Việc phải chịu mức lãi suất cao trên 15%/năm trong thời gian kéo dài gần ba năm đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Tỷ lệ chi phí tài chính trên giá thành sản phẩm từ mức 4,72% trong năm 2010 đã tăng lên 5,56% trong năm 2011 và năm nay tăng lên 7%. Lãi suất tại Việt Nam hiện đang cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực. Nếu các yếu tố khác không đổi, tác động của lãi vốn khiến giá thành của một sản phẩm của Việt Nam cao hơn 2 – 3% so với các nước này.
Chính vì vậy Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn nữa nhằm tháo gỡ và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, cần mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản thêm 1%/năm nữa, đồng thời khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định, nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Tín hiệu từ thị trường mấy tuần qua đã “đồng pha” với khuyến nghị chính sách này. Lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm nhưng vẫn “hút hàng” mà người mua chính là các tổ chức tín dụng, dù đang là cuối năm – khoảng thời gian cao điểm về vốn của các ngân hàng. Với việc lạm phát ổn định, một tỷ lệ lãi suất tiền gửi 8%/năm cũng không phải là quá thấp, trong điều kiện các kênh đầu tư khác đang bế tắc. Dù lãi suất huy động đã giảm 5%/năm trong năm 2012 thì tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và mức tăng đạt khoảng 15% so đầu năm. Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang được nhiều người có tiền nhàn rỗi lựa chọn, thay vì các kênh đầu tư khác. Việc tỷ giá được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài cũng khiến việc nắm giữ ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá là không cần thiết, hay nói cách khác, hạ lãi suất tiền đồng sẽ không tác động đến việc chuyển vốn sang ngoại tệ.
Tuy nhiên, những ý kiến phản biện cho rằng nên thận trọng với việc giảm lãi suất quá nhanh, bởi sẽ làm giảm mức độ tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Đại diện cho luồng ý kiến này là nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered (Anh). Họ dự báo lãi suất cơ bản năm 2013 của Việt Nam sẽ vào khoảng 10% do lạm phát vẫn còn ở mức cao và kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất ổn định trong suốt năm 2013 để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 8% và tăng cường dự trữ ngoại hối.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp và nợ xấu vẫn là hai vấn đề mà hệ thống ngân hàng cần phải giải quyết. Về nợ xấu, nó tùy vào kế hoạch xử lý và đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3% vào cuối năm 2015 theo cam kết của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước hiện là 8,8%, gần gấp đôi mức 4,47% mà các ngân hàng đưa ra, trong khi nhiều người cho rằng tỷ lệ thực tế còn cao hơn, lên đến 10 – 15%. Về việc tốc độ tăng trưởng tín dụng không cao, nhiều phân tích cho rằng nguyên nhân chính là do nền kinh tế ốm yếu nên không đủ sức hấp thụ được nguồn vốn, nhưng cũng có những nhận định theo chiều hướng lạc quan hơn. Đó có thể do các doanh nghiệp đang nhân cơ hội này để giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và động thái này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện cấu trúc vốn và giảm thiểu rủi ro, tạo tiền đề cho sự hồi phục và phát triển trong tương lai.
Minh Hằng