Tháng Mười, các cung đường Tây Bắc vắng lặng bỗng náo nhiệt hơn bởi những nhóm du lịch khám phá. Có nhóm chỉ vài chiếc xe máy, có nhóm cả chục chiếc rầm rộ. Thi thoảng lại thêm vài chiếc xe địa hình hầm hố dính đầy bụi đường. Hầu như trên cổ du khách nào cũng lủng lẳng chiếc máy ảnh. Tây Bắc mùa này đẹp ngất ngây, nhiệt độ chỉ 15-17 độ C cùng cái nắng thu trong nhẹ làm bước chân du ngoạn càng thêm hào hứng. Đầu tháng Mười, “đặc sản” nơi đây là ruộng lúa bậc thang chín vàng gặt muộn và những đồng hoa tam giác mạch trắng muốt nở sớm.
Nao nức mùa lúa chín
Tây Bắc tháng Mười nhiều bản làng còn chìm trong những biển lúa vàng óng rập rờn trên lưng núi. Lúa ở miền này mỗi năm chỉ có một vụ. Mùa lúa chín là thời kỳ rực rỡ nhất của vùng cao. Giữa thu, rong ruổi trên đường, sung sướng nhất là khi được “Ồ!” lên: Ở đâu đó, sau một khúc quanh của núi là đồng lúa mênh mang, là hương lúa phảng phất mà da diết…
Lúa ở Mù Căng Chải
Người dân tộc trong y phục rực rỡ đi gặt, mặt mũi ai nấy đỏ au, nụ cười rạng rỡ dường như chẳng bao giờ tắt. Phía trước mặt khách lữ hành, những con đường đất uốn mình vắt ngang cánh đồng lại càng giục giã bước chân khám phá. Những cung đường săn lúa mấy trăm cây số qua bao đèo cao vực sâu, nhiều đoạn qua chốn thâm sơn cùng cốc, heo hút chênh vênh đi hằng giờ chẳng gặp một bóng người. Chẳng may xe hư chỉ có nước tự lấy đồ nghề ra sửa. Mạo hiểm thế nhưng đi Tây Bắc phải đi bằng xe gắn máy mới thú vị: Lần theo con đường quanh co, khúc khuỷu, du khách sẽ thưởng lãm được toàn bộ không gian núi non hùng vĩ và hít thở làn không khí trong lành ở độ cao trên 1.000 mét.
Đồng lúa buổi sáng sớm
Từ Hà Nội, theo quốc lộ 32 đến Yên Bái sẽ đi qua rất nhiều địa điểm có những ruộng lúa bậc thang đẹp như Tú Lệ, Cao Phạ, Khau Phạ, La Pán Tần, Dế Xu Phình, Chế Cù Nha, Hồ Bốn. Còn muốn ngắm lúa Lào Cai thì theo cung đường Sa Pa – Mường Hum – Ý Tý – Alù – Amúsung. Nếu ngày khởi hành lỡ có muộn màng, trì hoãn, điểm đến lý tưởng nhất sẽ là Hoàng Su Phì ở Hà Giang, nơi gieo, gặt lúa vụ đông muộn nhất ở phía Bắc. Cung đường Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang tuyệt đẹp mà vô cùng hiểm trở là giấc mơ chinh phục của rất nhiều tay lái trong cả nước. Ngoài ra những vùng ruộng bậc thang đẹp nổi tiếng còn có Than Uyên, Sìn Hồ ở Lai Châu, Bắc Sơn ở Lạng Sơn…
Lúa chín
Mù Căng Chải là một huyện thuộc tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội khoảng 300km. Chiếm 90% dân số ở đây là người Mông. Chúng tôi đã hì hụi leo đồi để ngắm ruộng, cùng người Mông gặt, tuốt lúa mùa mới. Đi chợ vùng cao, gặp những cô bé gái tuổi mới đôi mươi nhưng đã địu con nặng trĩu sau lưng. Một “bà mẹ trẻ” nhỏ bé hồn nhiên nói với chúng tôi rằng cô ấy không có sữa, mỗi ngày cô mang bát tô sang nhà hàng xóm mua sữa trâu về cho con ăn. Mỗi tháng mất khoảng 180.000 đồng… Phụ nữ Tây Bắc giờ cũng có đôi nét khác xưa. Bên dưới lớp xà cạp thêu hoa sặc sỡ quấn ngang bắp chuối không còn là những bàn chân trần mà là… guốc cao gót, giày thể thao đủ kiểu.
