Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) ngày 8-7 đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam, nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn, cụ thể là GDP năm 2014 ước khoảng 5,4% và dự báo không vượt quá 5,5% trước năm 2016. WB nêu nguyên nhân của vấn đề là cầu trong nước còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ vốn của các doanh nghiệp nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao, dư địa tài khóa bị thu hẹp… Nhìn xa hơn, xu hướng tăng trưởng chưa thể mạnh mẽ vì Việt Nam phải giải quyết những vấn đề mang tính cơ cấu và đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh.
Trên thực tế, đã có những ý kiến lo ngại về mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 5,18% (GDP quý II đạt 5,25%, cao hơn không bao nhiêu so với mức 5,09% của quý I). Điều đó phản ánh đà hồi phục chậm của nền kinh tế kéo dài suốt từ năm 2012 cho đến nay (GDP trong sáu tháng đầu năm năm 2012 và năm 2013 chỉ tăng lần lượt ở mức 4,93% và 4,9%). Một điểm đáng chú ý là thời gian qua, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam, do vậy có thể nói động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm đến từ các doanh nghiệp FDI.
Trong cuộc họp thường kỳ mới đây, Chính phủ khẳng định sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra trong năm 2014, nghĩa là mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay vẫn được giữ ở mức 5,8%. Đây chính là thách thức lớn đối với cả nước, nhất là với năng lực điều hành của Chính phủ. Khó khăn là ở chỗ căn cứ vào các cấu thành của GDP, gồm tiêu dùng hộ gia đình, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chi tiêu Chính phủ và xuất nhập khẩu ròng thì không có nhiều cơ hội để nâng cao mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong sáu tháng cuối năm. Ngoài kỳ vọng vào nhịp độ xuất nhập khẩu sẽ tăng đều trong những tháng cuối năm, các yếu tố còn lại không thật sự sáng sủa. Tiêu dùng hộ gia đình hiện vẫn khá thận trọng, dù có hồi phục nhưng tốc độ chậm (doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,7% trong sáu tháng đầu năm, tương đương cùng kỳ năm ngoái). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong cả năm dự kiến ở mức 30% GDP nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư trong sáu tháng đầu năm chưa đạt yêu cầu (thu hút vốn FDI sụt giảm mạnh, tới 35%; giải ngân vốn FDI tăng không đáng kể, chỉ 0,9%), tăng trưởng tín dụng đạt có 2,3% (bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong khi đó, chi tiêu Chính phủ tính đến ngày 15-6 đã đạt 44,6% dự toán năm (cao hơn mức 41,8% của cùng kỳ năm 2013), nhưng trong cơ cấu chi thì chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm (đạt 72.600 tỉ đồng, kém hơn mức 74.300 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái), mà chi cho bộ máy quản lý hành chính và chi để trả nợ lại tăng (lần lượt tăng 12% và 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Có thể thấy tổng mức chi tiêu Chính phủ tăng so với năm ngoái nhưng tác động lan tỏa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lại không lớn.
Nguyễn Thắng