Đầu tuần qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã nêu nhận định rằng ngoại trừ hai nền kinh tế Anh và Mỹ tăng tốc nhẹ trong quý III, tình hình tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các nước giàu khác đều bất ngờ giảm xuống trong giai đoạn cuối năm nay. Dữ liệu mới nhất do OECD công bố vẽ lên một bức tranh, trong đó 34 nền kinh tế phát triển sau 12 tháng đạt tốc độ tăng trưởng ổn định 1,4% đã bắt đầu bị giảm nhanh và chựng lại ở mức chỉ 0,5%, chứng tỏ cuộc hồi phục kinh tế đã bị tắc nghẽn trong quý II và III.
Kinh tế tại các nước châu Âu vẫn hồi phục chậm
Nguyên nhân chính của tình trạng trên được cho là nhịp độ khôi phục kinh tế tại khu vực các nước sử dụng đồng euro và một số nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã yếu đi trong sáu tháng đầu năm nay, trong đó nổi bật là kinh tế Pháp và Ý bị sa sút mạnh. Tuy nhiên, so sánh với sản lượng kinh tế của 12 tháng trước (tức là tính từ quý III-2012 đến quý III-2013), tăng trưởng tại các nền kinh tế giàu vẫn đạt 1,4%, trong đó Nhật Bản có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất (2,6%), còn Ý là quốc gia sa sút nhất (tăng trưởng -1,9%). Nếu xét mức tăng trưởng theo quý thì trong quý III, kinh tế Mỹ tăng trưởng 0,7% (quý trước đạt 0,6%), còn kinh tế Anh tăng 0,8% (quý trước tăng 0,7%).
Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Anh đã nhìn nhận rằng công cuộc hồi phục kinh tế tại nước này đang trở lại một cách vững chắc. Tại Nhật, mức tăng trưởng trong quý III chỉ được 0,5%, giảm khá mạnh so với quý II (0,9%). Tổng sản lượng kinh tế tại Eurozone tăng được vỏn vẹn có 0,1% trong quý III, còn tại EU, tăng trưởng quý III là 0,2%, vẫn thấp hơn con số 0,3% của quý trước đó. Số liệu mới đưa ra những dấu hiệu cho thấy cuộc hồi phục kinh tế từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua của Eurozone vẫn còn mỏng manh. Tăng trưởng của nền kinh tế mạnh nhất Eurozone là Đức trong quý III cũng bị giảm xuống 0,3% (quý II đạt 0,7%). Mới đây, sau khi bị tổ chức Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ, nền kinh tế Pháp thậm chí còn bị đẩy về mức tăng trưởng dưới 0%, chính xác là – 0,1% (trong khi quý II vẫn còn đạt được mức 0,5%). Tồi tệ nhất là nền kinh tế Ý khi trải qua quý thứ 9 bị tăng trưởng âm.
Lâm Kiên theo AFP