Sự kiện ông Trần Đức Trung trở lại Dell sau thương vụ sáp nhập giữa Tập đoàn Dell và Tập đoàn EMC là một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong thị trường công nghệ thông tin thời gian gần đây.
Giai đoạn từ năm 2008 đến 2014, ông Trung từng để lại dấu ấn và tiếng vang ở lĩnh vực phân phối các sản phẩm công nghệ khi gắn bó với Dell Việt Nam ở vai trò CEO.
Trong giai đoạn này, ông đã hình thành mạng lưới phân phối bán lẻ, phủ sóng khắp thị trường và xây dựng Dell thành thương hiệu đầu tiên giới thiệu dịch vụ hỗ trợ tận nơi cho khách hàng trên toàn quốc.
Lần trở lại “ngôi nhà xưa” này của ông với vai trò Giám đốc Bán hàng Kênh bán lẻ của Dell EMC khu vực Nam Á và Hàn Quốc hứa hẹn sẽ mang một nguồn nội lực mới cho toàn bộ đội ngũ. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện ngắn với ông Trần Đức Trung nhân lần trở về đầy háo hức này.
Xin chúc mừng ông với vị trí mới tại Dell EMC. Cơ duyên nào đưa ông quay trở lại “ngôi nhà xưa” sau ba năm rời vị trí Giám đốc điều hành Dell Việt Nam?
Có lẽ tôi quay trở lại Dell là vì chữ “nợ”. Tôi từng có duyên với Dell nhưng có lẽ là chưa trả hết “nợ” nên mới có cơ hội được trở lại.
Còn nhớ năm 2008, khi bắt đầu nhận việc tại Dell, tôi được ban lãnh đạo vùng cho biết là chưa từng có mô hình kinh doanh truyền thống nào được triển khai ở Dell cả. Lúc đó, Dell cũng chưa có cả văn phòng chính thức tại Việt Nam.
Tôi hầu như phải bắt đầu xây dựng Dell Việt Nam từ con số 0. Nhưng đây là một bài toán vô cùng hấp dẫn với tôi, hơn cả đam mê kinh doanh lúc đầu. Vì vậy, tôi đã dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho Dell trong suốt khoảng thời gian đó.
Đến thời điểm này, tâm huyết của tôi dành cho Dell vẫn không thay đổi. Tuy tôi đã có một khoảng thời gian khá lâu chuyển qua làm việc cho Intel, nhưng sự phát triển và đi lên bền vững của Dell luôn là điều tôi muốn thực hiện, chỉ cần có cơ hội.
Hơn nữa, tôi nhận thấy thị trường bán lẻ ở các nước trong khu vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Trở lại Dell lần này, tôi sẽ có nhiều cơ hội và thách thức để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Dell ở cấp khu vực.
Xin ông chia sẻ một chút về cảm xúc của mình khi quay trở lại “ngôi nhà cũ”?
Là một trong số những người đầu tiên làm việc cho Dell tại Việt Nam nên tôi và những người đồng nghiệp đã có nhiều kỷ niệm khó tìm được ở nơi khác.
Chúng tôi đã cùng vượt qua khó khăn, cùng trưởng thành và cùng đón nhận thành quả. Quay trở lại Dell, tôi giống như đứa con xa nhà lâu ngày trở về, được đồng nghiệp tạo mọi điều kiện để phát triển. Hơn nữa, tôi may mắn được các đối tác ở Việt Nam quý mến và họ cũng mong tôi trở lại Dell.
Một điều đặc biệt nữa là ban lãnh đạo khu vực cũng thấu hiểu về năng lực lẫn khó khăn của tôi, đây quả thật là nguồn động viên to lớn đối với tôi.
Ông đánh giá thế nào về thương vụ sáp nhập giữa Dell và Tập đoàn EMC?
EMC là nhà cung cấp thiết bị lưu trữ hàng đầu thế giới, sở hữu hãng bảo mật danh tiếng RSA và đang chiếm giữ 83% cổ phần công ty ảo hóa VMware.
Do vậy, thương vụ với EMC sẽ đưa Dell đến gần hơn với các giải pháp lưu trữ dữ liệu cho các công ty quy mô lớn hơn.
Phần lớn các dòng sản phẩm của Dell và EMC bổ sung cho nhau, cả hai tập đoàn có thể cung cấp đồng thời các công nghệ và tích hợp cùng nhau cho khách hàng.
Theo thống kê, trong năm 2016 vừa qua, đã có 260 triệu chiếc máy tính cá nhân được bán ra, giảm 6% so với năm 2015.
Tuy nhiên, trong số các nhà sản xuất máy tính, Dell vẫn duy trì được số lượng máy bán ra ổn định nhờ nhu cầu lớn từ phía các khách hàng doanh nghiệp.
