Nông trang hữu cơ của Công ty cổ phần Vinamit (xã Phước Sang, huyện Phú Giáo) bị thanh tra toàn diện không chỉ gieo nỗi bất an cho doanh nghiệp, mà còn là một tín hiệu không lành về môi trường đầu tư của Bình Dương.
Nông nghiệp nội ô
Lâm Viên nông trang non trưa tháng 5. Toàn bộ diện tích hơn 152ha đều đã được lấp đầy, xanh rượi. Phân nửa trồng mít. Kế đến là chuối. Rồi thơm. Đây cũng là ba loại trái cây chủ lực phục vụ cho hoạt động chế biến của Vinamit. Xen canh là liếp đậu, nhà màng, nhà lưới hàng chục loại rau trái canh tác theo phương thức hữu cơ.
Nán lại trại heo rừng hơn ngàn con nằm dưới tán rừng nguyên sinh chừng ba héc ta được bảo tồn nguyên trạng. Hé cửa xe, không nghe mùi. Heo nuôi chủ yếu lấy phân, xử lý bằng vi sinh, làm phân bón. Dưới tán rừng này từng có kho thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn cơn tường tận từ hồi ức của ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit.
Hoàn tất chuyển nhượng khu đất từ Đại học Cần Thơ năm 2002, Vinamit thừa hưởng vườn cây trái sum suê. Sau hai mùa thu bộn, khu vườn đổ bệnh. Càng bỏ phân, trái càng rụng. Cành gãy. Cây đổ. Sâu đục thân càn quét. Hỏi thăm kinh nghiệm quanh vùng, chủ vườn lắc đầu. Miền Đông Nam bộ không hạp cây ăn trái, như một lời nguyền dân gian.
Gõ cửa nhiều viện, trường cũng không tìm được câu trả lời. Kho thuốc bảo vệ thực vật giấu giữa rừng bị phát hiện thành giọt nước tràn ly. Hóa ra bấy lâu nhân viên vẫn lén dùng phân hóa học mà đại lý tuồn vào. Chừng nào cây ghiền mới thu tiền. Sau quyết định thay máu, ông Viên quay lại Đài Loan, nơi từng làm nghiên cứu sinh từ giữa thập niên 1980, cầu viện đồng môn. Công nghệ sấy trái cây Vinamit cũng nhận chuyển giao từ xứ Đài.
Lộ trình nông nghiệp hữu cơ khởi động bằng việc đốn bỏ vườn cây ăn trái. Kết quả phân tích mẫu đất “ngậm” kim loại nặng, cộng thêm dư lượng hóa chất tích dồn theo thời gian. Ngưng canh tác ba năm, dưỡng đất.
- Xem thêm: Tìm đường đi cho nông sản xuất khẩu
Triết lý cân bằng là nền móng của nông nghiệp hữu cơ có kiểm soát, can thiệp chủ động bằng thiên địch. Nam bộ đang mùa mưa, nông trang chuẩn bị giâm vạn thọ, làm nhà cho bọ rùa. Loài côn trùng này khắc tinh rầy, thường rộ lên vào những ngày hửng nắng đầu mùa khô. Đương nhiên, bọ rùa chỉ là một trong vô vàn loài sâu bệnh. Ngoài côn trùng có thể quan sát bằng mắt thường, trên đồng còn nấm, vi khuẩn, virus và tuyến trùng. Đấy là những nhóm gây hại chỉ hiện hình dưới kính hiển vi, đòi hỏi đội ngũ kỹ sư cần mẫn, không ngừng học hỏi.
Nhà vi sinh được thiết kế đồng bộ, vừa nghiên cứu, vừa sản xuất vi sinh khắc chế, duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái. Đầu vào kỹ thuật dựng hàng rào đối với nông nghiệp hữu cơ có kiểm soát. Canh tác truyền thống dừng lại ở nông nghiệp sinh thái. Thiên địch không triệt để, hạn chế năng suất.
Rào cản thứ hai chông gai hơn, xuất phát từ tình trạng bất cân xứng thông tin trên thị trường. Nhà sản xuất tốn kém chi phí để chứng minh sản phẩm của mình được canh tác theo phương thức hữu cơ, khác biệt với phần còn lại. Thị trường “đếm xác” trước khi nông sản được người tiêu dùng nhận dạng. Hô hào người tiêu dùng thông minh là lối ngụy biện cho sự bất lực của cơ quan quản lý nhà nước.
Đường vào siêu thị của Vinamit trầy trật, ông Viên thừa nhận “bán không hết thì cho”, chưa kể phương án dự phòng hy sinh toàn bộ chi phí tiếp thị để kéo dài thời gian chịu đựng. Thành cổ đông của một doanh nghiệp sản xuất hữu cơ tuốt Cà Mau, đối tác tiếp tục đề nghị mua thêm cổ phần từ Lâm Viên nông trang. Tuy nhiên, ông Viên khước từ.
