Từ trung tâm huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), chúng tôi chạy xe máy tà tà trên quốc lộ chừng mười lăm phút thì đến cụm đền chùa Mõ thuộc xã Ngũ Phúc. Cách đền mấy trăm mét, mọi người đã định vị được di tích phía trước nhờ cây gạo cổ thụ cao sừng sững – biểu tượng của đền Mõ, đến gần hơn nữa thấy không gian nhuộm màu đỏ thắm.
Đầu tháng Ba Âm lịch, hoa gạo xoay xoay, bay rải kín vùng rộng cả ngàn mét vuông, hoa có lúc chập chờn trong mờ ảo mưa xuân, có lúc như tấm áo choàng đỏ phủ tràn hết sân vườn, mái đền mái chùa.
Cụm kiến trúc cổ và cả cây gạo này đều có tuổi đời hơn 700 năm! Sử sách ghi rõ năm Quý Mùi (1283), Thiên Thụy công chúa Trần Quỳnh Trân được vua cha Trần Thánh Tông ban cho vùng đất hoang vu để nàng xuất gia quy y cửa Phật, đồng thời quy tụ dân nghèo khai hoang, lập chợ, góp phần mở mang đất Hải Phòng. Lúc này Trần Quỳnh Trân ngoài 30 tuổi, trái tim nàng đang tan nát vì chuyện tình với võ tướng Trần Khánh Dư sau bao sóng gió vẫn không được triều đình chấp nhận. Ở tuổi đôi tám, nàng công chúa xinh đẹp được cả Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn (con trai Hưng Đạo Vương) và Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư si mê. Dù Thiên Thụy yêu Trần Khánh Dư nhưng Trần Thánh Tông quyết định gả nàng cho Trần Quốc Nghiễn vì đức vua không thể làm mất lòng trụ cột triều đình Trần Hưng Đạo.
Khi đã có chồng, công chúa và Trần Khánh Dư vẫn liều lĩnh hẹn hò. Chuyện vỡ lở, công chúa bị trả về cung cấm, Trần Khánh Dư bị đánh 100 roi, tịch biên gia sản, phế mọi chức tước và phải trở về quê cha. Mấy năm sau, giặc Nguyên kéo đến, Trần Khánh Dư được triều đình cho lập công chuộc tội. Võ tướng lập công lớn, lấy lại gia sản chức tước và tất nhiên là muốn giành lại công chúa lúc này đang ở một mình. Tiếc rằng chuyện tình say đắm đó cuối cùng vẫn không được hoàng gia chấp nhận. Buồn bã đau khổ, công chúa đi du ngoạn cho khuây khỏa. Khi đến Ngũ Phúc, Trần Quỳnh Trân quyết định xuất gia và dành quãng đời còn lại cho dân nghèo.
Giữa vùng đất hoang vu toàn lau sậy, công chúa cho dựng chùa, tạc tượng đúc chuông, thành lập một trung tâm Phật giáo song song với việc tập hợp dân lưu lạc khai khẩn đất hoang, ổn định cuộc sống, bảo vệ vùng duyên hải. Từ đấy dân chúng ngày càng đầy đủ, giàu có. Sách Nghi Dương thần tích xã chép rằng Thiên Thụy như vị thủ lĩnh tinh thần, lại rất giỏi về cai quản xã hội, điều hành công việc, đã đặt hiệu lệnh bằng tiếng mõ để người dân tiện làm ăn, sinh hoạt, nghỉ ngơi, nên dân chúng tôn bà là “Bà chúa Mõ”. Cái tên chùa Mõ và đền Mõ có lẽ bắt đầu từ đó.
Đền Mõ nằm trong khuôn viên có diện tích 12.724m2, bên cạnh đền là một chùa cổ, (gọi là chùa Mõ) có cây gạo cổ thụ trên 700 năm, cành lá sum suê tỏa bóng. Từ quốc lộ đi vào là con đường nhỏ chạy dài xuyên qua tam quan.
Các tòa nhà kề sát nhau tạo cho đền mang dáng vẻ thâm nghiêm và trang trọng. Ba gian trung tâm tòa tiền đường lắp hệ thống cửa gỗ lim kiểu “cửa tùng cung khách” chắc chắn và đẹp. Tượng Quỳnh Trân công chúa được đặt trong khảm ở gian hậu cung, nơi trang nghiêm của ngôi đền. Đến nay, đền chùa Mõ vẫn được gìn giữ như thủa ban đầu bằng lòng thành kính của người dân nơi đây. Hằng năm lễ hội đền chùa Mõ vẫn được tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng (lễ Kỳ Phúc) và thường được kéo dài ba ngày với nhiều trò chơi dân gian náo nhiệt.
Trước cửa đền Mõ có cây gạo cổ thụ mà theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, do chính tay “Bà chúa Mõ” trồng năm 1284, một năm sau ngày bà dựng chùa. Hơn 700 năm trôi qua, cây gạo vẫn hiên ngang đứng đó với chiều cao hơn 30 mét, đường kính gốc trên 2 mét. Còn một điều kỳ lạ là hàng trăm năm qua, cây gạo liên tục phát triển, cành lá sum suê tỏa ra tứ phía, nhưng tuyệt không có một cành nào phạm phải một viên ngói nơi đền Mõ gần đó. Nếu có cành nào đó “nghịch ngợm” mọc tràn ra phía trên mái đền, tự nhiên cành sẽ bị khô héo, mục nát. Năm 2012, cây gạo này được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận là cây gạo nhiều năm tuổi nhất nước ta.
Bao nhiêu triều đại rực rỡ rồi suy tàn, cây gạo vẫn đều đặn ra hoa mỗi độ mưa xuân xứ Bắc giăng mịt mờ trời đất. Màu hoa rực đỏ nhắc mãi chuyện tình không thể nguôi của nàng công chúa!