Tuần rồi, một nam sinh lớp 12 người Mỹ gốc Mễ trong trường trung học nơi tôi làm việc tự tử. Buổi chiều, em vẫn còn làm việc chung nhóm với sự hướng dẫn của giáo viên cho một đề án. Em vẫn nói chuyện cười đùa với các bạn. Buổi tối, em treo cổ chết. Không ai ngờ được một người trẻ tuổi vui vẻ với một tương lai tươi sáng như em lại chọn cách chia tay cuộc sống như thế.
Em đang học chương trình Program of Additional Curricular Experiences (PACE) dành riêng cho khoảng 15% học sinh ưu tú trong trường.
Thay vì ra về lúc 2 giờ 45 chiều, các em trong chương trình PACE thường về nhà lúc 5-6 giờ tối sau khi tập luyện thể thao.
Nếu có lịch thi đấu, các em về đến nhà 7-8 giờ tối. Sau khi cơm nước, các em lao vào chồng bài tập cao ngất đến nửa đêm.
Trong năm năm làm việc tại trường, tôi thấy số học sinh bị căng thẳng, lo âu và trầm cảm (stress, anxiety, depression – SAD) gia tăng trong các chương trình dành cho học sinh ưu tú.
Có khoảng 10% – 15% học sinh 13-18 tuổi tại Hoa Kỳ bị trầm cảm. Riêng về tỷ lệ tự tử có liên hệ tới trầm cảm thì các số liệu năm 2009 cho thấy 60% trẻ vị thành niên tự tử vì trầm cảm, 40% – 80% được chẩn đoán bị trầm cảm khi có ý định tự tử.
Thế nhưng nhìn những con số tại Việt Nam mới thật đáng sợ. Theo một nghiên cứu đăng trên tờ BMC Public Health năm 2013 thì trong 1.260 học sinh trung học phổ thông tại Cần Thơ, tỷ lệ bị trầm cảm là 41,1%.
Cũng trong nhóm này, tỷ lệ trẻ có ý tưởng tự tử là 26,3%, có kế hoạch tự tử là 12,9%, và đã từng tự tử là 3,8%. Trầm cảm là vấn đề khá trầm trọng ở Việt Nam hiện nay, nhưng nguồn nhân lực trong nước có đủ khả năng giải quyết vấn đề này còn rất giới hạn, từ chẩn đoán đến can thiệp hay điều trị.
- Xem thêm: Thế hệ thủy tinh
Nhiều người ở Việt Nam vẫn nghĩ rằng trầm cảm chỉ là xuống tinh thần, là yếu đuối không chống đỡ nổi với những khó khăn của đời sống.
Nhưng giáo sư Ralph Cash của Hội Tâm lý Học đường tại Hoa Kỳ đã viết: “Chứng rối loạn trầm cảm là một dạng của bệnh tâm thần ảnh hưởng toàn thể con người. Nó thay đổi cách cảm xúc, suy nghĩ và hành động; nó không phải là nhược điểm cá nhân hay lỗi về nhân cách. Trẻ em và thiếu niên khi bị trầm cảm không thể tự thoát ra khỏi chứng này. Nếu không chữa trị, trầm cảm có thể dẫn tới việc học hành sút kém, rối loạn hành vi và phạm pháp, nhịn ăn hay ăn nhồi, sợ hãi trường học, những cơn khủng hoảng, sử dụng ma túy và kể cả tự tử”.
Thế nhưng không phải em nào mắc chứng trầm cảm cũng hiểu được ý nghĩa của việc chữa trị. Đa số học sinh không muốn bị gọi tham vấn trong giờ học vì sợ mất giờ trong lớp, hay thậm chí sau giờ học vì sợ mất buổi tập thể thao.
Khi vào tham vấn, đa số đều có cặp mắt vô hồn, không còn tinh nhanh. Chỉ cần ngồi yên một chút, các em đã ngủ gục vì thiếu ngủ thường xuyên.
Khi hỏi về mục đích tương lai, các em đều mong được vào các trường danh tiếng. Khi hỏi thêm, đa số đều không thể nói rõ mục đích đời mình.
Đa số đều dằn vặt với chính mình. Một số lớn lại bắt đầu mỗi câu bằng điệp khúc: mẹ em muốn, ba em muốn, thầy cô em muốn…
Các em đều biết mình bị căng thẳng, lo âu và/hay trầm cảm nhưng đa số chỉ muốn chấm dứt ngay những trạng thái cảm xúc “bất ưng” và “cản trở” chuyện học của mình. Nhiều em sau vài buổi đầu thấy có hiệu quả là bỏ dở.
Các em chỉ muốn bỏ đi cảm xúc bất ưng như bỏ một chiếc áo, một chiếc xe, hay kể cả một người bạn. Các em xem toàn bộ thân tâm mình như là những mảnh vụn nối lại với nhau để các em có thể dễ dàng tháo bỏ những mảnh không ưng ý.
Giải phẫu thẩm mỹ còn sửa đổi được những phần không ưng ý thì huống gì một cảm xúc, phải không? Vai trò của điều trị tâm lý với các em chỉ có vậy.
Các em không hiểu được toàn bộ cuộc sống của mình, suy nghĩ, giá trị, mục tiêu, v.v… vốn là một thể thống nhất và nay đã sai hướng, đã lệch trục – như nghĩa đen chữ Dukkha (Khổ), một trục xe đã lệch lỗ khiến cho chiếc xe bị dằn xóc.
Các em chỉ muốn một bài tập hay một viên thuốc có thể chấm dứt cảm xúc đó để lại tiếp tục lao vào học… để thành công.
Thành công theo định nghĩa của cha mẹ, của thầy cô, của bạn bè và của xã hội. Bố muốn, mẹ muốn, thầy cô muốn. Nhưng không phải các em muốn, không phải thành công của các em.
Trong khi các ông bố bà mẹ hớn hở khoe con học trường chuyên lớp giỏi mỗi khi gặp mặt bạn bè trong các buổi hội hè thì các em vẫn chưa tìm được định nghĩa hạnh phúc của riêng mình.
Là phụ huynh, nhiều khi các bạn nghĩ rằng con mình không thể nào bị trầm cảm. Trông nó thành công trong học tập thế kia, bạn bè lúc nào cũng có cười đùa với nhau, nó còn định năm sau đi du lịch nữa kia…
Xin các bạn dành một ít thời gian quan tâm tới tinh thần của con em thân yêu của mình. Những tiện nghi vật chất dù có giá trị, cũng không bằng một ánh mắt, nụ cười và bờ vai của những người thương yêu.
Hãy giúp các em tự tìm định nghĩa cho hạnh phúc và lý tưởng của riêng mình. Vì không ai có thể bình an với một thành công không có bóng dáng của hạnh phúc.