Yêu cầu đưa nhân viên của Vinamit vào siêu thị trực tiếp bán hàng, truyền thông về sự khác biệt không thành. Ông chấp nhận rau củ hữu cơ mang thương hiệu của nhà bán lẻ. Chấp nhận luôn việc thâu lại hàng nếu trong ngày không tiêu thụ hết. Kể cả việc bao đựng rau bị đục lỗ. Dừng lại bên dây chuyền chế biến, ông Viên giải thích sau khi hút chân không, công nhân sẽ bơm một loại khí có tác dụng ru ngủ rau củ, nuôi dưỡng sự tươi mới của nông sản sau thu hoạch cho đến khi vào bếp.
Lần hợp tác đầu tiên không mấy suôn sẻ. Rau củ vận chuyển từ Miệt thứ lên tới Sài Gòn mau héo, không bắt mắt. Tuy nhiên, việc đối tác đẩy mạnh truyền thông về nông phẩm hữu cơ khiến những đối thủ cạnh tranh quan tâm. BigC nhanh chân nhất. Đối tác mới cho phép nhân viên của Vinamit mời khách dùng thử tại quầy hàng trong siêu thị. Những nhà cung cấp khác làm theo. Vô hình trung, người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm, đối chứng. Thị trường đón nhận. Tiếp đến là Aeon, Lotte. Sau bốn năm lên liếp, hằng ngày Phú Giáo cung ứng cho người Sài Gòn 3 tấn rau củ quả. “Làm cho tới, năng suất cao gấp rưỡi phương thức canh tác hóa học”, ông Viên khẳng định.
Cự ly hai giờ xe chạy từ nông trường đến thị trường bảo đảm nông sản còn tươi mới khi đến tay người tiêu dùng, là yếu tố tiên quyết khiến ông Viên lựa chọn Phú Giáo triển khai nông nghiệp nội ô. Khái niệm này không mới, hàm ý mô hình sản xuất hữu cơ phục vụ thị trường đô thị, khá phổ biến ở châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan.
Nghểnh cổ hóng đại bàng nhưng đừng quên GDP ngày càng lệ thuộc vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. ‘Chim lớn’ có về thì cũng đừng kiềm hãm tư bản dân tộc làm ăn đàng hoàng.
Tâm sức và đam mê của doanh nhân vừa tròn hoa giáp giải ảo lời nguyền, truyền cảm hứng cho đội ngũ kỹ sư trẻ. “Em hâm mộ chú từ năm hai (đại học)” – Nguyễn Trần Ngọc Trinh có phần bẽn lẽn khi chia sẻ lý do đầu quân cho Vinamit. Cô gái trẻ quê Chợ Lách hiện làm việc tại Nhà vi sinh, được xem như bộ não của cứ điểm Phú Giáo. Trang thiết bị nhập khẩu từ Đức, được thiết kế liên hoàn từ nghiên cứu cho đến chế phẩm vi sinh đối kháng với công suất 500kg/ngày. Mảnh ghép cuối cùng dự kiến cập cảng trong tháng 6, có khả năng cô đặc 1 gram từ 1 lít chế phẩm sinh học.
“Pha với nước tưới theo tỷ lệ”, ông Viên chia sẻ kế hoạch thương mại hóa vi sinh.
Ngân hàng giống thuần chủng cũng đã có sự chuẩn bị, dành dụm từ nhiều năm trước. Hai đầu vào góp phần giải quyết đáng kể thách thức kỹ thuật đối với những nhà sản xuất hữu cơ. Nông trường cũng sẽ rộng cửa đón khách tham quan, học hỏi, đào tạo về nông nghiệp hữu cơ, hướng tới hình thành cộng đồng nông nghiệp vì sự sống. “Nói suông người ta không tin”, ông Viên lặng lẽ chứng minh hiệu quả bằng mô hình. Man mác cô đơn.
Cuối 2016, Tổ chức chứng nhận toàn cầu (USDA) công nhận và cấp chứng nhận hữu cơ (EU và NOP) cho trang trại. Hơn 150 tỉ đồng rót vào Phú Giáo. Chu kỳ đầu tư vẫn chưa dừng lại. Rau củ tươi mới là vai phụ. Nhóm sản phẩm thiết yếu có thêm cơ hội từ đại dịch. Nhưng theo ông Viên, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ là xu hướng tất yếu, cần thêm 5 – 10 năm để bùng nổ. Hiện tại, trái cây sấy vẫn là kép chính.
Xứ Thủ đoạn tình?
Chiến lược kinh doanh của Vinamit thay đổi từ 2015, tập trung khai thác thị trường nội địa khi mà xuất khẩu trái cây sấy có dấu hiệu giảm tốc. Nội nhu tăng trưởng nhanh hơn, hiện chiếm khoảng 60% trong cơ cấu doanh thu ngành hàng. Quay về nội địa nhưng động lực mạnh nhất đến từ xuất khẩu tại chỗ. Doanh số bình quân mỗi siêu thị tại những điểm đến quen thuộc của khách du lịch quốc tế như Nha Trang, Đà Nẵng dao động trong khoảng 1 – 1,5 tỉ đồng mỗi tháng.