Trước hiên nhà
Đi ngang nhiều ngôi nhà trong bản, nhiều cô, chị mặc áo thổ cẩm và ngồi đạp máy may hết sức thành thạo! Trước khi ra chợ, chúng tôi cũng được khuyên rằng không nên mua mật ong rừng vì khó có hàng thật, chỉ nên mua cốm, gạo nếp than – đặc sản tại thị trấn Tú Lệ. Lười mang nặng, mọi người chỉ tranh thủ thưởng thức món… thịt heo luộc ngon tuyệt ở đây. Vì loại heo này được nuôi tự nhiên nên thịt rất ngọt và thơm. Bên cạnh đó, món thịt nướng lá dong của người Thái và món thịt trâu gác bếp cũng làm chuyến đi thêm phần đáng nhớ.
Những cánh đồng hoa tam giác mạch
Tháng Mười về, khi cái lạnh vừa đến cùng hạt sương buổi sớm mai thì cũng là lúc những cánh hoa tam giác mạch bắt đầu khoe sắc. Hoa tam giác mạch được gieo trồng nhiều ở trên đất Cao Bằng… các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh (lác đác trên các sườn đồi), đặc biệt là một loạt các địa điểm trên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang. Hoa mới nở có màu trắng, khi chuyển dần sang phớt hồng hay tím nghĩa là lúc đó hạt đã chín và người dân sẽ thu hoạch. Mùa hoa chỉ kéo dài hơn một tháng nên cái sự hiếm hoi này càng làm hoa trở thành niềm khao khát của bao ống kính thị thành. Những ai đã một lần ngắm đồng hoa tam giác mạch trải dài miên man từ sườn núi này sang sườn núi kia sẽ khó mà quên được những cánh hoa bé tí xíu đan vào nhau thành thảm, có đoạn trắng tinh, có đoạn phơn phớt hồng hoặc tím, mơn mởn trong nắng thu, rập rờn theo gió núi. Anh Bình Nguyên, một người sinh ra và lớn lên ở đất Hà Giang cho biết:
Hoa bạt ngàn
– Năm nay, hoa tam giác mạch nở sớm hơn mọi năm. Tôi là người sống trên cao nguyên đá, đã từng ngắm hoa từ khi đôi chân mới chập chững biết đi, nhưng khi đứng trước một thảm hoa mềm mượt, thơm hương, tôi vẫn thấy lòng mình tràn ngập một cảm xúc mới lạ.
Hoa tam giác mạch
Hoa tam giác mạch không chỉ đẹp mà còn được người dân tộc dùng hạt làm thức ăn cho gia súc. Quả của cây cũng có thể xay ra thành bột trộn với ngô dùng để nấu rượu. Theo một người dân nơi đây, một sào ruộng có thể thu hoạch được hơn 20kg quả tam giác mạch. Tam giác mạch, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch màu sữa nho nhỏ. Hạt mạch này xay ra làm bánh ăn rất ngon, mùi thơm nhẹ, vị ngọt thanh, ăn nhiều không ngán. Đồng bào dân tộc ở đây thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh, hoặc dùng hạt trộn với ngô để nấu rượu, tạo nên hương vị khá đặc biệt như rượu Cốc Pài (Xín Mần).
Cánh đồng hoa
Chuyện kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi, và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch” (theo truyện Tam Giác Mạch của nhà văn Nguyên Bình)
Phiên chợ vùng cao
Trên vùng đất (phải nói là vùng đá mới đúng vì 3/4 diện tích cao nguyên này là đá) mà “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”, cư dân quen với tập quán “sống trên đá, chết nằm trên đá” và chịu cảnh “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” như Hà Giang thì cảnh sắc đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, của màu hoa, màu lúa có lẽ chính là điều mà thiên nhiên khắc nghiệt muốn bù đắp lại cho con người.