Kết quả bầu cử Hạ viện Ấn Độ vào tháng 5 vừa qua đánh dấu một chuyển biến quan trọng trong đời sống chính trị của nước này. Đảng Quốc đại cầm quyền chỉ chiếm được 44 ghế trong tổng số 543 ghế, đạt tỷ lệ chưa đến 10%, còn đảng Nhân dân (BJP) của Thủ hiến bang Gujarat, ông Narendra Modi, chiếm được 283 ghế, tức trên 52% tổng số đại biểu Hạ viện. Tỷ lệ này đủ để ông Modi được chỉ định thành lập chính phủ mới trong điều kiện đất nước Ấn Độ đang trải qua sự phân hóa chính trị và một nền kinh tế trì trệ, với hai yếu tố nổi bật là bội chi ngân sách và tình trạng nhập siêu. Trong cuộc tranh cử Hạ viện vừa qua, đảng Nhân dân của ông Modi hứa hẹn sẽ phục hồi và gia tốc đà tăng trưởng kinh tế, xem đây là phương cách chủ yếu giúp tiêu diệt dần nạn nghèo đói và mang lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Lĩnh vực may mặc sẽ là một thách thức lớn với chính phủ của ông Narendra Modi
Việc trước tiên mà tân chính phủ New Delhi phải làm là gỡ bỏ cái nút thắt cổ chai đã làm tắc nghẽn nền kinh tế và làm giảm 50% tiềm năng phát triển của đất nước. Để làm được điều này, Thủ tướng Modi sẽ chỉ định một bộ trưởng môi trường có khả năng quân bình giữa nhu cầu bảo vệ môi sinh và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tân chính phủ cũng sẽ cải tiến một bộ máy chính quyền trì trệ để có thể đưa ra những quyết định hợp pháp và phù hợp với tình hình đất nước. Trong mối quan hệ với các chính quyền địa phương, ông Modi sẽ đẩy mạnh sự hợp tác với thủ hiến các bang, giúp các bang phát triển nhanh hơn và tạo ra chính sách “một cửa”, sao cho chính quyền trung ương và địa phương luôn phát triển song hành trong những dự án lớn của đất nước. New Delhi sẽ dỡ bỏ ngay những rào cản trong việc cung cấp than đá và khí đốt từng làm giảm sút năng suất hoạt động của các nhà máy điện trong nước. Họ cũng sẽ tu chỉnh luật đất đai và gia tăng việc xây dựng hạ tầng, giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp và có điều kiện tiếp cận với thị trường tiêu thụ cũng như xuất nhập khẩu hiệu quả hơn.
Với một dân số gần bằng dân số Trung Quốc và lực lượng lao động 450 triệu người, phần lớn không có kỹ năng cao, thách thức đối với Ấn Độ là rất lớn. Chẳng hạn trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc, mức thu nhập của Ấn Độ không bằng 10% của Trung Quốc, thậm chí còn kém cả Bangladesh. Vì thế, theo nhận định của các nhà phân tích, những cải cách về mặt thủ tục cần phải được New Delhi tiến hành để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực không đòi hỏi kỹ năng cao như may mặc, giày dép và lắp ráp điện tử. Việc cải cách luật lao động, loại bỏ sự cách biệt lớn giữa các lực lượng lao động trong nước sẽ giúp thị trường lao động Ấn Độ hoạt động hữu hiệu hơn, có tính cơ động cao, đáp ứng nhanh trước những yêu cầu bức thiết của một xã hội công nghiệp. Vì thế chính quyền của ông Modi cần phải tạo ra một thế cân bằng tốt nhất giữa việc bảo vệ một số ít người lao động trong những khu vực có kỹ năng cao và sự tạo ra công ăn việc làm phù hợp với đông đảo người lao động trong nước.
Lê Nguyễn tổng hợp