Với hàng chục triển lãm cá nhân được tổ chức trong những năm 2013-2017 tại Pháp, Hongkong, Indonesia, Singapore và Liban, họa sĩ Pháp gốc Việt Hom Nguyễn cho thấy những thành công ngoạn mục trong sự nghiệp nghệ thuật của anh, dù chỉ mới bắt đầu từ gần mười năm trước.
Tự học vẽ nhưng Hom Nguyễn đã có tác phẩm được triển lãm tại những thánh đường nghệ thuật ở thủ đô nước Pháp như Grand Palais và Palais de Tokyo. Tại Hội chợ Nghệ thuật Paris 2016 (từ 31-3 đến 3-4), gian hàng của gallery A2Z trưng bày tác phẩm của Hom Nguyễn đã được Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là François Hollande đến xem và đánh giá cao. Triển lãm cá nhân mới nhất của Hom Nguyễn được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Tarbes (thủ phủ của tỉnh Hautes-Pyrénées) từ 3-7 đến 2-9-2017.
Vì sao một người tự học hội họa lại đạt được những thành công vang dội như vậy? Theo tạp chí mỹ thuật Art Republik, đó là bởi Hom Nguyễn đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ ở phong cách tạo hình riêng biệt, tập trung vào con người: mối quan tâm không ngưng nghỉ đối với việc nắm bắt các cảm xúc của con người ở tất cả các chiều kích, mọi hình thái khác nhau trên dải quang phổ cảm xúc của con người – từ niềm hạnh phúc, hân hoan, sướng vui tới nỗi tuyệt vọng, đớn đau, thống khổ – đều được Hom Nguyễn ôm trọn trong tác phẩm. Họa sĩ đã “tóm” được cốt tủy của từng ánh mắt để đưa vào tranh, từ cái nhìn đau đáu, thê thiết trong “nỗi đau tình cờ” đến cái nhìn biểu lộ niềm vui trọn vẹn, ngất ngây. Với những đường nét ào ạt như không có điểm dừng và những nhát cọ vung vẩy, mạnh mẽ, tranh của Hom Nguyễn như là sự hiện thân của những gì thô ráp nhất, hối hả nhất trong cách nắm bắt cảm xúc của đối tượng được anh thể hiện.
Tác phẩm của Hom Nguyễn còn cho thấy anh không quá chú ý đến cái đẹp tao nhã, thay vào đó là kiếm tìm sự chân thật: anh muốn bộc lộ hết mức có thể sự trung thực thay vì là các hình thức mỹ miều, bóng bẩy theo kiểu hội họa cổ điển. Có người so sánh nghệ thuật của anh với các bậc thầy như Andy Warhol hay Lucian Freud và cả Jackson Pollock, thế nhưng hội họa của Hom Nguyễn dường như là phản đề của những hình ảnh trực diện, rõ ràng về chính anh.
Những gì được anh thể hiện trong tác phẩm cho thấy anh không hề muốn đến với pop art của Warhol, cũng không nhằm tạo ấn tượng thị giác với bất kỳ sự phô trương và kích thích nào về hình ảnh và sắc màu. Hội họa của Hom Nguyễn là sự bắt lấy một cách tự nhiên, không phô phang những gì thật bình dị: những khuôn mặt người – trẻ và già, với đầy đủ hỉ-nộ-ái-ố thường tình.
Thậm chí anh mong muốn những người xem tranh mình ngẫm nghĩ gấp bội về những gì bình thường, chính từ đó mà tìm thấy trong tranh anh nhận thức về điều anh quan tâm bậc nhất hiện nay: bối cảnh chính trị – xã hội của sự nhập cư, một thực trạng đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Điều gì đang thể hiện trên những gương mặt đó? Vì sao chúng ta chú ý đến một số này mà không quan tâm đến một số khác? Những gương mặt (được chú ý) đó đang nói điều gì với chúng ta? Đó là những câu hỏi dễ nhận thấy trên khuôn mặt của những người nhập cư ở khắp nơi…
Những tác phẩm mới của Hom Nguyễn tập trung vào trẻ em châu Á nhập cư vào các xứ sở phương Tây. Các em được vẽ không có miệng, như cách bày tỏ của họa sĩ về một chủ đề quan trọng đối với quyền lợi và sự chăm sóc mà lẽ ra chúng phải được hưởng: phải chăng thế giới hiện đại đang tước đoạt tiếng nói của từng đứa trẻ nhập cư? Từ một quan điểm nặng tính triết học hơn, Hom Nguyễn muốn diễn đạt trên khuôn mặt sự biểu hiện của khung cảnh nội tâm, như thể cái miệng, bộ phận để biểu đạt ý muốn, đã bị tách khỏi khuôn mặt.
