Từ xa xưa con người đã biết dùng nguyên liệu cây cỏ để làm đẹp. Trong sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có những đoạn tả về việc dùng hương liệu tự nhiên của người Việt như một cách thức làm đẹp và trị liệu độc đáo. Ngày nay, thảo mộc được nhiều người ưa dùng và là nguyên liệu trong các spa, trung tâm trị liệu, chăm sóc da…
Mỗi loại thảo mộc đều có công dụng riêng. Một nắm hương nhu sẽ làm dịu cơn nhức đầu, khi đun thành nồi nước thơm vừa tắm vừa gội sẽ mang lại cảm giác sảng khoái. Vài quả bồ kết, một nắm lá bưởi, một nhánh sả làm thành một dung dịch gội đầu dưỡng tóc…
Với những tác dụng tích cực này, các loại thảo mộc quen thuộc như chanh, cam, sả, cam thảo, bưởi, quế, gừng… chính là nguyên liệu trong các quy trình trị liệu chăm sóc thư giãn toàn thân.
Tại các spa, quy trình thư giãn toàn thân sẽ được thực hiện như sau: thảo mộc được xắt nhỏ và trộn đều rồi cho vào túi vải thô bó lại. Mỗi bó vải đưa vào nồi hấp cách thủy cho tinh dầu tỏa hương và thảo mộc hấp thu nước nở ra. Sau đó những bó thảo mộc nóng ấm sẽ được dùng như một đầu dụng cụ massage để ấn nhẹ vào cơ thể theo kiểu nhấn huyệt thư giãn. Nhấn chầm chậm, nhẹ nhẹ từng chút một lên toàn thân. Hơi ấm cùng với tinh dầu sẽ thấm dần trên da đồng thời tạo cảm giác dễ chịu lan tỏa khắp người.
Nếu so với phương pháp sử dụng hóa chất và mỹ phẩm hiện đại thì trị liệu bằng thảo mộc không cho kết quả có thể nhìn thấy ngay, mà giúp làn da có được cảm giác sảng khoái, mềm mại hơn sau khi thấm các dưỡng chất thiên nhiên. Đặc biệt, làn da sẽ phảng phất một hương thơm rất đặc trưng.
Mỗi loại cây cỏ khác nhau mang đến cho người sử dụng những trải nghiệm khác nhau, như cây sim có công dụng làm mát da, tẩy tế bào chết, tái tạo làn da mới tươi trẻ hơn; lá bạc hà giúp cho da tươi sáng, khỏe mạnh, hồng hào hơn; bông cúc có công dụng làm mát da, thư giãn, chống hiện tượng viêm lỗ chân lông ở da; hương thảo kích thích, làm giảm sự sưng tấy, đau nhức của mụn trứng cá; cây ngải cứu giúp da tươi sáng và căng khỏe; kinh giới có tác dụng làm dịu mát da, phục hồi sức khỏe và thư giãn; cỏ xạ hương làm sạch da, giải độc tố và làm làn da tươi tắn; tinh dầu chanh có tác dụng làm dịu mát làn da, hồi phục sức khỏe. Với hàm lượng vitamin C cao, chanh tươi còn có khả năng dưỡng ẩm cho da tay một cách hiệu quả.
Một ít nước cốt chanh được xoa đều lên tay sẽ có tác dụng tích cực như một loại thuốc hữu hiệu trong việc trị các vết mờ hoặc đốm đồi mồi trên tay. Để đôi tay trở nên mềm mịn, dùng một lòng đỏ trứng gà, một muỗng mật ong, hai muỗng dầu olive, một muỗng đường cát, hai muỗng nước chanh vắt trộn lẫn với nhau. Sau đó sử dụng hỗn hợp trên thoa đều đặn lên những ngón tay, chú ý phần móng tay và lớp da xung quanh móng. Xoa bóp nhẹ nhàng lòng bàn tay, các vết chai trên tay, rồi rửa lại với nước ấm.
Ngoài ra, thảo mộc còn được dùng để như một loại trà giải khát, thanh lọc cơ thể. Cho một muỗng trà sấy khô hoặc hai muỗng thảo mộc tươi vào trong một cái ly. Sau đó đổ thêm 1/3 ly nước sôi vào, ngâm hỗn hợp này trong vòng 15 phút. Loại nước trà thảo mộc này khi uống lạnh có thể giúp cho da bạn rạng rỡ hơn, khi gội đầu tóc bạn sẽ lưu lại mùi thơm rất lâu và đặc biệt.
Cho một ít thảo mộc khô vào bồn tắm sẽ làm cho làn da và tâm trí được thư giãn. Cho thảo mộc vào những chiếc túi vải thưa (khoảng ba muỗng cà phê), cột miệng túi lại đem ngâm vào nước sôi. Nếu dùng thảo mộc tươi, thì hãy hái những ngọn tươi non, sau đó rải đều trên mặt nước, ngâm một lúc. Khi thảo mộc đã nở đều, bạn có thể tắm.
Xông hơi mặt với thảo mộc cũng là cách chăm sóc tốt cho da mặt để cho lỗ chân lông được nở rộng, giúp rửa sạch bụi bẩn tích tụ. Đổ nước sôi vào một cái chậu nhỏ, bỏ vào một muỗng thảo mộc khô, đợi cho thảo mộc tiết ra nước rồi tiến hành xông hơi mặt. Nếu dùng thảo mộc tươi, thì cho vào hai muỗng. Sau đó cho thêm hoa cúc để tạo mùi thơm. Trùm một chiếc khăn bông lên đầu, kề sát mặt vào thau nước nóng đang bốc hơi nghi ngút. Xông khoảng mười phút, để cho làn da “nguội bớt” rồi rửa mặt lại bằng nước mát.