Những ai yêu thích thơ Đường đều biết đến bài Hoàng Hạc lâu của nhà thơ Thôi Hiệu. Chỉ với một bài thơ đó mà Thôi Hiệu trở nên bất hủ, trong lịch sử thơ văn có lẽ đây là không tiền khoáng hậu. Sau đây là bản dịch của cố thi sĩ Tản Đà:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bầy
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
Tản Đà đã chuyển từ thể Đường luật sang thể lục bát, không còn vế đối ở câu 2, 4 và câu 5, 6, mất đi tính thẩm mỹ của thơ Đường, về ý cũng có nhiều bất cập. Không thể trách Tản Đà, vì chưa thấy ai dịch hay hơn.
Trong thơ, “hoàng hạc” tức sếu đầu đỏ, còn gọi là tiên hạc, là “quốc bảo” của ta chỉ có ở tràm chim Tam Nông, nhưng nay đã vắng bóng.
Lý Bạch gác bút
Cũng một phần nhờ bài thơ đó, lầu Hoàng Hạc được vinh danh “thiên hạ đệ nhất lầu”. Mộ danh lầu Hoàng Hạc, sau khi du lịch Thượng Hải, tôi đáp máy bay đến TP. Vũ Hán.
Lầu Hoàng Hạc được xây từ năm 223, thời Tam Quốc, tương truyền Phí Di, thừa tướng nhà Thục-Hán (sau Gia Cát Lượng) cưỡi hạc thành tiên ở đây, lầu trở nên nổi danh.
Dường như người xây dựng tòa lầu đã không coi phong thủy, nên suốt lịch sử gần 2.000 năm lầu này tồn tại đã kết duyên với bà Hỏa, chỉ tính riêng hai triều Minh, Thanh, lầu đã bị hỏa hoạn 7 lần và trùng tu 10 lần.
Lần hỏa hoạn cuối cùng xảy ra vào năm 1884, đời Quang Tự cuối nhà Thanh, từ đó đến suốt thời Dân Quốc, nhà nước kiệt quệ, không còn đủ tài chánh tu sửa, chẳng còn hạc, cũng chẳng thấy lầu đâu, chỉ còn để lại di chỉ cho tao nhân mặc khách hoài niệm.
Năm 1957, khi xây dựng cầu Trường Giang Vũ Hán, đã chiếm dụng mất di chỉ lầu Hoàng Hạc. Năm 1984, chính phủ Trung Quốc (TQ) đã phục chế theo mô hình cuối cùng đời nhà Thanh, xây trên đỉnh Xà Sơn, cách di chỉ cũ khoảng 1.000m về phía thượng lưu Trường Giang. Lầu có năm tầng, cao 51,4m, xây bê-tông phỏng theo kết cấu gỗ, chỉ còn chóp mạ vàng hình nón là vật cũ còn sót lại.
Bước vào cổng chính, bên phải là Công viên lầu Hoàng Hạc bố cục theo lâu đài đình các vùng sông nước Giang Nam, trong có dựng tượng đồng anh hùng dân tộc TQ Nhạc Phi và bài từ Mãn giang hồng ông viết tại đây.
Bên trái công viên là hồ Thiên Nga, trên hồ có những cặp thiên nga đen quý hiếm nhởn nhơ bơi. Bờ hồ dưới rặng trúc có tấm bia đề chữ “Nga” theo lối chữ thảo và bức phù điêu nhà đại thư pháp đời Đông Tấn Vương Hy Chi đang say rượu nằm ngủ.
Tương truyền lúc sinh thời, cụ Vương đã nổi tiếng là “thư thánh”, “một chữ ngàn vàng”, hiếm khi chịu đề tự cho ai.
- Xem thêm: Ấy là hương vị tiếng nước tôi!
Một lần bè bạn dụ cụ đến bờ hồ rồi chuốc rượu cho say, thấy các con thiên nga, cụ ngẫu hứng bẻ cành trúc viết chữ “nga” rồng bay phượng múa trên cát rồi lăn ra ngủ.
Người cùng đi hôm đó như kiếm được vàng, liền làm bản dập lên bia đá, để lại bút tích cực kỳ hiếm hoi của nhà đại thư pháp.