Dell cũng đang duy trì được chỗ đứng vững vàng tại thị trường Mỹ và châu Âu. Cùng với sự phát triển ổn định đó, việc sáp nhập của Dell và EMC sẽ là bước đệm gián tiếp tác động đến khách hàng của cả hai phía đối tác, tạo điều kiện thúc đẩy doanh số.
Vậy nhiệm vụ mới của ông tại Dell EMC có gì khác so với vai trò của ông ở Dell cách đây ba năm?
Điểm khác biệt rõ ràng nhất chính là thị trường. Nếu như trước đây tôi chỉ phụ trách lĩnh vực máy tính dành cho người tiêu dùng cuối và doanh nghiệp nhỏ, phát triển các kênh phân phối và bán lẻ, thị trường của Dell tại Việt Nam thì nay phạm vi thị trường đã mở rộng ra khu vực Nam Á và Hàn Quốc.
Một thị trường rộng lớn hơn đồng nghĩa với cơ cấu thị trường và sự cạnh tranh cũng khác nhau, từ nhà phân phối, đại lý, văn hóa tiêu dùng đến chiến lược bán lẻ của từng nước. Nhiệm vụ mới chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhưng đây sẽ là cơ hội để tôi thử sức mình ở một mức độ cao hơn, hấp dẫn và thách thức hơn.
Theo DigiTimes, thị trường kinh doanh máy tính cá nhân và các loại linh kiện trên toàn cầu đã khởi sắc trong quý đầu năm 2017, với doanh số tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tín hiệu khả quan này cũng sẽ là tiền đề để chúng tôi tiếp tục duy trì phát triển các kênh phân phối trong thời gian tới ở khu vực Nam Á và Hàn Quốc.
Khi còn là CEO của Dell Việt Nam, ông từng quản lý nhân viên dựa trên kết quả công việc hơn là quản lý về thời gian. Nay ông sẽ giữ cách quản lý này hay một cách quản lý khác?
Nay tôi vẫn giữ cách quản lý này. Hiện nay, hầu hết các công ty vẫn đặt nặng vấn đề giờ giấc làm việc của nhân viên, về những công việc hằng ngày mà họ phải hoàn thành và quản lý dựa vào thời gian là chủ yếu.
Riêng tôi muốn quản lý nhân viên của mình bằng giá trị lao động họ tạo ra, hơn là số giờ họ bắt buộc có mặt tại công ty. Cách quản lý của tôi bắt đầu từ sự tin tưởng vào tố chất và những điều kiện của nhân viên, quản lý họ dựa trên sự lựa chọn và trách nhiệm cùng với thành quả công việc.
Dell là một công ty làm việc về công nghệ thì phải để công nghệ có cơ hội thể hiện sự tiện ích của nó. Chúng tôi sẽ cùng chịu trách nhiệm về hiệu quả công việc chung của Dell, dù làm việc ở đâu và mất bao nhiêu giờ đi nữa.
Hẳn ông đã vạch ra những bước đi chiến lược để hoàn thành vai trò mới của mình, xin ông chia sẻ đôi nét về chiến lược của Dell EMC trong thời gian tới?
Hiện nay, do thu nhập của người tiêu dùng ở châu Á ngày càng tăng cao nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm trung và cao cấp cũng khắt khe hơn.
Trong năm 2016 vừa qua, phân khúc sản phẩm trung cấp và cao cấp của Dell đã đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, mang lại kết quả kinh doanh ổn định cho Dell.
Thời gian tới, theo định hướng lắng nghe và quan tâm đến nhu cầu của khách hàng, Dell sẽ bổ sung sản phẩm đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Bên cạnh sản phẩm phục vụ cho nhu cầu học tập, giải trí và làm việc, Dell cũng đầu tư vào dòng sản phẩm chơi game trung và cao cấp.
Tại nhiều nước châu Á nói chung, trong đó có Việt Nam, Gaming là phân khúc tăng trưởng mạnh nhất, hiện Việt Nam đang có hơn 8 triệu game thủ online trên máy tính hay thiết bị game (theo số liệu trích dẫn từ infogame.vn). Đây sẽ là cơ hội cho những sản phẩm chơi game có thế mạnh về thiết kế và hiệu năng mạnh mẽ của Dell.
Đặc biệt, chúng tôi có các sản phẩm gaming dẫn đầu thế giới như Alienware cao cấp và Inspiron 7000 Series trung cấp sẽ phục vụ tốt cho các thị trường game mới nổi ở châu Á.
Ngoài định hướng phát triển sản phẩm, Dell vẫn tiếp tục duy trì đẩy mạnh dịch vụ, bổ sung thêm nhiều giá trị hơn cho khách hàng như dịch vụ bảo hành tận nơi, mang lại sự tin cậy cho khách hàng.
Chúng tôi tin rằng, những bước đi chiến lược này sẽ là lợi thế để thương hiệu Dell EMC ngày càng lớn mạnh và đạt được doanh số vượt trội hơn trong thời gian tới.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.