Đài RFI cho biết tai nạn tàu dầu Iran giữa tuần qua đang gây quan ngại cho các nước trong khu vực biển Hoa Đông sau nhiều ngày bốc cháy và đã chìm dưới đáy đại dương, nhưng 136.000 tấn dầu, có diện tích bằng thủ đô Paris, vẫn tiếp tục tràn ra biển. Tại hiện trường, nhiều nhóm chuyên gia đang tìm cách hạn chế tầm mức của thảm họa. Theo Cơ quan Quản lý Đại dương Trung Quốc, vết dầu có diện tích hơn 100km².
Chiếc tàu chở dầu của Iran, chìm xuống đáy biển hôm 14-1, toàn bộ khối lượng dầu nhẹ được chở trên tàu gần như đã đổ hết ra biển.
Theo một số chuyên gia, nguy cơ ô nhiễm môi trường ít nghiêm trọng hơn là loại dầu nặng. Nhưng tình hình rất có thể trở nên nghiêm trọng nếu như đến lượt 1.000 tấn dầu chạy máy cũng tràn ra biển. Đây là mối bận tâm chính của các cơ quan hàng hải Trung Quốc. Các cơ quan này sẽ triển khai các loại tàu ngầm tự hành để thám hiểm các vùng nước xung quanh xác tàu.
Trên mặt nước, tàu chiến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tìm cách rửa sạch lớp dầu tràn. Tuy nhiên, một quan chức hàng hải ở Thượng Hải cũng nhìn nhận rằng nhiệm vụ sẽ rất khó khăn.
Cùng với thảm họa môi trường là một thảm kịch nhân mạng, trong số 32 thành viên thủy thủ đoàn, người ta chỉ tìm được ba thi thể. Không còn chút hy vọng nào tìm thấy người sống sót và các chiến dịch tìm kiếm đã bị ngưng lại.
Chiếc tàu chở dầu Iran Sanchi đã chìm ngoài khơi Thượng Hải sau một tuần lễ bốc cháy vì đụng phải một tàu chở hàng Trung Quốc.
Việc tàu chở dầu Iran Sanchi chìm là sự kiện tồi tệ đe dọa hệ sinh thái đa dạng nhất vùng biển Hoa Đông, vốn đã bị tàu cá Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc khai thác quá đà.
Loại dầu nhẹ còn đe dọa đầu độc các loại cá voi, rùa biển. Nhưng điều mà giới chuyên gia lo ngại nhất là số 1.000 tấn dầu mazout, sử dụng để chạy máy tàu, là loại dầu diesel nặng thuộc diện rất bẩn, vô cùng độc hại đối với sinh vật dưới biển.
Máy bay giám sát đã phát hiện ba thảm dầu đang trôi dạt về phía Nhật Bản, vì bị gió lớn và các dòng thủy lưu đẩy đi.