên mới đối với định hướng của doanh nghiệp.
- Xem thêm: Tìm ứng viên có niềm đam mê công việc
Đánh giá tuần làm việc đầu tiên
Sếp cần nắm rõ nhân viên mới có cảm thấy thoải mái với các nhiệm vụ đã được giao hay không, đã làm quen được với các thành viên trong nhóm hay chưa, có dám chủ động trình bày vấn đề khúc mắc không.
Nên tạo điều kiện để nhân viên mới có dịp trò chuyện thân mật với các thành viên trong nhóm ở một nơi ngoài văn phòng (chẳng hạn mời đi uống nước hoặc dùng bữa trưa) vào cuối tuần. Trong những buổi trò chuyện này, nhân viên mới sẽ có dịp để trao đổi thêm về những điều mà họ chưa rõ.
Sau 15 ngày
Đến lúc này, sếp cần phải kiểm tra lại tiến triển công việc của nhân viên mới so với ngày đầu tiên. Đây là dịp để sếp giúp nhân viên nhận diện khó khăn, thách thức trong công việc của họ.
Có thể lập ra bảng câu hỏi với thang điểm từ 1 đến 5 để nhân viên trả lời. Các vấn đề nên được đề cập gồm xác lập mục tiêu, khả năng hòa nhập, mối quan hệ với đồng nghiệp trong và ngoài nhóm, nền văn hóa và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp…
Sau 30 ngày
Mục tiêu quan trọng nhất phải đạt được sau 30 ngày đầu tiên là giúp nhân viên mới làm quen và hội nhập được với công ty. Không nên kỳ vọng họ phải đạt được thành tích lớn trong giai đoạn này. Điều cần làm là tạo cho họ cảm giác thoải mái và được quan tâm.
- Xem thêm: Khi có thêm nhân viên “mới mà cũ”
Sau 45 ngày
Thông thường phải mất đến 45 ngày thì nhân viên mới thích nghi toàn diện được với môi trường và công việc. Sau quãng thời gian này, sếp nên tìm hiểu xem liệu nhân viên mới đã thật sự thoải mái và tự tin chưa, kết quả thực hiện những dự án ngắn hạn của họ ra sao và nếu mọi việc đều tốt đẹp thì nên giới thiệu cho họ những dự án lớn hơn.
Sau 90 ngày
Đây là lúc mà nhân viên mới phải chứng minh được đầy đủ năng lực của mình bằng các kết quả cụ thể. Nếu không làm được điều đó, có thể nhân viên đã không hiểu hết mọi khía cạnh, các yêu cầu trong công việc của mình và sếp cần phải rà soát lại xem cần vận dụng những cách thức rèn giũa nào để giúp nhân viên tiến bộ nhanh hơn.