Gần một tuần đã qua sau thảm họa động đất gây sóng thần tại Indonesia, công tác cứu hộ được tăng cường, đặc biệt tại thành phố Palu, nơi việc tìm kiếm nạn nhân vẫn chưa kết thúc. Theo thống kê ngày 8-10, số người chết đã lên đến 1.944 người, số người mất tích là 5.000 người và gần 200.000 người cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Tại một số khu vực bị nạn, mùi hôi thối bắt đầu nặng hơn do xác người chết phân hủy. Trên bãi biển vẫn còn rất nhiều tử thi bị kẹt dưới những ngôi nhà đổ nát, những xác người được đặt tạm sau các bệnh viện dã chiến.
Trong hoàn cảnh nhiều con đường không đi qua được và các đường dây liên lạc chủ chốt cũng như cơ sở hạ tầng bị phá hủy, thực phẩm, nước, nhiên liệu và thuốc men đang gặp nhiều khó khăn lớn để đến được những khu vực bị thiệt hại nhiều nhất ở ngoại ô của Palu. Những người sống sót sau thảm họa động đất và sóng thần ở Indonesia hiện đang đói khát. Các quan chức lo rằng số người chết còn có thể tăng lên, vì hầu hết những người chết đã được xác nhận là ở Palu, một thành phố nhỏ cách Jakarta 1.500km về phía đông bắc, trong khi ở những vùng sâu vùng xa thiệt hại vẫn chưa thống kê hết do thông tin liên lạc bị cắt đứt, giao thông ách tắc do sạt lở đất.
Theo Reuters, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi trả lời báo giới tại Jakarta, ông cho biết việc giải cứu và sơ tán người khỏi các vùng bị cô lập hiện là ưu tiên số một, song công việc này gặp trở ngại, bởi việc giải cứu người bị kẹt trong các đống đổ nát cần nhiều máy móc hạng nặng, nhưng không thể chuyển đến vùng bị thảm họa do giao thông hết sức khó khăn, cầu đường bị hư hại nặng. Chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp 14 ngày tại vùng gặp nạn và đặc biệt lo ngại cho huyện Donggala, với khoảng 300.000 cư dân, nằm ở phía bắc Palu, gần sát tâm chấn động đất. Đại diện của tổ chức quốc tế Oxfam đã thông báo kế hoạch trợ giúp lương thực, dụng cụ lọc nước sạch, lều bạt… cho 100.000 nạn nhân thảm họa. Các nước Úc, Thái Lan, Trung Quốc cùng Liên hiệp châu Âu đã tuyên bố đóng góp cứu trợ.
Vào lúc công tác cứu trợ đang được tiến hành thì ngày 3-10 một ngọn núi lửa đã phun trào ngay trên đảo Sulawesi, nơi đã xảy ra động đất và sóng thần, phóng tro bụi lên cao hơn 5.900m. Chính phủ Indonesia đã đưa ra cảnh báo về dung nham và các đám tro bụi có thể ảnh hưởng đến các chuyến bay đến đảo. Những người sống trong bán kính vài cây số quanh núi lửa đã được lệnh phải sơ tán. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu vụ phun trào có phải do trận động đất ngày 28-9 kích thích trực tiếp hay không. Tuy nhiên, trang tin Tempo (Indonesia) dẫn lời một chuyên gia núi lửa nói rằng có thể có sự liên quan. Indonesia có nhiều núi lửa đang hoạt động.
Trong khi đất nước Indonesia đang khóc thương hàng ngàn người thiệt mạng vì thảm họa kép động đất – sóng thần thì có một người đáng được tôn vinh là anh hùng. Đó là Anthonius Gunawan Agun, nhân viên kiểm soát không lưu đã dũng cảm hy sinh vì nhiệm vụ, bất chấp hiểm nguy. Người thanh niên Indonesia 21 tuổi lúc ấy đang có mặt tại đài kiểm soát không lưu phi trường Mutiara SIS Al-Jufrie ở Palu khi bắt đầu xuất hiện những chấn động đầu tiên. Anh đã không rời vị trí công tác nhằm bảo đảm cho chiếc máy bay cuối cùng của hãng Batik Air cất cánh an toàn vào lúc mặt đất đã rung chuyển mạnh.
Sau khi chiếc máy bay mang số hiệu 6231 cất cánh, chấn động đã trở nên mạnh hơn, đạt mức 7,5 độ Richter khiến tháp không lưu bắt đầu sụp đổ. Anthonius Gunawan Agun đã nhảy từ tầng bốn xuống đất, bị gãy hai chân và nhiều tổn thương khác khiến anh qua đời ngay tại bệnh viện sơ cứu.
Trên mạng Instagram, viên phi công chiếc máy bay đã cất cánh kịp thời, viết những dòng cảm ơn Anthonius Gunawan Agun: “Batik 6231, đường băng 33 đã thông thoáng để cất cánh. Đó chính là mệnh lệnh mà tôi đã nhận được từ anh. Cảm ơn anh đã bảo đảm an toàn cho tôi… Anh là thần hộ mệnh của tôi, cầu mong cho thiên thần của tôi được yên nghỉ…”.
– Tổng hợp