Tập đoàn Intel (Mỹ) vừa cho biết họ đang có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Costa Rica sang Việt Nam với quy mô vốn rất lớn lên tới 1 tỉ USD. Những năm gần đây vốn Mỹ đổ vào Việt Nam tăng dần và dự báo tiếp tục tăng trong những năm tới ở tất cả các lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khu lưu trú, công nghiệp nặng, hàng tiêu dùng. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, trong khoảng thời gian 1-3 năm tới, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 của Việt Nam. Đây sẽ là một trong những chiến lược xoay trục của Mỹ. Nước ta nằm trên trục giao lưu kinh tế quốc tế, thuận lợi, lại có nhiều tài nguyên, lao động rẻ, an ninh chính trị ổn định… – những lợi thế trên đủ yếu tố để nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư dài hạn. Thị trường tiêu thụ các dòng sản phẩm cao cấp tại Việt Nam cũng đủ để hấp dẫn các nhà sản xuất nước ngoài.
Việc Mỹ chuyển hướng đầu tư mạnh vào nước ta rõ ràng đã mang lại những cơ hội lớn từ nguồn lực, vốn đầu tư, việc làm, cơ hội chuyển giao công nghệ… nhưng làm thế nào để chúng ta tận dụng được cơ hội này là vấn đề cần sớm được đặt ra. Bởi sau bao nhiêu năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng tới nay công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn gần như không có, mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn kém, thị trường bán lẻ bị nước ngoài thâu tóm…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một khi quyết định sản xuất tại Việt Nam, những doanh nghiệp như Intel sẽ đi tìm những đối tác liên kết cung cấp linh kiện, phần mềm, lao động… cho họ. Để chuẩn bị nhập cuộc, chúng ta cần nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ đào tạo cho những doanh nghiệp đã có nền công nghệ, đào tạo lao động cao… Ngoài ra, chính sách về tỷ giá cũng cần có những thay đổi theo hướng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hơn nữa.
Ly Lam (DNSGCT)