Cộng hòa Áo là quốc gia áp chót trong chuyến lữ hành tham quan các nước Đông Âu của chúng tôi. Tại nơi ấy, đoàn được lưu trú 2 ngày; trong đó có nửa ngày thăm quê hương nhạc sĩ thiên tài Mozart. Từ thủ đô Budapest của Hungary, đường đến thủ đô Vienne của Áo chạy qua những quảng đường dài trập trùng đồi núi, rừng cây xanh tươi và rạng rỡ dưới ánh nắng đã làm mọi người mê mẩn suốt chặng đường dài.
Xuyên suốt chặng đường từ Budapest đến Vienna, chúng tôi được xem lại phim Nữ hoàng Sissi qua màn hình trên xe, cùng nghe lại giai điệu êm dịu của bản nhạc Dòng sông xanh (Le Beau Danube Bleu); tất cả như để đón chào những người khách phương xa sắp đến một đất nước có một nền nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới.
Ngày đầu tiên đến Áo, cả đoàn được hướng dẫn vào tham quan Cung điện Schonbrunn; di sản văn hóa tuyệt đẹp của nước Áo. Đây được gọi là cung điện mùa hè. Cung điện này có rất nhiều phòng và một vườn hoa rộng lớn với những kiến trúc tuyệt đẹp. Để tham quan ở đây, chúng tôi phải mất hơn một buổi.
Sáng hôm sau, từ thủ đô nước Áo, theo lịch trình đoàn đến thăm các di tích tiêu biểu ở Áo, trong đó một địa danh nổi tiếng mà ai cũng náo nức muốn đến; đó là thành phố Salzburg, quê hương của Mozart (1756-1791), một thiên tài âm nhạc của thế giới. Thành phố này càng nổi tiếng hơn sau khi bộ phim nhạc kịch kinh điển The sound of music được quay tại đây. Người ta còn tìm đến Salzburg vì Josef Mohr, đồng tác giả bài hát Giáng sinh bất hủ Silent night (ra đời năm 1818) cũng là người Salzburg!
Xe chở chúng tôi đỗ tại một con đường vắng gần một quảng trường được mang tên Mozart. Cũng như các thành phố ở Đức, Czech, Hungary mà chúng tôi đã đi qua, đây là một thành phố nằm giữa một vùng thiên nhiên tuyệt đẹp ở phía Tây nước Áo, gần biên giới Đức. Dãy núi có tên rất quen thuộc là núi Alps trùng điệp bao bọc thành phố; một dòng sông uốn lượn ngang qua khu vực, hình ảnh độc đáo của những nhà thờ, tu viện, lâu đài, pháo đài… theo phong cách kiến trúc Baroque cổ kính… tất cả đã tạo nên một không gian đầy màu sắc và rất ấn tượng.
Những con đường dẫn đến khu phố mà nhạc sĩ đã cư trú hơn nửa cuộc đời lúc nào cũng nườm nượp du khách. Đáng chú ý là con đường dẫn đến khu nhà của nhạc sĩ nằm bên dòng sông lững lờ. Trên bãi cỏ xanh hai bên bờ, nhiều cặp tình nhân ngồi sưởi nắng trong không gian rất lãng mạn. Cạnh đó là một cây cầu bắc qua sông với nhiều “ổ khóa tình yêu”, giống như một cây cầu mà chúng tôi đã chứng kiến ở gần nhà thờ Đức Bà của Paris. Hàng trăm ổ khóa được khóa lại bên thành cầu như thể hiện, gởi gắm lòng chung thủy, gắn bó của những người đang yêu nhau. Có thể xem đây như là một thông điệp, một hình ảnh và góc nhìn đáng yêu trước khi du khách bắt đầu bước chân vào thăm ngôi nhà của một thiên tài âm nhạc.
Gần đến khu nhà này, chúng tôi thấy chung quanh có nhiều dịch vụ thương mại, từ người bán hàng rong, cửa hàng lưu niệm, cửa hàng âm nhạc, nhạc cụ, nhà hàng, quán café… tất cả đều được mang thương hiệu Mozart… Khu nhà của nhạc sĩ tọa lạc tại trung tâm Salzburg, trên đường Getreidegasse.
Qua thuyết minh, hướng dẫn viên biết năm 1747, chàng nhạc sĩ thính phòng này đã cùng với vợ là Anna Maria Walburga đến ở tại căn hộ tầng ba ngôi nhà số 9 này. Gia đình ông đã sống ở đây suốt 26 năm. Từ đó đến nay sau hơn 260 năm, căn nhà được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Theo chân các đoàn du lịch phía trước, chúng tôi đi lên cầu thang để đi lên căn nhà của khu nhà liền kế này.
Căn nhà gồm một nhà bếp, một phòng làm việc nhỏ, phòng khách, phòng học và phòng ngủ – nơi 7 đứa trẻ của Mozart lần lượt ra đời, nhưng chỉ có 2 người sống qua tuổi vị thành niên. Ngoài những vật dụng mà cha con Mozart mang đi lưu diễn năm xưa, ở đây đã trưng bày những bản nhạc viết tay, tài liệu âm nhạc, hình ảnh gia đình… của ông. Hiện vật được du khách chú ý nhất là chiếc đàn Violon và Clavier (tiền thân của piano) mà nhạc sĩ đã tập chơi từ lúc mới lên 5 tuổi.