Qua khỏi hồ Thiên Nga, đến một đình hình bát giác, trên có tấm hoành phi “Gác Bút Đình” (đình Gác Bút), trong có tượng thi hào Lý Bạch mài mực rồi gác cây bút sang bên, hai bên có câu đối:
“Lâu vị khởi thì nguyên hữu hạc, bút tòng các hậu cánh vô thi”
(Khi chưa dựng lầu đã có chim hạc, từ khi gác bút càng không có ai dám đề thơ)
Tương truyền: Lý Bạch từng đến chơi lầu Hoàng Hạc, thấy cảnh sinh tình, định đề thơ, nhưng khi coi bài thơ của Thôi Hiệu nêu trên, nhà thơ tự cho rằng mình không thể sánh kịp nên gác bút. Từ đó về sau, càng không có ai dám đề vịnh nữa.
Các tầng lầu trưng bày mô hình lầu Hoàng Hạc qua các thời đại, hiện vật kỷ niệm 13 vị danh nhân văn hóa TQ.
Lên tầng thứ 5, nhìn rõ toàn cảnh TP. Vũ Hán, gồm ba thành cổ Hán Khẩu, Vũ Xương, Hán Dương mà người TQ quen gọi là “Vũ Hán Tam Trấn” dải trên bờ hai con sông Trường Giang và Hán Thủy. Bên kia bờ Bắc Trường Giang, trên đỉnh Quy Sơn là Khách sạn Hán Dương cao 24 tầng, là kiến trúc tiêu biểu của thành phố.
Một thoáng Vũ Hán
Vũ Hán xưa là đất Kinh Châu, xa hơn nữa thuộc nước Sở thời Chiến Quốc, nên còn có tên gọi là Kinh-Sở. Vũ Hán nằm giữa Đồng bằng Giang Hán, nắm giữ ỵết hầu Trường Giang, xưa nay là nơi những người dùng binh phải tranh bằng được.
Năm 1938, trong chiến tranh Trung – Nhật, đã xảy ra đại chiến Vũ Hán, hai bên huy động tới 2 triệu quân tham chiến. Trận đó tuy quân TQ thất trận mất Vũ Hán, nhưng buộc quân Nhật phải dừng bước tại đó, che chở cho thủ đô kháng chiến Trùng Khánh không bị lâm nguy.
Vũ Hán còn là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và cả vùng Hoa Trung rộng lớn, với dân số 9,1 triệu, có biệt danh “Chicago phương Đông”, địa linh nhân kiệt, phồn hoa chẳng thua kém Quảng Châu.
Tuy lầu Hoàng Hạc là đệ nhất thắng cảnh, nhưng Vũ Hán không chỉ có lầu Hoàng Hạc. Quảng trường Hồng Sơn là tiêu chí mới của Vũ Hán với thiết kế ba chiều lạ mắt.
Chính giữa quảng trường là một đài cao xây theo kiểu lâu đài, xung quanh lâu đài là những bức phù điêu thể hiện nền văn hóa lâu đời vùng Kinh-Sở, giữa đài cao lại là một sân lộ thiên nhỏ hơn xây ngầm xuống 1m.
Từ trên đài cao bước xuống có năm cột phun nước ánh sáng laser bố trí theo hình hoa mai và màn hình nước cao 21m, giống như công viên Suối Nhạc bên Singapore.
Quảng trường nuôi nhiều chim câu, còn bán thức ăn để du khách cho chim ăn, tạo khung cảnh yên tĩnh trong một thành phố huyên náo.
- Xem thêm: Quốc văn giáo khoa thư gối đầu giường
Buổi chiều, tôi đến Hán Khẩu dạo bước dọc bến Giang Than, một bên là Trường Giang, một bên là dãy phố xưa kiến trúc kiểu Pháp, khiến tôi có cảm tưởng như đi trên Bến Thượng Hải, chỉ khác là ở đây còn tráng lệ hơn, vì tôi đang đứng bên dòng sông lớn thứ 3 thế giới.
Chính quyền TP. Vũ Hán đang có kế hoạch xây bến Giang Than thành quảng trường có diện tích 1,5 triệu m2, nên nhớ rằng quảng trường Thiên An Môn lớn nhất thế giới cũng chỉ có 440.000m2!
Từ bến Giang Than quẹo sang một góc phố là đường Giang Hán, dài 1.550m, là phố đi bộ dài nhất TQ, có xe điện nhỏ chở du khách.
Hai bên đường với các kiến trúc, cửa hiệu hoàn toàn Âu hóa, tôi có cảm giác như đang ở khu Trung Hoàn, Hong Kong, nên đây còn có biệt danh “Tiểu Hương Cảng”.
