Theo ước tính, số tử vong do tai nạn lưu thông sẽ lên tới 1,9 triệu trường hợp vào năm 2020. Hiện nay mục tiêu đề ra của WHO là tìm cách giảm số tử vong xuống ngưỡng 1 triệu/năm.
Có năm nguyên nhân chính gây tử vong trong tai nạn lưu thông là lái xe quá nhanh, lái trong lúc say rượu, không thắt dây an toàn, không có thiết bị an toàn cho trẻ em ngồi trên xe và không đội mũ bảo hiểm.
Hiện nay chỉ mới 35 quốc gia có các đạo luật bảo đảm an toàn, nhưng chỉ có 27 quốc gia, chiếm 7% dân số thế giới, là có luật lệ đầy đủ.
Bên cạnh luật lệ còn phải có chiến dịch vận động và kiểm tra của cảnh sát, nhưng chỉ 1/4 số quốc gia có luật thực hiện biện pháp bắt buộc công dân chấp hành nghiêm chỉnh việc mang thắt dây an toàn.
Báo cáo của WHO cũng nêu bật một số tiến bộ đáng kể như chiến dịch tại tỉnh Afyonkarahisar (Thổ Nhĩ Kỳ) vận động thành công người dân thắt dây an toàn, từ tỷ lệ 10% chấp hành đã tăng lên được 50%. Tổ chức này cũng nhắc đến tiến bộ đáng ghi nhận ở Việt Nam trong việc bắt buộc đội nón bảo hiểm khi đi xe máy.
Các tài liệu được phổ biến công khai cho thấy hiện có 88 quốc gia đã hạn chế được tai nạn chết người kể từ năm 2007, nhưng 87 quốc gia khác thì số tai nạn lại tăng lên. Số người chết cao nhất được ghi nhận tại các quốc gia thuộc diện có thu nhập trung bình, chiếm 72% dân số thế giới nhưng tập trung đến 80% người chết.
Nếu tại các quốc gia giàu tỷ lệ tử vong trung bình là 8,7/100.000 thì tại các quốc gia thu nhập trung bình con số này là 20/100.000. Tính riêng từng nước, tại Malaysia tỷ lệ lên đến 25/100.000 và Thái Lan 35/100.000. Các quốc gia thu nhập trung bình là những nơi mà số lượng xe hơi, xe gắn máy gia tăng nhanh chóng.
Nam Đình