COVID-19 bùng phát. Thị trường khách quốc tế đóng băng. Tính rợ, mỗi tháng doanh nghiệp thất thu hàng chục tỉ đồng. Từ Vũ Hán – Trung Quốc, tâm dịch di động đến Hoa Kỳ, cũng là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Vinamit. Doanh nghiệp lao đao.
Hoạt động sản xuất kinh doanh chưa quay lại trạng thái bình thường cũ, nông trang của Vinamit bị Thanh tra tỉnh Bình Dương tiến hành thanh tra. Ban hành quyết định thanh tra thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Bình Dương theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, kiểm tra toàn diện dự án. Cũng chính cơ quan tham mưu này ngày 8.1.2020 ban hành Kết luận kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty cổ phần Vinamit, không ghi nhận doanh nghiệp sản xuất trái mục đích khi được UBND tỉnh giao đất.
Về phần mình, ông Viên cảm thấy “trạng thái không bình thường” khi Thanh tra tỉnh yêu cầu giải trình. Vội vàng đăng ký làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh, ông được Chánh thanh tra tiếp. Dư luận đã đặt câu hỏi về khả năng nông trang bị thu hồi để làm dự án bất động sản, nhất là sau khi một số bài báo bày tỏ thái độ hoài nghi, truy vấn lãnh đạo Sở về nhận định diện tích Công ty đang quản lý, sử dụng chủ yếu sản xuất nông nghiệp: trồng mít, chuối, rau… hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa có đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Theo đó, Sở kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương xem xét, chỉ đạo giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra toàn diện đối với dự án.
Vinamit có thực hiện nghĩa vụ ngân sách. Giai đoạn 2017-2019, doanh nghiệp đóng thuế năm sau cao hơn năm trước, lần lượt là 28 tỉ đồng, 30 tỉ đồng và 34 tỉ đồng. Lâm Viên nông trang là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng. “Không thể tin nổi”, ông Viên bồi hồi nhớ lại thế hệ lãnh đạo đất Thủ trải thảm đỏ đón bước nhà đầu tư.
Trong số những vùng nguyên liệu mà Vinamit đang xây dựng, rõ ràng Lâm Viên nông trang có điều kiện tự nhiên bất lợi nhất. Thành công nơi đất khó mở ra triển vọng nhân rộng mô hình. Hằng trăm lao động trực tiếp tại nông trang cũng không tin người mở đường công nghiệp hóa nông nghiệp hữu cơ sẽ biến thành viên gạch lót đường.
Nông nghiệp – nông dân – nông thôn vốn là bệ đỡ của nền kinh tế mỗi khi rơi vào khủng hoảng. Sóng thần COVID-19, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm thu nhập, lao động. Nông thôn dù chịu nhiều tổn thương trong quá trình đô thị hóa – công nghiệp hóa vẫn trở thành chỗ dựa cho nhiều thành phần bị ảnh hưởng. Kể từ khi đất nước mở cửa năm 1986, nông nghiệp là ngành duy nhất liên tục mang lại thặng dư xuất khẩu cho quốc gia.
Từ khía cạnh năng lực cạnh tranh, nông nghiệp có lẽ là lĩnh vực duy nhất Việt Nam còn cơ hội cạnh tranh quốc tế. Vậy nhưng khu vực này bấy lâu chưa được đối xử công bằng. Nghểnh cổ hóng đại bàng nhưng đừng quên GDP ngày càng lệ thuộc vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chim lớn có về thì cũng đừng kiềm hãm tư bản dân tộc làm ăn đàng hoàng.
Thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới, đất Thủ và Đà Nẵng là hai địa phương cùng nổi lên về tự chủ ngân sách. Trong khi tiền sử dụng đất đóng góp tỷ trọng đáng kể vào nguồn thu của thành phố ven biển miền Trung thì chỗ dựa của Bình Dương là thuế thu nhập doanh nghiệp. Đất đai hữu hạn. Phân lô mãi rồi cũng hết là cơ sở cho rằng ngân sách Bình Dương có tính bền vững hơn. Nếu Vinamit buộc phải thiên di dọn đường cho dự án bất động sản thì nhiều doanh nghiệp khác cũng sáng mắt sáng lòng. Bình Dương không còn là vùng an toàn, có dấu hiệu địa phương này giẫm lại vết xe đổ của Đà Nẵng.
Tiền sử dụng đất thu bộn một lần từ bất động sản dễ gây phấn khích cho chính quyền địa phương trong ngắn hạn. Con đường nông nghiệp hữu cơ mà Vinamit đang theo đuổi dài hơn nhiệm kỳ. Đời doanh nhân sóng gió lẽ thường. Năm 2012, ông thắng kiện tại Tòa Thương mại Bắc Kinh, giành lại thương hiệu Đức Thành (tiền thân của Vinamit) sau bốn năm kiên trì theo đuổi. Xứ lạ xấu chơi không vơi nhuệ khí. Xứ mình làm ông mệt mỏi. Lớn hơn nỗi lo từ bỏ cứ điểm Phú Giáo, ông tâm tư: “Tôi sợ mình sẽ nản”.
– Ảnh: Trung Dũng