Vũ Hán tuy ở sâu trong nội địa, không có đường ra biển, nhưng là đầu mối giao thông thủy bộ với tên “Cửa ngõ của chín tỉnh”, từ cuối thế kỷ 19, nơi đây đã được mở cửa khẩu thông thương và là tô giới của năm nước đế quốc, nên người Vũ Hán hết sức cởi mở, chỗ nào cũng thấy dấu vết thực dân để lại.
Soi bóng trên dòng Hán Thủy (Hán Giang) có Đại học Vũ Hán nổi tiếng nhất vùng Hoa Trung. Khuôn viên trường có diên tích trên 100ha, có sông có núi, còn đẹp hơn Đại học Thanh Hoa nổi tiếng ở Bắc Kinh.
Thời sinh viên, tôi từng ước mơ du học tại đây, giấc mộng không thành, tôi đề bài thơ chữ Hán kỷ niệm như sau:
Nguy nga chiếu ảnh Hán Giang trung,
Ẩm dự Thần Châu khí thế hùng,
Hồi thủ đương niên tằng súng cảnh,
Vô duyên phụ kíp nhất trường không.
(Dịch ý: Nguy nga soi bóng bên dòng Hán,
Vang tiếng Trung Hoa khí thế hùng,
Nhớ lại năm xưa hằng mơ ước,
Vô duyên cắp sách mộng thành không)
Vũ Hán cũng có nhiều doanh nghiệp lớn, tôi từng đến thăm Công ty Gete, được xếp loại một trong 50 công ty hàng đầu TQ, chuyên sản xuất khuôn mẫu và đồ dùng composite với trình độ công nghệ rất cao.
Món ngon Vũ Hán
Cố Chủ tịch Mao Trạch Đông từng có bài thơ Vượt Trường Giang, mở đầu bằng hai câu: “Tài ẩm Trường Sa thủy/ Hữu thực Vũ Xương ngư” (dịch ý: Vừa uống nước Trường Sa, lại ăn cá Vũ Xương).
Trong đó có nhắc đền “cá Vũ Xương”, lúc đầu tôi tưởng là chỉ chung các loài cá ở đất Vũ Xương, đến tận nơi mới biết đây là loài cá riêng rất nổi tiếng.
Cá Vũ Xương thuộc họ Chép, là đặc sản chỉ có ở hồ Lương Tử, Vũ Xương, các tỉnh khắp TQ từng thử nghiệm du nhập giống cá quý này, nhưng chỉ ba năm sau là thoái hóa. Cá nặng chừng 1kg, chiên xù, xốt chua ngọt, nấu canh đều rất ngon, chỉ tiếc hơi nhiều xương dăm.
Món ăn Hồ Bắc không chỉ có cá Vũ Xương, thịt rừng và hải sản là hai món tuyệt kỹ. Món ăn Hồ Bắc mùi vị thanh đạm, không cay như món ăn Tứ Xuyên, không ngọt lợ như món ăn Thượng Hải, không quá đậm đà như món ăn Bắc Kinh, cũng không nhiều dầu mỡ như món ăn Quảng Đông, tóm lại mọi thứ đều vừa phải, phản ánh quan niệm trung dung, trở về với thiên nhiên của nền văn hóa Kinh-Sở.
Trụ sở Công ty Gete đặt tại quận Hoàng Bì, cách trung tâm thành phố 12km về phía bắc, ở đây có thể ngắm cảnh Đồng bằng Giang Hán thẳng cánh cò bay, thỏ rừng ẩn hiện trong cánh đồng cải dầu vừa mới thu hoạch, chẳng khác gì bức tranh sơn dầu.
Hôm đến thăm Gete trên đường về, tôi cùng mấy người bạn địa phương vào một quán ăn thôn dã, điểm các món như cá Vũ Xương chua ngọt, thỏ rừng nướng, bánh hấp Hoàng Bì, thiên tằng nhục (thịt chiên nhiều lớp)… cùng với rượu Phấn đặc sản địa phương, món ăn ngon hòa quyện với sơn thủy hữu tình, thật là tuyệt vời.
Chỉ hai ngày ở Vũ Hán thật quá ngắn ngủi, tôi lưu luyến chia tay, đáp xe lửa về Quảng Châu ngay trong đêm.