Trong tháng 10-2019, Tập đoàn LVMH từng đề nghị mua lại thương hiệu nữ trang Tiffany & Co của Mỹ với giá 14,5 tỉ đô. Song, chỉ một tháng sau, cuối cùng hai bên đã bắt tay. Giá trị thương thảo cuối cùng là 16 tỉ đôla Mỹ.
LVMH, viết tắt cho Louis Vuitton-Moet Chandon, là một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Hiện tại, tập đoàn đang sở hữu 75 thương hiệu trong các mảng thời trang, làm đẹp, du lịch và ẩm thực cao cấp. Từ Christian Dior, đến Kenzo, Dom Pérignon, Veuve Clicquot và Sephora.
Tuy nhiên, mảng nữ trang và đồng hồ xa xỉ là thị trường duy nhất LVMH chưa phải cái tên đứng đầu. Hiện tại dẫn đầu thị trường này là thương hiệu Cartier, trực thuộc Tập đoàn Richemont đến từ Thụy Sĩ. Việc tiếp nhận Tiffany & Co ngay lập tức giúp mở rộng thị trường cho mảng đồng hồ và trang sức của tập đoàn LVMH.
Đây cũng là thương vụ mua bán và sáp nhập lớn nhất của LVMH dưới sự “trị vì” của chủ tịch tỉ phú, ông Bernard Arnault. Người đàn ông giàu nhất châu Âu cho biết:
“Chúng tôi rất tự hào khi Tiffany tham gia các thương hiệu nổi bật của LVMH. Sứ mệnh của chúng tôi là đảm bảo thương hiệu nữ trang này trở thành cái tên trường tồn trong hàng trăm năm tới”.
Tiffany & Co là thương hiệu nữ trang xa xỉ xuất xứ từ New York. Cái tên Tiffany gia nhập danh sách những thương hiệu đình đám nhất toàn cầu khi xuất hiện trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s cùng nữ diễn viên Audrey Hepburn.
Gần đây, doanh thu tại Tiffany gặp nhiều khó khăn khi đồng đôla Mỹ tăng trưởng mạnh, và khách du lịch hạn chế đến Mỹ mua sắm. Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà đầu tư, Tiffany & Co vẫn có khả năng tăng trưởng. Đặc biệt là bây giờ khi thương hiệu về với LVMH, tập đoàn “dư dả” ngân sách để làm nên những cú hit mới cho Tiffany.