Những gì người xem có thể thấy là các bộ phận khác của khuôn mặt: đôi tai, đôi mắt, mũi và nhất là cái nhìn chằm chằm vào người xem từ khuôn mặt ấy, như thể đang khiến người xem tự vấn: có phải chúng ta đang thực sự thấy được những gì mà khuôn mặt ấy đang muốn chúng ta nhìn thấy? Có phải chúng ta thực sự “đang nhìn” đứa trẻ như chúng hiện hữu? Bằng tác phẩm của mình, Hom Nguyễn khẳng định vai trò của anh như một nghệ sĩ muốn chứng minh “cửa sổ của linh hồn” qua những đôi mắt của đối tượng được anh vẽ, và anh xác tín đó là những cửa sổ mở ra thế giới cảm xúc nội tâm thực sự của đối tượng.
Có lẽ nỗi ám ảnh đối với các khuôn mặt đó phản ánh kinh nghiệm của anh như một trẻ nhập cư tại Pháp. Anh sinh năm 1972 trong một gia đình người Việt đến định cư tại Pháp từ những năm 1960 và đã trải qua thời niên thiếu hết sức khó nhọc: mẹ tàn tật, cha thì đi khỏi gia đình năm anh mới 14 tuổi, Hom Nguyễn từng phải đi đánh giày để kiếm tiền nuôi cả nhà rồi vào đời với nhiều nghề trước khi đến với hội họa vào năm 2009, sau khi mẹ anh qua đời.
Đến với hội họa theo cách riêng của mình và bằng mọi thứ chất liệu tạo hình, Hom Nguyễn cho thấy mỗi bức tranh của anh là một cuộc cận chiến để từ đó nổi lên một ước muốn duy nhất: phát hiện chiều sâu của tâm hồn con người bằng đường nét và màu sắc. Anh đã thành công bởi tác phẩm của anh thôi thúc tất cả chúng ta phải suy nghĩ, phải tự vấn trước những gì chúng ta bộc lộ bản thân mình, những gì chúng ta cố che giấu và những gì cho thấy con người thực của chúng ta.
Đại diện độc quyền của Hom Nguyễn từ nhiều năm nay là gallery A2Z, phòng tranh đương đại đầu tiên của người Hoa tọa lạc tại khu Saint Germain des Prés, trung tâm nghệ thuật nổi tiếng của Paris. Ngoài các triển lãm cá nhân và nhóm được A2Z tổ chức tại các Hội chợ nghệ thuật ở Paris, Hongkong, Singapore…, đã có các cuộc trưng bày tranh có chủ đề của Hom Nguyễn gây được sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông và các nhà phê bình, đơn cử như các triển lãm cá nhân với chủ đề “Khóc thầm” và “Không cột mốc” trong năm 2016 tại Paris, Hongkong, Bali (Indonesia).
Ngày 15-6-2016, tại Không gian nghệ thuật đương đại YOYO của Cung điện Palais de Tokyo, Hom Nguyễn đã giới thiệu một triển lãm đặc sắc với tên gọi “Trong mắt nhìn của một kẻ di dân” với sự bảo trợ của ngôi sao điện ảnh Isabelle Adjani, vốn cũng là một di dân thế hệ thứ hai (cha là một người Algeria nhập cư, mẹ gốc Đức đến từ vùng Bavaria). Qua triển lãm này, họa sĩ thể hiện một hành trình nghệ thuật với những vấn đề về bản sắc văn hóa và sự hội nhập của di dân vào đời sống một quốc gia phương Tây. Tranh của Hom Nguyễn từng được đấu giá tại nhà đấu giá nổi tiếng Hôtel Drouot (Paris), ở quỹ Fondation Pierre Bergé – Yves Saint Laurent. Giá tranh của anh trên mạng Art Price dao động từ mười ngàn đến vài chục ngàn USD.