Được biết nơi đây đang lưu giữ hơn 600 tác phẩm âm nhạc của ông; gồm Concerto viết cho dàn nhạc giao hưởng, các bản Sonate, cho tới nhạc thính phòng, ca khúc, sáng tác viết cho Piano… Trong không gian tĩnh lặng, những giai điệu êm dịu của âm nhạc Mozart lan tỏa khắp căn nhà. Bước vào đây, ai cũng có cảm giác như người nhạc sĩ thiên tài đó dù đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng ông vẫn hiện diện đâu đó với nụ cười nhân hậu chào khách tham quan.
Do thời gian được tự ở tại đây khá dài nên sau khi vào tham quan căn nhà của nhạc sĩ, chúng tôi trở ra đi qua chiếc cầu tình yêu để đến chiêm ngưỡng quảng trường thành phố cũng được mang tên ông.
Quảng trường này được trải bằng sỏi đá. Ở giữa là pho tượng của Mozart được nhà điêu khắc người Đức Ludwig Schwanthaler tạo nên. Tượng đài này được khánh thành vào năm 1842, khoảng 50 năm sau khi nhạc sĩ qua đời. Quanh khu vực quảng trường là rất nhiều điều khác có liên quan tới cuộc đời của Mozart. Có ngôi nhà được dựng một tấm bia tưởng niệm người vợ của Mozart là bà Constanze von Nissen. Bà đã mất tại đây chỉ một thời gian ngắn sau khi tượng đài khánh thành. Học viện Âm nhạc Salzburg tọa lạc cách đó không xa. Học viện còn được gọi là Ngôi nhà Antretter, bởi xưa kia đây là nơi ở của gia đình Antretter – những người bạn thân thiết của Mozart.
Từ quảng trường nhìn lên là cái tòa tháp đồng hồ Glockenspiel có từ thế kỷ 17. Được biết hiện nay, chiếc đồng hồ trên lịch sử này vẫn đổ chuông 3 lần mỗi ngày. Sau khi hòa cùng đám đông để chụp ảnh chiếc đồng hồ với cảnh nền là dãy núi M#nchsberg, chúng tôi ghé một tiệm cà phê dọc theo quảng trường để nghỉ chân. Cách đó không xa là ngôi nhà thờ Salzburg, đây cũng là một trong những nhà thờ đẹp nhất châu Âu. Nhà thờ Salzburg nổi tiếng với lịch sử lâu đời và rất nhiều biến cố. Mozart đã được rửa tội ở đây và sau này trở thành người chơi đàn organ của nhà thờ.
Trong lịch sử âm nhạc thế giới, có lẽ Mozart là một nhạc sĩ được khắp nơi ca tụng. Ông sinh năm 1756 trong một gia đình nhạc sĩ có tiếng thời đó ở nước Áo. Lên 4 tuổi, cậu bé Mozart đã sáng tác nhạc, lên 5 đã biểu diễn trước công chúng, lên 6 đã được xuất bản nhạc phẩm đầu tiên và biểu diễn thành thạo các nhạc phẩm viết cho đàn clavơxin (tiền thân của đàn Piano), đàn Violon và Organ… Trong nhiều năm sau đó, ông theo bố đi biểu diễn khắp châu Âu từ Hà Lan, Thụy Sĩ đến Pháp, Anh… Ở đâu, ông cũng làm người ta kinh ngạc. Người ta gọi ông là “thần đồng”, là “thầy phù thủy nhỏ bé”, là “điều kỳ lạ của thế kỷ”. Năm 14 tuổi, Mozart chu du khắp nước Ý, đất nước có nền âm nhạc phát triển nhất châu Âu thời bấy giờ. Tại đây, ông đã biểu diễn các loại đàn, hát ứng tác và chỉ nghe một lần đã ghi lại được những nhạc phẩm dài, phức tạp, viết cho nhiều giọng hát và dàn hợp xướng… Khâm phục trước tài năng của Mozart, người ta đã phong cho ông làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật Bôlônhơ. Đó là điều chưa từng có với một người nhỏ tuổi như Mozart.
Tài năng âm nhạc của Mozart ngày càng nở rộ, phát triển. Các nhạc phẩm của ông liên tiếp được xuất bản, từ giao hưởng (symphonies) đến các hình thức Sonat, Concerto, Opéra (nhạc kịch)… Từ giã cuộc đời ở tuổi 35, nhưng Mozart đã để lại cho nhân loại một gia tài âm nhạc đồ sộ chưa từng có trong lịch sử âm nhạc thế giới: 626 tác phẩm. Trong đó, riêng giao hưởng đã có 41 bản (Beethoven lừng lẫy chỉ có 9 bản), 13 nhạc kịch. Trong gia tài đồ sộ đó có những tác phẩm hay được nhắc tới nhiều nhất là hai vở nhạc kịch Đám cưới Figaro (1786) và Don Giovanni (1787). Hai tác phẩm Cây sáo thần (La Fluâte enchantée) và Khúc tưởng niệm (Requiem) là những kiệt tác vô song…
Ở Việt Nam, nhạc của Mozart luôn được giảng trên các giảng đường âm nhạc. Tác phẩm của ông được sinh viên nhạc viện luyện tập trong nhà trường, biểu diễn mỗi khi có dịp… Trước đây, khi còn sinh thời, nhạc sĩ Tô Hải đã từng nói: Giới âm nhạc Việt Nam đến với nhạc cổ điển đều bắt đầu từ Mozart. Theo ông, Mozart là một con người suốt đời đau khổ nhưng đã cống hiến cho nhân loại những niềm vui bất tận!