Với độ bền, khả năng chống đỡ và tính thẩm mỹ cao, cây tre được chọn làm nguồn cảm hứng thiết kế cũng như ngôn ngữ trang trí ở nhà hàng fine dining TRE vừa mới khai trương tại khu Thảo Điền, Quận 2, TP HCM.
“Bắt đầu từ trí tưởng tượng, – ông Nguyễn Quốc Long, kiến trúc sư trưởng công trình nói về câu chuyện thiết kế – hình ảnh cây tre khi đặt vào bối cảnh của siêu độ thị Sài Gòn cho một ý niệm khác lạ, lúc này tre trở thành một chủ thể – tế bào sống – khỏe manh. Chủ thể này không bóp nghẹt đô thị bằng vôi vữa bê tông mà trái lại sẽ đổi lấy cho dân cư khoảng trống, trạm nghỉ cân bằng. Người Sài Gòn ngày càng khó có thể tìm thấy sự thoải mái ở ngoài trời. Nhưng như tôi đã đề cập, không gian ngoài trời dưới tán cây là ý tưởng khởi nguồn mãnh liệt trong tôi khi bắt tay xây dựng công trình này. Và tre chính là vật liệu, ngôn ngữ tôi chọn để phục hiện ý tưởng đó. Giờ, khi mọi thứ đã thành hình, người đứng dưới vòm trời tre đan ở nhà hàng Tre này có thể xem như đã tìm thấy được cho mình một khoảng trời riêng thư giãn mộc mạc hiếm hoi giữa lòng đô thị”.
Vật liệu tre được sử dụng chủ yếu cho phần trang trí tường và trần sau những chế tác và xử lý chu đáo. “Trần tre được ngâm bùn để tăng độ cứng và xử lý mối mọt cơ bản, vì trần tre không đan kín, tạo những khoảng thở giữa những thanh tre làm giảm thiểu ẩm thấp, côn trùng. Hơn nữa trần tre được sử dụng tre nguyên khối, không bóc tách là trạng thái bền vững nhất của tre; vừa phục vụ hiệu quả cho thị giác, vừa gia tăng tuổi thọ vật liệu. Khi sử dụng vật liệu tự nhiên, chúng ta luôn đối mặt với việc nó sẽ bị bào mòn theo thời gian. Nhưng vị trí tre đặt thô trên trần nên độ bền được đảm bảo ở mức cao nhất.”
Hàng rào tre xanh đã được trồng từ rất sớm ở phía cổng vào. Từ đây, đi men theo hành lang có vách tường tre được chế tác độc lạ, là đến khu vực bếp mở và không gian chính của nhà hàng. “Tường tre bê tông là một vật liệu thú vị của thiết kế. Vật liệu này là sự sáng tạo kết hợp giữa kiến trúc sư và công trình sư với quản lý thi công. Vật liệu ban đầu chúng tôi muốn sử dụng là bê tông cốp-pha tre. Nhưng do vấn để tải trọng của sàn hiên trang không cho phép, ý tưởng cho vật liệu trải nghiệm mới được hình thành: tre âm bản phủ bê tông. Vật liệu này rất đặc biệt, trên hết là chưa ai dùng qua cách thức phối hợp này; tiếp theo là một cách xử lý chi tiết thi công nhanh và hiệu quả và đồng thời làm vôi hoá bề mặt tre giúp cho vị trí vùng không gian sử dụng luôn sạch sẽ, không bị mối mọt ẩm thấp hay côn trùng.”
Ở nhà hàng này, không có bất kỳ cánh cửa nào phân chia không gian, mà chỉ có các khoảng dừng được sắp đặt có chủ đích bằng ánh sáng phủ mềm trên các vạt tường cong bằng tre-bê tông. Chính điều này, theo chủ đích của nhà thiết kế, ngoài việc tạo ra vẻ đồng nhất không gian từ tầng trệt lên đến tầng lầu, mà còn dẵn dắt “cảm giác tiếp nối” từ vùng “riêng tư” đến vùng “công cộng” một cách tự nhiên và mềm mại.
Khách đến Tre có thể ngồi bên trong nhâm nhi các món ăn mà mình mục kích chi tiết việc chế tác từ khu vực bếp mở; hoặc thả mình bên quầy bar ngoài trời với những ly cocktail được pha chế lấy cảm hứng từ rễ đến lá tre và ngắm khung cảnh xanh mát của vùng Thảo Điền. Quả là một trải nghiệm thư giãn giữa thiên nhiên đầy thi vị giữa một đô thị vốn vẫn được coi là nơi ồn ào và bận rộn.