Theo báo cáo World Wealth Report 2019 vừa được công bố, tính tới cuối năm 2018, tài sản của giới giàu toàn cầu là hơn 68.000 tỉ USD, giảm khoảng 2.000 tỉ USD so với năm trước đó, Forbes cho biết.
Giới giàu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tài sản “bay hơi” khoảng 1.000 tỉ USD. Riêng Trung Quốc chiếm khoảng một nửa con số này. Trong khi đó, tài sản của giới giàu châu Âu cũng giảm khoảng 500 tỉ USD khi Brexit khiến tài sản của nhóm giàu tại Anh sụt 6%.
Các khu vực Mỹ Latin, Bắc Mỹ và châu Phi chứng kiến tài sản của giới giàu sụt lần lượt 300 tỉ USD, 200 tỉ USD và 100 tỉ USD.
Đi ngược với xu hướng là khu vực Trung Đông với tài sản của nhóm người giàu tăng hơn 4% trong năm ngoái lên 2.600 tỉ USD.
Theo hãng tư vấn Capgemini, đơn vị thực hiện World Wealth Report 2019, tài sản của giới giàu toàn cầu giảm trong năm ngoái là do thị trường chứng khoán lao dốc – riêng chứng khoán Trung Quốc “bay hơi” hơn 2.500 tỉ USD vốn hóa – và tăng trưởng kinh tế suy giảm tại một số thị trường lớn như Ấn Độ.
Phản ứng trước sự suy giảm, giới giàu có xu hướng chuyển tài sản khỏi thị trường chứng khoán sang tiền mặt hoặc vào các lĩnh vực như bất động sản và những sản phẩm lãi suất cố định.
Theo Capgemini, Trung Đông có thể đi ngược xu hướng chủ yếu là nhờ biến động giá dầu và cải cách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực. Tài sản của giới giàu tại Saudi Arabia tăng 4%, còn tại Kuwait tăng 6%. Tuy nhiên, tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nhóm giàu mất 9% tài sản do thị trường chứng khoán đi xuống.
Thế giới có khoảng 18 triệu người giàu năm 2018, giảm nhẹ từ 18,1 triệu người so với năm trước. Capgemini phân loại giới giàu thành ba nhóm.
Nhóm đầu tiên là những cá nhân siêu giàu (ultra HNWI), sở hữu tài sản có thể đầu tư ít nhất 30 triệu USD. Nhóm này hiện có 168.000 người, chiếm tỷ lệ 1/3.
Nhóm thứ hai là những người sở hữu tài sản có thể đầu tư từ 5-30 triệu USD, hiện có khoảng 1,6 triệu người. Nhóm cuối cùng là những cá nhân sở hữu tài sản có thể đầu tư từ 1-5 triệu USD, gồm 16,2 triệu người – chiếm tỷ lệ 44%.
- Xem thêm: Giới siêu giàu đang đầu tư vào đâu?
Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có nhiều người giàu nhất thế giới với 6,1 triệu người. Khu vực này dẫn đầu thế giới về số lượng người giàu kể từ năm 2015, cho thấy sự chuyển dịch toàn cầu về quyền lực và sức ảnh hưởng kinh tế. Theo sau là khu vực Bắc Mỹ với 5,7 triệu người giàu và châu Âu với 4,8 triệu người.
Các khu vực khác có số lượng người giàu thấp hơn nhiều, với khoảng 700.000 người ở Trung Đông, 600.000 người ở Mỹ Latin và 200.000 người ở châu Phi.
Xét theo cấp quốc gia, Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới về số lượng người giàu với 5,3 triệu người, theo sau là Nhật và Đức. Trung Quốc đứng vị trí thứ 4 với 1,2 triệu người giàu. Bốn quốc gia này chiếm tới 61% tổng số người giàu trên toàn cầu, tăng từ tỷ lệ 58% vào năm 2012.